Có nên “tiếp sóng” cổ phiếu ngành khai khoáng?

Thời gian qua, nhóm cổ phiếu khai thác mỏ đã có những con sóng lớn, nhưng xu hướng chọn cổ phiếu nhóm ngành này có phải là một chiến lược đúng đắn vào lúc này?
(Ảnh minh họa) (Ảnh minh họa)

Một trong những biến động thú vị nhất trên thị trường chứng khoán ngày 24/3 có lẽ là sự khởi sắc của nhóm ngành khai thác mỏ khi hầu hết các cổ phiếu thuộc ngành này đã tăng trần, bao gồm BMC, KSH, KTB, KTT và KSA.

 

Mức tăng điểm ấn tượng của các cổ phiếu này được xem là xu hướng “ăn theo” đà tăng của BMC, một công ty khai thác và chế biến titan, sau khi cổ phiếu này tăng giá khoảng 50% chỉ trong 2 tuần.

 

Liệu xu hướng chọn cổ phiếu khai thác mỏ có phải là một chiến lược đúng đắn vào lúc này hay không, chúng ta hãy phân tích các yếu tố đã thúc đẩy giá của BMC, triển vọng toàn cầu của ngành khai thác mỏ, và mức tăng giá của nhóm ngành này từ đầu năm 2011 đến nay.

 

Trước tiên, hãy cùng điểm lại những sự kiện đã xảy ra với BMC. Vào ngày 12/3 vừa qua, BMC thông báo vừa nhận được quyết định cho phép khai thác 1 quặng mới, quặng Titan-Zircon trên một diện tích 150 ha tại tỉnh Bình Định. Ngoài ra, công ty này cũng công bố mức thuế xuất khẩu đối với TiO2 - sản phẩm chính của họ - đã giảm 33% từ 15% xuống còn 10%.

 

Theo ý kiến của người viết, cả hai thông tin này đều rất quan trọng vì nó thay đổi đáng kể các yếu tố cơ bản của công ty. Trong khi việc giảm thuế xuất khẩu sẽ nâng cao biên lợi nhuận cho BMC thì việc mua lại các quặng mới sẽ giúp cho sự tăng trưởng sản lượng và do đó làm tăng giá trị công ty. Do vậy, việc tăng giá mạnh của cổ phiếu BMC trong hai tuần qua có vẻ như không quá khó lý giải.

 

Trong khi đó, giá các cổ phiếu khoáng sản khác chỉ bắt đầu nhịp tăng từ ngày hôm nay. Dưới đây là một số lý do mà VCSC cho rằng đang dẫn dắt xu hướng đầu tư hoặc đầu cơ vào các cổ phiếu khai khoáng nói chung:

 

(1) Kỳ vọng rằng việc giảm thuế xuất khẩu có thể được lặp lại cho các kim loại khác khác bên cạnh Titan.

 

(2) Giá dầu đã tăng 15% từ đầu năm đến nay, nhất từ cuối tháng 2/2011. Do đó, việc giá dầu tăng được kỳ vọng sẽ kéo giá kim loại tăng theo cũng được xem là một lý do để đầu tư vào các cổ phiếu khai thác mỏ.

 

(3) Kinh tế toàn cầu hồi phục dẫn đến nhu cầu sử dụng kim loại gia tăng.

 

Đối với luận điểm thứ nhất, rất khó để người viết đánh giá tính khả thi của việc giảm thuế xuất khẩu đối với các kim loại khác như Titan. Tuy nhiên, người viết nghĩ rằng 2 lý do còn lại không nên được xem như là các lý do để đầu tư vào ngành này. Thực tế, người viết đã theo dõi biến động giá của các kim loại chủ chốt như thép, đồng, và kẽm từ đầu năm đến nay.

 

Mặc dù giá dầu tăng khoảng 15%, giá kẽm vẫn còn gần như không thay đổi tại mức 2.400USD/tấn trong khi giá thép và đồng đã giảm nhẹ khoảng 3%. Việc tăng giá dầu gần đây bị chi phối nhiều bởi tình trạng bất ổn chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi, nơi nắm giữ phần lớn trữ lượng dầu mỏ của thế giới, hơn là các lý do khác.

 

Trong khi đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp toàn cầu có lẽ sẽ không phục hồi nhanh chóng trong năm nay khi mà Ngân hàng Trung ương trên khắp thế giới đang thắt chặt tiền để kiểm soát lạm phát và làm giảm nhiệt nền kinh tế.

 

Cuối cùng, VCSC thu thập dữ liệu về các công ty khai thác mỏ ở các nước khác để theo dõi biến động giá của họ trong những tháng gần đây. VCSC quan sát 91 công ty tại các thị trường mới nổi bao gồm Indonesia , Philippines , Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ và Kazakhstan .

 

Những công ty này thuộc nhóm ngành khai thác mỏ và sản phẩm của họ là các kim loại khác nhau. Lợi tức trung bình của các công ty này vào khoảng -2.3%, gần bằng với lợi tức bình quân -2.4% của chỉ số MSCI emerging markets.

 

Kết quả này cho thấy có về như nhóm ngành này không tăng trưởng tốt lắm từ đầu năm đến nay, và vì vậy, ý tưởng đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ cần được xem xét cẩn thận.


Trương Vĩnh An (VCSC)/NDHMoney

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ