Cổ phiếu hàng không còn dư địa tăng trưởng?

(ĐTCK) 6 tháng đầu năm, trong khi các doanh nghiệp hàng không đạt kết quả kinh doanh khả quan, thì giá nhiều cổ phiếu lại có xu hướng đi ngang hoặc "ngược chiều". Tuy nhiên, với sản lượng hành khách và hàng hóa thông qua cảng hàng không tăng trưởng bình quân mỗi năm duy trì mức 2 con số, các cổ phiếu nhóm ngành hàng không đang được cho là có nhiều dư địa tăng trở lại.
Cổ phiếu hàng không còn dư địa tăng trưởng?

Triển vọng tăng trưởng ngành

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước đạt hơn 2,26 triệu lượt vận tải hành khách, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, vận tải hành khách bằng đường hàng không đạt 26,7 tỷ lượt khách, tăng 12,5%. Có được mức tăng trưởng này là do các hãng hàng không liên tục mở thêm đường bay quốc tế, bên cạnh đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.

Đồng thời, sản lượng vận tải hàng hóa thông qua các cảng trong 6 tháng đầu năm cũng tăng trưởng 13,2%, đạt 463,2 triệu tấn.

Với thu nhập bình quân đầu người đang ngày càng cải thiện và tỷ lệ người được bay còn thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực, ngành hàng không Việt Nam được đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển, nhất các hãng hàng không giá rẻ.

Với lượng hành khách tăng trung bình 25%/năm trong những năm qua, Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) dự báo, thị trường hàng không Việt Nam sẽ là thị trường phát triển nhanh nhất thế giới trong vòng 4 năm tới.

Bên cạnh đó, tăng trưởng ngành hàng không còn được hỗ trợ từ tăng trưởng của ngành du lịch. Theo Tổng cục Du lịch, tính đến hết tháng 7/2018, cả nước đón hơn 9 triệu lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ. Cũng theo dự báo của IATA, Việt Nam dự kiến sẽ cán mốc 150 triệu lượt khách du lịch vào năm 2035.

Cổ phiếu hàng không còn dư địa tăng trưởng?

Tại CTCP Hàng không VietJet (VJC - sàn HOSE), 6 tháng đầu năm 2018, VJC đạt doanh thu 21.197 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.077 tỷ đồng, tăng tương ứng 29,3% và16,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Trên thị trường, cổ phiếu VJC đóng cửa ngày 3/8 đạt 148.000 đồng/CP. VJC đang giao dịch ở mức P/E dự phóng cho năm 2018 khoảng 13,6 lần, khá hấp dẫn so với mức trung bình ngành là khoảng 20 lần.

Một điểm đáng chú ý là trong 6 tháng đầu năm, VJC đã trích lập gần 120 tỷ đồng cho khoản đầu tư 4,59% cổ phần tại Tổng công ty Dầu Việt Nam (OIL) khi giá cổ phiếu OIL giảm hơn 30% kể từ khi giao dịch trên sàn UPCoM.

Tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN - sàn UPCoM), HVN ghi nhận kết quả 6 tháng đầu năm tích cực khi doanh thu thuần đạt 47.557 tỷ đồng, tăng trưởng 18,5% và lợi nhuận sau thuế là 1.511 tỷ đồng, tăng trưởng 84%.

Sau khi trả cổ tức (8%, tháng 5/2018) và bán ưu đãi cổ phiếu (trên 15% với giá 10.000 đồng trong tháng 4/2018), hiện cổ phiếu HVN đang giao dịch ở mức P/E dự phóng hơn 24 lần.

Tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV, sàn UPCoM), lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm duy trì mức tăng trưởng khả quan với mức tăng gần 81%, đạt 3.089 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này không có hoạt động trả cổ tức hay chia thưởng cổ phiếu nào trong thời  gian qua và so với mức giá 119.000 đồng vào thời điểm đầu năm, cổ phiếu ACV ghi nhận mức giảm gần 30% khi kết phiên 3/8 (đạt 83.900 đồng/CP).

Một trong những nhân tố ảnh hưởng giá cổ phiếu ACV một phần đến từ các kết luận sai phạm về quản lý và sử dụng vốn của doạnh nghiệp, cũng như “băn khoăn” của nhà đầu từ về vấn đề minh bạch sau quyết định bổ nhiệm hàng trăm cán bộ trước khi nghỉ hưu.

Bên cạnh cổ phiếu của hãng máy bay, cổ phiếu của các công ty “vệ tinh” trong ngành cũng có những câu chuyện đáng chú ý.

Chẳng hạn, cổ phiếu SCS của CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn sau khi tăng khá tích cực trong quý I/2018, thì từ mức đỉnh gần 194.000 đồng/CP thiết lập vào đầu tháng 4/2018, đã giảm về 170.500 đồng/CP khi chốt phiên 3/8, tức giảm 12%. Ở mức giá hiện tại, SCS đang giao dịch ở mức P/E dự phóng khoảng 23 lần.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, SCS đạt 222 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 20% và đạt 48% kế hoạch năm. Theo đại diện của SCS, khả năng hoàn thành kế hoạch năm là cao dựa trên sản lượng hàng hóa qua các sân bay Việt Nam dự kiến tăng trưởng 12-15%/năm.

Cổ phiếu AST CTCP Dịch vụ hàng không Tasec (sàn HOSE) tăng hơn 19% so với thời điểm đầu năm, nhưng tính từ thời điểm tháng 3/2018, cổ phiếu này giảm hơn 22%.

Về hoạt động kinh doanh, một trong điểm nhấn của AST là các địa điểm kinh doanh tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã hoạt động ổn định, giúp tạo nguồn thu cho AST. 6 tháng đầu năm, AST đạt 160 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 48% kế hoạch đề ra.

Với vốn điều lệ 360 tỷ đồng, ở mức giá hiện tại, AST có P/E dự phóng khoảng 14 lần. Công ty này vừa trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20% vào tháng 6/2018.

Với dự báo tích cực về tăng trưởng ngành, cũng như những thuận lợi mang tính đặc thù, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành hàng không ghi nhận sự tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, nhà đầu tư có rót tiền vào loại hàng hóa này hay không lại phụ thuộc vào khẩu vị đầu tư và chất lượng định giá của từng người. 

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ