Cổ phiếu blue-chip, lợi nhuận có xứng với độ nóng của giá?

(ĐTCK) HPG, PVS, MSN, VCB, FPT…, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn thu hút dòng tiền đầu tư cả nội lẫn ngoại, khiến giá có xu hướng tăng mạnh. Tuy nhiên, nguyên nhân đôi khi rất khác nhau.
Cổ phiếu blue-chip, lợi nhuận có xứng với độ nóng của giá?

HPG - kết quả kinh doanh ấn tượng

Nhìn lại quá trình tăng giá cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát từ đầu năm 2013 đến nay, không ít NĐT tự trách mình: giá như mua và giữ, thay vì lướt sóng.

Đầu năm 2013, HPG có giá 21.000 đồng/CP, mức giá quy đổi là 20.400 đồng/CP (do trong năm 2013, Hòa Phát thực hiện chia cổ tức bằng tiền), kết thúc phiên giao dịch hôm qua (21/1), mức giá là 53.000 đồng/CP, tăng 159,8%. Nguyên nhân tăng giá của HPG được lý giải chủ yếu ở yếu tố nội tại.

Năm 2013 là năm thành công của Hòa Phát, khi ngành thép hồi phục tốt và Công ty ghi nhận mức lợi nhuận ấn tượng, trên 2.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 68% kế hoạch, gấp hơn 2 lần con số đạt được trong năm 2012. Bản thân Hòa Phát được NĐT cả trong và ngoài nước đánh giá cao do xây dựng được một chuỗi giá trị hoàn chỉnh của ngành thép, đồng thời liên tục thể hiện chiến lược kinh doanh bài bản, bền vững.

Bên cạnh đó, yếu tố vốn hóa lớn cũng tạo điều kiện cho Hòa Phát thu hút sự chú ý của các dòng tiền lớn. Trong các ngày qua, giao dịch tích cực của khối ngoại là động lực giúp cổ phiếu HPG tăng giá. Yếu tố tác động lớn tới diễn biến giá cổ phiếu HPG trong thời gian tới có lẽ sẽ là kế hoạch kinh doanh năm 2014 của Công ty.

PVS - lợi nhuận đột biến

Chưa có báo cáo tài chính quý IV/2013, nhưng với con số ước tính trước đó khoảng 1.795 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2013, vượt 80% kế hoạch, cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam có cơ sở để tăng giá ấn tượng.

So sánh mức giá đầu năm 2013 là 13.700 đồng/CP (giá điều chỉnh là 12.400 đồng/CP), hiện cổ phiếu PVS ghi nhận mức tăng giá 133,06%.

Liên tiếp trong 5 phiên gần đây, khối NĐT nước ngoài đẩy mạnh mua ròng cổ phiếu PVS, trong đó có phiên mua ròng gần 30 tỷ đồng. Đây cũng là động lực giúp PVS tăng giá mạnh, nhất là vào phiên hôm qua (21/1), với mức tăng gần 10%!

Ngành nghề kinh doanh thuộc “họ” dầu khí, ghi nhận lợi nhuận đột biến, thanh khoản tốt là những yếu tố giúp PVS thu hút được dòng tiền lớn trong những ngày qua.

BVH, MSN, VIC: mã ưa thích của các đợt sóng blue-chip

Dường như, chưa có đợt tăng giá nhóm cổ phiếu blue-chip nào mà thiếu cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt.

3 phiên vừa qua, giá cổ phiếu BVH tăng trần, từ 38.800 đồng/CP lên 47.200 đồng/CP. Giá trị mua ròng của khối ngoại không thực sự lớn trong cơ cấu tổng giá trị giao dịch của BVH cho thấy, dòng tiền đổ vào cổ phiếu này không chỉ đến từ khối ngoại.

Một thương hiệu bảo hiểm lớn là điều Bảo Việt đã và đang sở hữu, nhưng không có thông tin đột biến về kết quả kinh doanh, nên lý giải cho đợt tăng giá của cổ phiếu BVH đến từ yếu tố quá khứ, khi mã này luôn ghi nhận mức tăng giá ấn tượng mỗi khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có “sóng”.

Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup không có diễn biến tăng giá mạnh, nhưng cũng ghi nhận 2 phiên tăng điểm và động thái mua vào tích cực của khối ngoại.

Với VIC, năm 2013 là năm ghi nhận lợi nhuận đột biến, nhưng thông tin này đã được thị trường tiếp nhận từ nửa đầu năm và cơ bản được phản ánh vào giá cổ phiếu. Việc tăng giá của VIC lần này, với sự chú ý hơn của dòng tiền ngoại, có lẽ đến từ việc gia tăng sở hữu thông thường nhiều hơn là những đột biến về mặt cơ bản.

Cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan quay đầu giảm giá trong phiên hôm qua (21/1) sau khi tăng 4 phiên liên tiếp. Kết quả kinh doanh của MSN không có gì đặc biệt, dù chiếm lĩnh thị phần áp đảo ở nhiều dòng sản phẩm, nên lựa chọn MSN vẫn được coi là đầu tư vào tương lai. Tuy nhiên, với vị thế thị trường, kèm theo quy mô hoạt động lớn và những dự án khổng lồ, MSN tiếp tục là cổ phiếu được ưa chuộng của khối ngoại.

FPT - cơ hội bị bỏ sót?

Trong các chu kỳ tăng điểm của TTCK năm qua, có sự quay vòng của dòng tiền, lần lượt từ nhóm cổ phiếu này sang nhóm cổ phiếu khác.

6 tháng qua, dù nhiều mã cổ phiếu tăng giá mạnh, nhưng cổ phiếu FPT của CTCP FPT vẫn được giao dịch quanh ngưỡng 4x, trong khi kết quả kinh doanh khả quan, cổ tức được chia đều đặn và nhiều thông tin tích cực khác về doanh nghiệp được công bố.

Thứ mà cổ phiếu FPT cần là sự chú ý của dòng tiền, đợt tăng điểm các cổ phiếu blue-chip vừa qua đã làm được điều đó, giúp FPT từng bước tăng giá, chiến thắng luôn cả việc bán ròng của khối ngoại.

Từ mức giá 47.300 đồng/CP ngày đầu năm 2014, FPT đã vượt được ngưỡng 50.000 đồng/CP, lên 53.000 đồng/CP khi chốt phiên giao dịch hôm qua (21/1), tương đương mức tăng 12,05%.

Với đà tăng giá này, có vẻ như thị trường đang đi tìm những cơ hội còn… bỏ sót.             

Hoàng Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,204.97 -0.64 -0.05% 139,219 tỷ
HNX 227.57 -0.3 -0.13% 1,223 tỷ
UPCOM 88.15 -0.21 -0.24% 468 tỷ