Chứng khoán nhường sân cho... vàng

(ĐTCK) Hiện sàn giao dịch của không ít CTCK đang được “vàng hóa” bởi các đại lý nhận lệnh (ĐLNL) giao dịch vàng. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu đầu tư vàng của nhiều NĐT chứng khoán, mà còn mang đến khoản phí giao dịch vàng chiếm tỷ trọng đáng kể trong doanh thu của công ty. Hoạt động này có là “trái ngành, trái nghề”? Đâu là cơ sơ pháp lý cho các ĐLNL giao dịch vàng tồn tại?
Việc ra đời một sàn giao dịch vàng chuẩn mực để các thành viên tham gia là hết sức cần thiết. Việc ra đời một sàn giao dịch vàng chuẩn mực để các thành viên tham gia là hết sức cần thiết.

Cứu cánh

Trong số 103 CTCK hiện nay có gần 40 công ty làm ĐLNL nhận lệnh cho các sàn giao dịch vàng. Ngoại trừ các CTCK thuộc hàng “đại gia” chiếm thị phần môi giới lớn chưa thực sự mặn mà với dịch vụ đầu tư vàng, thì phần lớn công ty đều rất quan tâm. Gốc rễ sâu xa là do TTCK suy giảm, vàng trở thành một “cứu cánh” cho NĐT khi gần đây liên tục xuất hiện cơ hội đầu tư sinh lời. Từ chỗ phục vụ NĐT qua việc làm ĐLNL giao dịch vàng, CTCK cũng có thêm được nguồn thu trong giai đoạn khó khăn.

Tổng giám đốc một CTCK mở ĐLNL giao dịch vàng cho biết, sau khi khai trương được hơn 1 tuần, giao dịch vàng thực sự sôi động khi không chỉ thu hút NĐT chứng khoán, mà cả các NĐT khác. “Sau này, vàng không còn ‘sóng’, các NĐT vàng sẽ chuyển qua chứng khoán”, vị tổng giám đốc này hy vọng. Hiện tại, trung bình mỗi ngày có khoảng 20.000 lượng vàng giao dịch qua ĐLNL này. Với mức phí 2.000 đồng/lượng, nếu tính cả phí mua và phí bán thì ĐLNL cũng thu được 40 triệu đồng. Theo cơ chế ăn chia với sàn giao dịch vàng là 50/50, mỗi ngày CTCK cũng thu được 20 triệu đồng.

So sánh với doanh thu từ dịch vụ môi giới chứng khoán thì con số này thực sự ấn tượng. Bởi giá chứng khoán sụt giảm khiến giá trị giao dịch sụt giảm và điều quan trọng hơn là dòng tiền chưa thực sự trở lại với kênh đầu tư này. Như phiên phục hồi gần đây nhất là ngày 11/3, giao dịch diễn ra sôi động nhưng tổng giá trị giao dịch hai sàn cũng chỉ đạt hơn 510 tỷ đồng. Với mức phí phần lớn CTCK đang thu là 0,2% giá trị giao dịch, trừ đi phần phải nộp về HOSE và HASTC thì trung bình mỗi CTCK cũng chỉ nhận được hơn 10 triệu đồng từ môi giới chứng khoán. Ấy là chưa kể đến việc các CTCK phải chi những khoản không nhỏ cho chương trình khuyến mãi (giảm, miễn phí giao dịch, tặng phí giao dịch vào tài khoản, nộp thuế thay NĐT...) nhằm kích thích giao dịch trong bối cảnh thị trường ảm đạm. Bên cạnh đó, mức độ phân hóa giữa các CTCK là rất khác nhau, nên nhiều CTCK quy mô nhỏ, mới ra đời, doanh thu từ phí môi giới không đủ sống.

Chỉ hợp lý khi làm đại lý thuần túy

Sự ra đời nhanh chóng và hoạt động khá hiệu quả của các ĐLNL giao dịch vàng là một thực tế. Tuy nhiên, sự kiện các ĐLNL chứng khoán buộc phải đóng cửa sau một năm Quyết định 126/2008/QĐ-BTC có hiệu lực khiến không ít NĐT đặt câu hỏi: số phận các ĐLNL giao dịch vàng sẽ ra sao?

Trao đổi với ĐTCK ngày 12/3, ý kiến từ Ban Quản lý phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, việc CTCK tổ chức giao dịch vàng là không được. Việc tổ chức được hiểu theo nghĩa CTCK đứng ra thành lập sàn giao dịch, có quy trình, phương thức khớp lệnh riêng. Nhưng nếu CTCK chỉ làm đại lý với các công việc như dịch vụ tài chính, thanh toán giúp cho NĐT thì được. Bởi theo Quyết định 27/2007/QĐ-BTC, ngoài các chức năng hoạt động được quy định cụ thể, CTCK còn được làm dịch vụ tài chính khác. Việc quy định chung chung này chính là lối mở cho CTCK trong trường hợp họ làm các dịch vụ tài chính mà không phải xin cấp phép. Như vậy, việc CTCK làm ĐLNL cho các sàn giao dịch vàng cần được hiểu là làm trung gian thuần túy (làm thuê). Do một số CTCK quảng bá thông tin bằng cách nói “lập lờ” CTCK mở sàn vàng, nhưng thực tế họ chỉ làm ĐLNL, dẫn đến cách hiểu khác nhau về việc đầu tư vàng tại sàn giao dịch chứng khoán.

Hiện nay, việc ra đời một sàn giao dịch vàng chuẩn mực để các thành viên tham gia là hết sức cần thiết. Ngân hàng Nhà nước đã được giao làm đầu mối chủ trì cùng 7 bộ, ngành, trong đó có Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam soạn thảo quy trình cho các sàn giao dịch vàng. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên công việc này hiện vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Việc quản lý thị trường vàng từ trước đến nay thuộc Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng, việc xây dựng quy trình và quản lý giao dịch sàn giao dịch vàng nên giao cho cơ quan quản lý TTCK sẽ hợp chuyên môn hơn.                            

Nguyên Thành
Nguyên Thành

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ