Cổ đông nhà nước hưởng cổ tức bạc tỷ

Làm đại diện phần vốn lớn tại một số doanh nghiệp ăn nên làm ra, SCIC nhận cổ tức hơn 1.000 tỷ đồng, Petro Vietnam hưởng gần 5.500 tỷ đồng qua cổ phiếu PV Gas trong khi Bộ Tài chính có 720 tỷ đồng cổ tức của Tập đoàn Bảo Việt.
Nhiều doanh nghiệp Nhà nước thu lãi hàng trăm tỷ đồng chỉ bằng cổ tức. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước thu lãi hàng trăm tỷ đồng chỉ bằng cổ tức.

Theo báo cáo thường niên 2012 và hợp nhất quý I/2013 của một số doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn, SCIC hiện có mặt ở hầu hết các công ty trong vai trò là cổ đông lớn. Tại Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (Mã CK: DHG), SCIC nắm hơn 28,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 43,31%, theo báo cáo thường niên 2012.

 

Dược Hậu Giang chi 196 tỷ đồng để trả cổ tức 2012, tỷ lệ 30% mệnh giá. Như vậy, với mức sở hữu như trên, SCIC có thể được nhận khoảng 85 tỷ đồng tiền cổ tức.

 

Tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, Mã CK: VNM), SCIC cũng “gửi gắm” hơn 375 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu hơn 45%. Trong đó, năm 2012, Vinamilk là một trong những đơn vị kinh doanh rất lạc quan khi lãi sau thuế tăng gần 40% so với cùng kỳ, đạt hơn 5.800 tỷ đồng.

 

Đại hội cổ đông thường niên 2013 vừa qua, Hội đồng quản trị Vinamilk đã nhất trí phương án chia cổ tức 2012 với tỷ lệ 38%. Tổng số tiền dùng để chi trả cổ tức dự tính khoảng 2.612 tỷ đồng. Như vậy, khoản đầu tư vào cổ phiếu VNM giúp SCIC nhận 992,56 tỷ đồng cổ tức. Chưa kể SCIC cũng còn 3% vốn tại Tập đoàn Bảo Việt, số tiền cổ tức tương ứng khoảng 30,6 tỷ đồng.

 

Ngoài hai doanh nghiệp thuộc hàng blue-chip trong rổ VN30, SCIC còn sở hữu thêm 50,7% vốn của Công ty cổ phần Bảo Minh (Mã CK: BMI), theo báo cáo thường niên 2012. Vừa qua, Hội đồng quản trị Bảo Minh cũng dự kiến chi 90,6 tỷ đồng thanh toán cổ tức. Với phương án này, SCIC lại có cơ hội nhận tiếp gần 46 tỷ đồng.

 

Hiện SCIC được biết đến là một siêu tổng công ty quản lý và kinh doanh vốn nhà nước đặt tại doanh nghiệp. Đại diện vốn của SCIC còn rải rác tại hàng loạt đơn vị khác như Vinaconex (Mã CK: VCG), Dabaco (Mã CK: DBC), Vinare.. Tuy nhiên, tính riêng 4 công ty trên, tiền cổ tức mang lại cho SCIC đã lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.

 

Bộ Tài chính cũng “giàu” lên nhờ cổ phiếu, với khoản lãi cổ tức hơn 720 tỷ đồng mới đây. Theo đó, Bộ Tài chính hiện là đại diện phần vốn nhà nước kiêm cổ đông lớn nắm tới gần 71% cổ phần tại Tập đoàn Bảo Việt (Mã CK: BVH), tương ứng trên 482,5 triệu cổ phiếu BVH.

 

Năm 2012, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Bảo Việt đạt 1.862 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm ngoái. Tỷ lệ cổ tức năm 2012 là 15% vẫn tiếp tục được giữ nguyên trong năm 2013.

 

Còn tại Công ty Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Bộ Công Thương nắm gần 90% vốn điều lệ, theo công bố của đại diện Sabeco trong đại hội cổ đông 2013 vừa tổ chức. Báo cáo tài chính Sabeco cho thấy, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 3.385 tỷ đồng, tăng gần 35% so với năm 2011.

 

Đầu năm nay, công ty trả cổ tức năm 2012 là 22% bằng tiền mặt cho các cổ đông, tương đương hơn 1.400 tỷ đồng. Với tỷ lệ sở hữu cao, Bộ Công Thương cũng có cơ hội nhận gần 1.250 tỷ đồng cổ tức Sabeco. Sang năm 2013, doanh nghiệp dự kiến nâng tỷ lệ cổ tức lên 23%.

 

Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam (Petro Vietnam) có thể lãi gần 5.500 tỷ đồng chỉ bằng việc sở hữu cổ phần tại Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS, Mã CK: GAS). Hiện tại vốn điều lệ doanh nghiệp đạt 18.950 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch PV Gas – ông Đỗ Khang Ninh xác nhận 96,7% là của Petro Vietnam.

 

Năm nay, PV Gas dự chi 5.685 tỷ đồng để trả cổ tức, tỷ lệ 30%. Trên sàn chứng khoán, GAS cũng là một blue-chip hùng mạnh, gần như luôn dẫn đầu trong top thu lãi nghìn tỷ hàng năm.

 

Nhận vốn dồi dào và cũng phải chia cổ tức khủng cho các đại diện Nhà nước, phần lớn lãnh đạo những doanh nghiệp trên đều cho rằng đây là một lợi thế. Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Trọng Phúc – Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt khẳng định sự có mặt của các cổ đông Nhà nước góp phần tạo thế mạnh cho công ty, đồng thời còn là niềm tin cho người tham gia bảo hiểm.

 

Theo ông Phúc, mặc dù cổ đông Nhà nước nắm giữ lượng lớn cổ phần thông qua đại diện vốn, các quyết định kinh doanh trong tập đoàn vẫn không bị ảnh hưởng nhiều. Hơn nữa, do đặc thù công ty niêm yết nên tất cả mọi hoạt động kinh doanh cũng như công bố thông tin đều phải minh bạch.

 

“Cổ đông Nhà nước cũng luôn ủng hộ công ty thay đổi theo hướng tích cực. Hiện nay thị trường bảo hiểm rất đa dạng, nhưng nhờ cổ đông nhà nước góp vốn và tạo dựng niềm tin, chúng tôi mới ngày càng phát triển và cạnh tranh minh bạch với các đối thủ khác”, ông Phúc khẳng định.

 

Cũng chung quan điểm trên, ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch Sabeco cho hay, sự dẫn dắt của Bộ Công Thương giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc chiếm thị phần và tạo lòng tin đối với người tiêu dùng. Nhờ vậy, các quyết định đầu tư kinh doanh của công ty cũng chặt chẽ và thận trọng hơn.

 

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ chứng khoán, một nhà đầu tư người Mỹ đang sở hữu cổ phiếu sàn TP HCM lại nhìn nhận sẽ thuận tiện hơn nếu các doanh nghiệp niêm yết hoạt động theo hình thức tư nhân. Theo ông, phần lớn các doanh nghiệp có vốn Nhà nước bị chi phối về các quyết định đầu tư, đôi khi đi “nước cờ” lệch và thiếu sự táo bạo. Do vậy, khi xem xét nắm giữ cổ phần tại một công ty bất kỳ, đặc biệt là công ty phần lớn cổ đông Nhà nước nắm giữ ông luôn phân tích kỹ càng và quyết định đầu tư với số vốn nhất định.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 198,469 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,609 tỷ
UPCOM 88.37 0.86 0.98% 414 tỷ