Cổ phần hóa “giậm chân tại chỗ”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói gì?

(ĐTCK) Ý kiến từ các đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp cho thấy vướng mắc, bất cập về định giá đất tiếp tục gây nên rủi ro làm thất thoát tài sản nhà nước, cũng như làm chậm tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Theo kế hoạch, năm 2018 sẽ cổ phần hóa 85 doanh nghiệp, nhưng đến nay mới có 12 doanh nghiệp được phê duyệt. Theo kế hoạch, năm 2018 sẽ cổ phần hóa 85 doanh nghiệp, nhưng đến nay mới có 12 doanh nghiệp được phê duyệt.

Rủi ro “bốc hơi” tài sản nhà nước

Tại nghị trường Quốc hội, cổ phần hóa là một trong những chủ đề được nhiều đại biểu đề cập, cũng như chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính với tư cách là tư lệnh lĩnh vực cổ phần hóa.

“Việc quản lý đất đai trước và sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều thiếu sót, không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Việc này đã dẫn đến thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết các giải pháp để khắc phục tình trạng này…”, Đại biểu Quốc hội Quách Thế Tản (Hoà Bình) nêu vấn đề.

“Trên thực tế, một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã lợi dụng chính sách quản lý đất đai của Nhà nước như việc di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mà không để các cơ quan có thẩm quyền thu hồi, không đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai…”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận.

Cũng theo ông Dũng, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp để cổ phần hóa được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai trong từng thời kỳ.

Theo đó, trước năm 2011 quy định đã nêu rõ, đất thuê trả tiền hàng năm phải tính giá trị vị trí địa lý vào giá trị doanh nghiệp. Sau năm 2011 đến nay, Luật Đất đai năm 2013 đã điều chỉnh lại việc tính tiền thuê đất sát với thị trường trong giá trị doanh nghiệp. Việc quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai sau cổ phần hóa ở mỗi địa phương, trước hết là thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cảnh báo: “Đang có hiện tượng cài cắm một số nhân sự cốt cán vào doanh nghiệp để thôn tính. Chỗ này có khả năng tạo ra những ‘Vũ Nhôm khác’ nên các cơ quan cần phải vào cuộc. Theo đó, bên cạnh tăng cường thanh tra, kiểm toán, cần phải hoàn thiện ngay thể chế để bịt các lỗ hổng, đặc biệt là lỗ hổng cổ phần hóa, nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước...”.

Để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về định giá đất, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 126/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

Theo đó, phương án sử đụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm cổ phần hóa. Sau khi cổ phần hóa, công ty cổ phần phải thực hiện quản lý và sử dụng đất của doanh nghiệp theo đúng mục đích và phương án đã được phê duyệt. Trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi mục đích đất thì phải được thu hồi để đấu giá theo quy định.

Việc quản lý đất đai nói chung, đất của doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa nói riêng, là vấn đề hệ trọng. Theo quy định của Luật Đất đai, dù là doanh nghiệp cổ phần hay doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thành phần khác, khi chuyển đổi mục đích sử dụng, đất đai phải được thu hồi để đấu giá.

“Vừa qua, có một số trường hợp không thực hiện đấu giá, dẫn đến dư luận tâm tư, nhiều ý kiến cho rằng thất thoát và lãng phí...”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói. 

Cổ phần hóa chậm vì vướng đất

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm và chưa đạt được kế hoạch đề ra. Việc sử dụng vốn thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn từ doanh nghiệp nhà nước chậm được triển khai, làm tồn đọng vốn, trong khi vẫn phải phát hành trái phiếu chính phủ để phục vụ đầu tư.

Một trong những nguyên nhân khiến cho tiến độ cổ phần hóa "dậm chân tại chỗ", theo nhìn nhận của nhiều đại biểu Quốc hội, là do các vướng mắc, bất cập trong quản lý, xác định giá đất kéo dài chậm được tháo gỡ, khắc phục.

“Những vướng mắc liên quan đến đất đai đã gây ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết các giải pháp để khắc phục tình trạng này…”, Đại biểu Quách Thế Tản đề xuất.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong Nghị định 126/2017 đã quy định rõ, các địa phương nơi doanh nghiệp cổ phần hóa có sử dụng đất phải chịu trách nhiệm phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

“Dù vậy, thực tế, có những doanh nghiệp sử dụng đất đai ở nhiều địa phương nên việc triển khai bị chậm. Do vậy, năm nay, theo kế hoạch phải cổ phần hóa 85 doanh nghiệp, nhưng mới phê duyệt được 12 doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng chậm trễ này, cần có sự vào cuộc một cách đồng bộ của các tổ chức, các cấp, các ngành…”, ông Dũng cho hay.

Đi liền với giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, ý kiến từ các đại biểu Quốc hội còn cho rằng, cần chú trọng nâng cao chất lượng cổ phần hóa.

“Trong báo cáo của Chính phủ có nêu, cần đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tăng cường chiều sâu và tốc độ cổ phần hóa... Đây là giải pháp hay, tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này của Chính phủ.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng nêu, thực tiễn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước còn chậm. Năm 2018 mới cổ phần hóa được 10/85 doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào không cổ phần hóa được đề nghị phải cho phá sản, còn doanh nghiệp nào cổ phần hóa và thoái vốn được, bán được thì đề nghị phải làm ngay...”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề xuất.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh cổ phần hóa…

Cổ phần hóa “giậm chân tại chỗ”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói gì? ảnh 1

 Ông Hoàng Văn Hùng, Đại biểu tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2018, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã thực chất hơn, tập trung thoái vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm, chưa đạt hiệu quả và kế hoạch đề ra.

Đề nghị Chính phủ cần đánh giá nguyên nhân vì sao không hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn theo lộ trình? Tình trạng này là do các bộ, ngành, địa phương, hay do người quản lý của các doanh nghiệp sợ mất quyền, lợi ích, hay vướng mắc về cơ chế, thị trường? Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước theo đúng chỉ đạo và Nghị quyết 60 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Quy trình mới đòi hỏi doanh nghiệp phải minh bạch giá đất ngay từ đầu…

Xác định giá trị đất trong cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là vấn đề “nóng”, vì nhiều lý do. Thời gian qua, xuất hiện các tỷ phú, triệu phú sau một đêm nhờ đất đai…

Cổ phần hóa “giậm chân tại chỗ”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói gì? ảnh 2

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính. 


Để khắc phục kẽ hở trong xác định đất phục vụ cho định giá doanh nghiệp cổ phần hóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2017 với nhiều nội dung mới.

Theo đó, tinh thần quan trọng là quy định rõ ràng khi sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp phải công khai có bao nhiêu khu đất, ở vị trí nào, đang sử dụng vào mục đích gì, sau cổ phần hóa có sử dụng tiếp không, nếu không thì phải bàn giao lại cho Nhà nước.

Vấn đề nằm ở chỗ, có những khu đất mà sau cổ phần hóa doanh nghiệp không sử dụng, nhưng vẫn cứ “ôm”. Vướng mắc này khiến công đoạn xác định giá trị đất đai trong xác định giá trị doanh nghiệp mất nhiều thời gian.
Về quy trình xác định giá trị đất, Luật Đất đai đã quy định rõ, nhưng trên thực tế tổ chức triển khai chưa rõ, thậm chí có sự du di, nên ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.

Nếu như trước khi áp dụng cơ chế mới tại Nghị định 126/2017, khi xác định giá trị đất đai mà doanh nghiệp thấy vướng, doanh nghiệp có thể chọn cách “treo” lại để cho doanh nghiệp hậu cổ phần hóa giải quyết tiếp, thì nay quy trình mới không cho phép làm như vậy, mà phải triệt để xử lý dứt điểm các vấn đề về đất để đảm bảo xác định giá trị doanh nghiệp minh bạch, xác thực.

Quy trình mới này đòi hỏi doanh nghiệp phải làm chặt chẽ ngay từ đầu, nên trong quá trình triển khai doanh nghiệp cảm thấy khó, mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, cách làm này đảm bảo minh bạch, tránh phát sinh 
tranh chấp về đất đai, cũng như giá trị doanh nghiệp hậu cổ phần hóa.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ