Cổ phiếu dầu khí: Cơ hội có mở ra với dòng tiền?

(ĐTCK) Giá dầu tăng đã hỗ trợ cho đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu ngành dầu khí từ đầu năm tới nay. Trong bối cảnh tâm lý thị trường đang tích cực trở lại, cơ hội liệu có tiếp tục mở ra với nhóm cổ phiếu này? 
Cổ phiếu dầu khí: Cơ hội có mở ra với dòng tiền?

Mã dầu khí dẫn đầu xu thế tăng

Từ đầu năm 2019 đến nay, dầu khí là nhóm cổ phiếu ghi nhận mức tăng giá mạnh nhất, bình quân đạt 20 - 30% và là nhóm được đánh giá có sức hút với dòng tiền. Đỉnh điểm, trong phiên giao dịch ngày 14/3/2019, nhóm dầu khí đều đồng loạt tăng mạnh như PVD (tăng 5,5%), PVB (tăng 5,3%), PVS (tăng 4,7%), OIL (tăng 5,6%), BSR (tăng 2,2%), PLX (tăng 2,6%), GAS (tăng 2,3%)...

Ngành dầu khí bao gồm các doanh nghiệp hoạt động trong quá trình từ thăm dò khai thác, vận chuyển dầu thô và khí đến xử lý, chế hóa thành các sản phẩm khí, xăng dầu và cung ứng ra thị trường, được chia thành 4 lĩnh vực: thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn và dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Càng về phía thượng nguồn, doanh nghiệp càng cần vốn đầu tư lớn và kết quả kinh doanh chịu tác động của diễn biến giá dầu lớn hơn.

Nhận định được đưa ra từ ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng cao cấp, Phòng Nghiên cứu và phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt, giai đoạn gần đây, nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến khá tích cực, được hỗ trợ bởi đà tăng của giá dầu và kỳ vọng cải thiện và mở rộng các hoạt động dịch vụ dầu khí trong năm nay.

“Tuy vậy, định giá nhóm này đã không còn rẻ, nên rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn vẫn xảy ra, trong khi trong dài hạn lại phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố để có thể thu hút dòng tiền”, ông Đức nói.

Với GAS, doanh nghiệp đang nắm vị thế độc quyền với 100% thị phần phân phối khí thiên nhiên và giữ vị thế số 1 thị trường bán buôn LPG (75% thị phần), theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), tính từ ngày 20/3/2019, giá bán khí của GAS được cơ cấu lại, giúp Tổng công ty loại bỏ rủi ro lỗ nếu giá khí miệng giếng cao hơn giá trần trước đây. Tuy nhiên, các mỏ khí hiện tại của GAS đang ở vào giai đoạn cuối vòng đời, sản lượng khai thác không còn nhiều. Việc mỏ Phong Lan Dại được đưa vào khai thác từ đầu năm 2019 chỉ giúp GAS bù đắp thiếu hụt nguồn khí, không tạo ra quá nhiều tăng trưởng.

Hiện GAS đang giao dịch ở mức hơn 110.000 đồng/cổ phiếu và nhiều công ty chứng khoán đưa ra góc nhìn khá trung tính về cổ phiếu này khi cho rằng, biên độ tăng của cổ phiếu này khá hẹp.

Đối với Tổng công ty Dầu Việt Nam (OIL), theo báo cáo của HSC, với giả định giá dầu năm 2019 ở mức 70 USD/thùng, sản lượng kinh doanh xăng dầu đạt 3,2 triệu tấn và thuế bảo vệ môi trường của xăng tăng lên mức 4.000 đồng/lít, giá xăng cơ sở năm 2019 dự kiến cao hơn khoảng 3,66% so với năm 2018 thì doanh thu năm 2019 của OIL có thể đạt 68.076 tỷ đồng, cao hơn 5% so với năm 2018 và lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 611 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 10% so với 2018.

Một cổ phiếu cũng thu hút được sự quan tâm của thị trường thời gian qua là PVS (của Tổng CTCP Kỹ thuật dầu khí Việt Nam). Đây là doanh nghiệp cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng cho cả doanh nghiệp thượng nguồn lẫn hạ nguồn ngành dầu khí. Các mảng kinh doanh của PVS bao trọn vòng đời khai thác một mỏ dầu: dịch vụ xây lắp các công trình dầu khí; cho thuê dịch vụ kho nổi FSO/FPSO; dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí; dịch vụ căn cứ cảng; khảo sát địa chất.

Thực tế, PVS đã trải qua một chu kỳ khó khăn bắt nguồn từ việc chậm hoặc ngừng triển khai các dự án dầu khí kể từ cú sốc giá dầu năm 2014. Cho đến nay, các dự án đã bắt đầu rục rịch triển khai trở lại, trong đó khả thi nhất trong năm 2019 là dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt sẽ ký hợp đồng tổng thầu vào tháng 6/2019; dự án Nam Côn Sơn 2-GDD2 sẽ ký hợp đồng tổng thầu phần ống biển vào tháng 6/2019 và phần bờ vào khoảng tháng 10 - 11/2019. Các hoạt động khác sẽ tiếp tục ổn định nhờ vào triển vọng ngành.

Dẫu vậy, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện PVS cho biết, Công ty vẫn có góc nhìn khá thận trọng về diễn biến giá dầu trong năm 2019, cũng như kế hoạch kinh doanh của chính doanh nghiệp. Dự kiến, cuối tháng 6 tới, PVS mới tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 để xin thông qua một số chỉ tiêu như doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này đều tương đương năm 2018. Quý I vừa qua, doanh thu hợp nhất của PVS ước đạt 3.800 tỷ đồng, đạt 146% kế hoạch quý, tăng 12% so với cùng kỳ 2018; lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 350 tỷ đồng, đạt 250% kế hoạch quý, tăng 18% so với cùng kỳ.

Cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) có biến động khá tích cực trên sàn, nhưng tình hình kinh doanh thực tế của doanh nghiệp chưa có nhiều chuyển biến đồng điệu.

Lãnh đạo PVD chia sẻ rằng, hiệu quả hoạt động của Công ty phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nên khó có thể đưa ra một con số cụ thể. Mục tiêu của PVD trong năm 2019 tương tự năm 2018 là không lỗ và phải sau quý III/2019 mới có thể hình dung cụ thể hơn. Tuy nhiên, với khối lượng công việc và giá thuê giàn tăng nhẹ trong năm 2019, nhiều chuyên gia phân tích kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện dòng tiền. 

khó dự báo hết rủi ro

Nhìn về triển vọng chung của ngành dầu khí từ nay đến hết năm 2019, HSC cho rằng, dù đứng trước nhiều cơ hội nhưng ngành này cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Đó là biến động của tình hình địa chính trị khu vực và thế giới khiến giá dầu khó dự báo. Nhu cầu tiêu thụ dầu dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm 2019, vào khoảng 1,03%.

Trong khi hoạt động tăng sản lượng của các thành viên OPEC và Mỹ đã phần nào loại bỏ ảnh hưởng của việc Mỹ hạn chế các đồng minh nhập khẩu dầu từ Iran và khủng hoảng Venezuela. Ở trong nước, sản lượng khai thác của các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2019, do các mỏ lớn đã vào giai đoạn cuối vòng đời khai thác, trong khi các mỏ mới chủ yếu có trữ lượng nhỏ.

Theo HSC, nền tảng giá dầu thấp cũng sẽ dẫn tới các kế hoạch thăm dò khai thác mới gặp nhiều khó khăn, bởi điểm hòa vốn của các dự án mới ở mốc khoảng 54 USD/thùng. Việc các kế hoạch thăm dò và khai thác mới chưa được triển khai sẽ kéo theo các đơn vị cung cấp dịch vụ và thiết bị liên quan gặp khó khăn. Mảng khí đốt tuy chịu chung khó khăn thượng nguồn như mảng dầu thô, nhưng có nhiều động lực tăng trưởng tốt hơn.

Trong năm 2019, dự tình trạng thiếu nước cho thủy điện tiếp tục diễn ra do hiệu ứng El Nino. Sự thiếu hụt này kéo theo nhu cầu điện khí tăng lên. Nhu cầu khí tăng cao trong khi trữ lượng các mỏ không còn nhiều buộc các doanh nghiệp phải tiến hành thăm dò mỏ mới, gián tiếp tạo ra động lực tăng trưởng doanh thu mới cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và sản phẩm phục vụ ngành dầu khí.

Đi vào phân tích cụ thể hơn các doanh nghiệp trong ngành, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, các doanh nghiệp nằm ở trung nguồn có vai trò vận chuyển và phân phối như GAS, PVT có biên lợi nhuận tốt nhất.

Trong khi các doanh nghiệp ở thượng nguồn có biên lợi nhuận thấp hơn do khối lượng công việc lớn hơn và chịu nhiều rủi ro từ biến động giá dầu. Các doanh nghiệp hạ nguồn có chung đặc điểm với các doanh nghiệp thuộc ngành bán lẻ (biên lợi nhuận thấp). Tất cả các doanh nghiệp đều có hệ số đòn bẩy tài chính thấp (trừ PLX), trong khi tỷ lệ thanh toán tốt, cho thấy đặc thù lưu chuyển tiền tệ trong ngành dầu khí nhanh.

Có thể thấy, đối với ngành dầu khí, các cổ phiếu ngành này được hưởng lợi từ xu hướng hồi phục của giá dầu từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, để diễn biến tăng của giá dầu phản ánh đầy đủ vào kết quả kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp trong ngành sẽ cần một độ trễ nhất định (kéo dài một vài quý), trong khi giá cổ phiếu các doanh nghiệp đã tăng trưởng mạnh từ đầu năm đến nay.

Mặc dù vẫn đánh giá cao triển vọng các doanh nghiệp ngành dầu khí trong dài hạn, KBSV cho rằng, đây chưa hẳn là cơ hội đầu tư thực sự hấp dẫn trong ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu có khả năng xuất hiện các biến động khó lường thời gian tới.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ