Cổ đông nội bộ cũng… lướt sóng

(ĐTCK-online) Khi pháp luật không quy định rõ, cổ đông nội bộ hoàn toàn có lý do để giao dịch theo cách của riêng mình. Hơn thế, cổ đông nội bộ cũng là nhà đầu tư nên sẽ thuận lợi nếu họ lướt sóng CP của chính đơn vị mình, là CP mà họ hiểu rõ nhất, có quyền điều tiết thông tin tốt - xấu và DN ra công chúng.
Cổ đông nội bộ cũng là nhà đầu tư nên sẽ thuận lợi nếu họ lướt sóng CP của chính đơn vị mình. Cổ đông nội bộ cũng là nhà đầu tư nên sẽ thuận lợi nếu họ lướt sóng CP của chính đơn vị mình.

Sở GDCK Hà Nội vừa ra thông báo về việc ông Nguyễn Đức Cường, thành viên HĐQT CTCP DZM đăng ký mua 200.000 cổ phiếu (CP) và đăng ký bán 150.000 CP từ ngày 8/6/2010 đến ngày 6/8/2010, với mục đích tăng tỷ lệ CP nắm giữ.

Như vậy, với số lượng nắm giữ trước khi thực hiện giao dịch là 310.700 CP, nếu giao dịch theo đăng ký trên được thực hiện thành công thì số lượng CP sau giao dịch sẽ là 360.700 CP (tăng 50.000 CP so với trước đây).

Sẽ không quá ngạc nhiên nếu thông báo giao dịch trên là của cổ đông lớn (không nằm trong ban điều hành DN), chứ không phải cổ đông nội bộ.

Trước đó, nhiều tổ chức, với tư cách là cổ đông lớn như SSI, VFM cũng đã đăng ký "lướt sóng" một loạt CP… Công ty Quản lý quỹ Việt Nam khi lập quỹ mới (Quỹ VF4) cũng tuyên bố thẳng là để dành một phần lướt sóng.

Nhưng với việc công bố thông tin của ông Cường, có thể coi đây là giao dịch đầu tiên mà cổ đông nội bộ đăng ký vừa mua, vừa bán CP của chính DN mình trong cùng một khoảng thời gian.

Thực tế, việc cổ đông nội bộ đăng ký giao dịch CP cũng là chuyện bình thường, nhưng đó chỉ là giao dịch đơn lẻ, chứ không phải đồng thời vừa mua, vừa bán. Hiện nay, pháp luật chỉ cấm việc mua bán đồng thời một mã CP trong cùng một phiên giao dịch, chứ không cấm việc vừa mua, vừa bán CP trong một thời gian nhất định.

Thông tư 09/2010/TT-BTC chính là cơ sở pháp lý cho các giao dịch của cổ đông nội bộ cũng có những quy định khá "thoáng" trong vấn đề này. Trước đó, Thông tư số 38/2007/TT-BTC ngày 18/4/2007 còn không hề có quy định nào về giao dịch của cổ đông nội bộ, thậm chí không hề có khái niệm thế nào là cổ đông nội bộ.

Nhiều người lo xa rằng, hành động vừa đăng ký mua, vừa đăng ký bán CP của DN của ông Cường có thể sẽ là sự mở màn cho làn sóng đầu cơ của cổ đông nội bộ trong thời gian tới. Mặc dù các lý do đăng ký bán mua được đưa ra là cân đối tài chính, tái cơ cấu danh mục, chi tiêu cá nhân, tăng tỷ lệ nắm giữ..., nhưng rõ ràng đây là hoạt động lướt sóng. Thiên hạ đầu cơ, người người lướt sóng, giới chuyên gia cho rằng, các quy định pháp luật đang dần "mở" cho các hoạt động mua bán CP của cổ đông nội bộ, kể cả các lãnh đạo cao nhất trong DN như chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc.

Như vậy, khi pháp luật không quy định rõ, cổ đông nội bộ hoàn toàn có lý do để giao dịch theo cách của riêng mình. Hơn thế, cổ đông nội bộ cũng là nhà đầu tư nên sẽ thuận lợi nếu họ lướt sóng CP của chính đơn vị mình, là CP mà họ hiểu rõ nhất, có quyền điều tiết thông tin tốt - xấu và DN ra công chúng.

Ở góc độ quyền lợi giữa các cổ đông, trên thực tế, các cổ đông nội bộ có quyền và được biết nhiều, biết trước và biết chính xác thông tin của DN hơn các cổ đông thường. Điều chắc chắn là khi được lướt sóng CP của chính DN họ đang nắm trọng trách thì sẽ là một bất lợi lớn đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường. Kể cả khi hạn chế duy nhất ở đây là cổ đông nội bộ muốn giao dịch thì phải công bố thông tin thì cổ đông thường vẫn nhận thấy thiếu thuyết phục khi giao dịch của cổ đông nội bộ theo kiểu này được xem là mua vào tay phải, bán ra tay trái. Ai có thể phủ nhận việc bán mua chuyền từ tay nọ sang tay kia không liên quan đến những gì họ quyết và họ biết?

Ngoài ra, đối với trường hợp trên, các nhà đầu tư có quyền đặt câu hỏi, với tư cách là thành viên HĐQT, nếu ông Cường thực sự muốn tăng tỷ lệ nắm giữ thêm 50.000 CP (theo nhưng thông báo đăng ký giao dịch) thì có thể chỉ cần thực hiện động tác đơn giản là mua vào, sao phải vừa mua vừa bán?

Qua trao đổi với một số chuyên gia tư vấn tài chính, pháp lý cho DN, nhiều ý kiến cho rằng, vì cổ đông nội bộ cũng là nhà đầu tư, do đó, ngoài việc tiếp tục bảo đảm cho phép vừa mua, vừa bán theo quy định hiện hành thì cũng cần bổ sung một số biện pháp khống chế nhất định. Theo ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc môi giới, CTCK MHBS, một trong những biện pháp đó là rút ngắn thời hạn giao dịch (chỉ khoảng 1 tháng hoặc  ngắn hơn), quy định cụ thể về khoảng cách giữa các lần đăng ký giao dịch (tối thiểu 6 tháng/1 lần hoặc ngắn hơn)…, nhằm ngăn chặn bớt việc "lướt sóng" hăm hở quá mức. Nếu không có chế tài chặt chẽ, việc lướt sóng của cổ đông nội bộ sẽ ngày càng phổ biến, không những cổ đông nhỏ lẻ bị thiệt thòi, mà thị trường sẽ nảy sinh tình trạng "loạn" đầu cơ, lướt sóng.      

Thông tư 09/2010/TT-BTC về hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK

Cổ đông nội bộ khi dự kiến giao dịch cổ phiếu của tổ chức niêm yết hoặc cổ phiếu của tổ chức giao dịch trên thị trường đại chúng chưa niêm yết, kể cả trường hợp chuyển nhượng không thông qua hệ thống giao dịch tại SGDCK (cho, tặng, thừa kế, chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm…, ngoại trừ giao dịch cổ phiếu lẻ theo yêu cầu của nhà đầu tư) phải báo cáo UBCK, SGDCK trước ngày thực hiện giao dịch tối thiểu là 3 ngày làm việc. Thời hạn dự kiến giao dịch không quá 2 tháng, kể từ ngày đăng ký thực hiện giao dịch và chỉ được bắt đầu tiến hành phiên giao dịch đầu tiên sau 24 giờ kể từ khi có công bố thông tin từ SGDCK. Trường hợp không thực hiện được giao dịch, trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn dự kiến giao dịch, các đối tượng này phải báo cáo UBCK, SGDCK về lý do không thực hiện được giao dịch.

Diệu Minh
Diệu Minh

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ