Chứng khoán trước áp lực giá vàng phi mã

Giá vàng tăng đột biến trong những ngày gần đây - Ảnh: Hoài Nam Giá vàng tăng đột biến trong những ngày gần đây - Ảnh: Hoài Nam

(ĐTCK-online) Giá vàng tăng đột biến cộng với những diễn biến khó lường trên thị trường tiền tệ quốc tế đang gây sức ép lên bài toán tỷ giá trong nước. Nhà đầu tư lại có cớ để chờ đợi hướng đi của chính sách vĩ mô, mà trước mắt là điều hành tỷ giá trong quý IV. Trong khi đó, lượng cung cổ phiếu lớn tiếp tục là mối bất an với đà tăng của thị trường.

Sau phiên tăng mạnh ngày 6/10, thị trường phiên 7/10 lại rơi vào trạng thái ảm đạm. Giá trị khớp lệnh trên HOSE chỉ đạt xấp xỉ 800 tỷ đồng, còn sàn HNX tụt xuống vỏn vẹn 514 tỷ đồng, mức thấp nhất trong vòng một tháng qua. Trong bối cảnh chứng khoán Mỹ và châu Á khởi sắc, nhiều nhà đầu tư đang tự hỏi vòng xoay của chứng khoán Việt Nam đang trật bánh liệu có cơ hội trở lại quỹ đạo chung. Muốn vậy, thị trường sẽ phải hóa giải được nhiều áp lực.

Ảnh hưởng trước hết tới chứng khoán là diễn biến giá vàng trong nước tăng đột biến trong những ngày gần đây, khi giá vàng thế giới tăng lên mức kỷ lục 1.349 USD/ounce xuất phát từ quan ngại nền kinh tế thế giới chưa thể hồi phục hoàn toàn sau khủng hoảng.

Đường đi của giá vàng hướng đỉnh còn bởi thị trường Việt Nam chưa liên thông với thế giới, do hạn chế trong nhập khẩu nên giá vàng trong nước được đẩy lên cao hơn so với giá thế giới sau khi đã tính các chi phí tới gần 1 triệu đồng/lượng. Một hệ quả dễ thấy theo ông Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng CTCK Thăng Long, là USD trên thị trường tự do được gom mạnh để nhập lậu vàng và ngày 6/10, có thời điểm USD vọt lên gần 20.000 đồng/USD.

Vàng tăng giá hút một lượng tiền không nhỏ và có thể tác động tới kênh huy động của ngân hàng. Chỉ tính chiều 7/10, các cửa hàng quanh khu vực Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho biết, lượng mua vào đạt thấp trong khi bán ra tới gần 2.000 lượng. Để hóa giải phần nào tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép một số doanh nghiệp nhập khẩu vàng vào cuối giờ chiều ngày 7/10. Song như đã đề cập, giá vàng trong nước tăng cao không hẳn do đầu cơ, mà diễn biến phần nào phù hợp với giá vàng thế giới. NHNN cho phép nhập khẩu vàng có thể tiếp tục đẩy nhu cầu USD tăng cao và tỷ giá lại chịu thêm áp lực gia tăng.

Trong khi đó, cung - cầu ngoại tệ, loại bỏ yếu tố thị trường vàng cũng đang chuẩn bị bước vào thời điểm nhạy cảm theo nhận định của các chuyên gia. Thống kê tại TP. HCM cho thấy, doanh nghiệp đang không mặn mà bán USD cho ngân hàng. Trong tháng 9, lượng ngoại tệ mà các ngân hàng thương mại mua được chủ yếu là từ các tổ chức tín dụng khác với tỷ trọng là 47%, mua được từ các tổ chức kinh tế chỉ chiếm 40%...  Tín dụng bằng ngoại tệ sau khi chững lại vào tháng 8 đã tiếp tục tăng mạnh.

Theo số liệu của NHNN Chi nhánh TP. HCM, tính đến cuối tháng 9/2010, tổng cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 186.100 tỷ đồng, tăng đến 36% so với cuối năm 2009. Trong đó, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ (chủ yếu là USD) của các tổ chức tín dụng tại TP. HCM riêng trong tháng 9 tăng đến 6,1% so với tháng 8, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng tín dụng ngoại tệ của tháng 8 (chỉ tăng 1% so với tháng 7).

Những tháng cuối năm, doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ cao để trả nợ, nhập khẩu hàng hóa… Cung cầu không cân đối có thể tái diễn tình trạng ngân hàng bán USD vượt trần bằng cách thu thêm phí. Trong những lần điều chỉnh tỷ giá trước đây, thị trường luôn đi trước chính sách.

Không chỉ chịu sức ép trong nước, thế giới đang đứng trước lo ngại về cuộc “chiến tranh tiền tệ” có thể xảy ra. Nhiều quốc gia cố tình giảm giá đồng bản tệ để có lợi thế xuất khẩu. Với Việt Nam, nhập siêu trong tháng 9 và các tháng cuối năm có nhiều khả năng gia tăng, trong đó, tới 80% nhập siêu từ Trung Quốc, ASEAN. Duy trì đồng tiền yếu hơn để có lợi cho xuất khẩu và cán cân thương mại theo xu hướng chung của thế giới và khu vực hay giữ giá đồng tiền? Đó là bài toán khó đang đặt ra cho cơ quan điều hành chính sách.

Với TTCK, những yếu tố nội tại của thị trường liệu đã được cải thiện so với trước? Theo báo cáo của CTCK Rồng Việt, tính từ đầu năm đến nay, có đến 3,1 tỷ cổ phiếu được niêm yết trên 2 sàn TP. HCM và Hà Nội, tương đương giá trị vốn hóa 90.800 tỷ đồng. Sở GDCK TP. HCM thì cho biết, hiện có khoảng gần 1,3 tỷ cổ phiếu đang đợi niêm yết trên sàn này.

Số liệu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thì cho thấy, tính đến cuối tháng 9, giá trị huy động vốn qua kênh phát hành đại chúng đạt 34.622 tỷ đồng, trong đó quý III chiếm gần 50%. Trong thời gian tới, làn sóng phát hành cổ phiếu còn tiếp tục diễn ra. Lượng cung lớn được nhận định sẽ tiếp tục là lực cản của chứng khoán trong quý IV.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư trông chờ vào kết quả kinh doanh quý III của các công ty niêm yết. Lãnh đạo một doanh nghiệp niêm yết trên HNX cho hay, năm nay, chỉ riêng cổ tức từ khoản đầu tư vào một ngân hàng kinh doanh hiệu quả đã đóng góp tới hơn 20 tỷ đồng trong cơ cấu lợi nhuận của doanh nghiệp (chiếm 1/3), còn hoạt động chính, so với năm ngoái, đã không được hưởng hỗ trợ từ gói kích cầu, doanh nghiệp lại chịu khó khăn rất lớn từ lãi suất ngân hàng cao (với doanh nghiệp này, lãi suất trung bình là 13,8%, dù thuộc nhóm xuất khẩu được hỗ trợ vay giá rẻ) và biến động tỷ giá.

Kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp được nhìn nhận ở mức không có đột biến, bởi những nhóm cổ phiếu cơ bản của thị trường như tài chính, bất động sản đều đang khó khăn.

Kinh tế vĩ mô yếu, lợi nhuận doanh nghiệp giảm, nhà đầu tư có lý do để không mặn mà với TTCK. Tuy vậy, theo nhận định của Công ty Quản lý Quỹ SHF, nếu giảm, đáy của VN-Index trong năm nay có thể xoay quanh ngưỡng 420 điểm. Ở ngưỡng này, nhiều cổ phiếu đã rớt về giá bằng với thời điểm đáy 235 điểm được thiết lập năm ngoái. Khi đó, lực cầu đến từ nguồn tiền đầu tư thực sự sẽ tham gia thị trường.

Anh Việt
Anh Việt

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ