Chứng khoán chờ kích hoạt trên diện rộng

(ĐTCK) Công ty cổ phần Ðạt Phương (DPG) đang phát hành trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng với lãi suất cố định 11,5%/năm để tăng quy mô vốn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, thủy điện, xây lắp và mở rộng sang lĩnh vực khách sạn, nhà hàng. 
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

DPG là công ty tiếp theo trong xu thế phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm bù đắp nguồn vốn từ ngân hàng đang khó tiếp cận hơn bởi tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ. Ðiều này một lần nữa khiến nhà đầu tư phải cẩn trọng hơn khi lựa chọn danh mục trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang phải trả chi phí huy động vốn cao do dòng tiền hạn hẹp.

Thời điểm này, nhà đầu tư đang tìm kiếm những câu chuyện cụ thể của từng doanh nghiệp để quyết định bỏ vốn đầu tư cho mục tiêu chốt lời vào cuối năm.

Các câu chuyện cụ thể được nhắc đến như VCB ký thỏa thuận hợp tác với FWD, thương vụ hợp tác ngân hàng - bảo hiểm lớn nhất từ trước đến nay; MBB bán 7,5% cổ phần trong tháng 11/2019 với giá 30.000 đồng/cổ phần, trong khi giá trên sàn vào khoảng 23.000 đồng/cổ phần; HDG có khoản khách hàng trả trước, hứa hẹn hạch toán doanh thu và lợi nhuận tốt trong quý IV;

Ban lãnh đạo BCG gặp gỡ nhà đầu tư chia sẻ về kế hoạch lãi 900 tỷ đồng trong năm nay và năm sau, trong khi vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng và thị giá dưới mệnh giá...

Có không ít câu chuyện cụ thể của doanh nghiệp được đưa ra, thu hút dòng tiền vào cổ phiếu, trong bối cảnh dòng tiền đang rời khỏi các cổ phiếu không có thông tin mới, hoặc chỉ cần có thông tiêu cực là dòng tiền lập tức rút lui như trường hợp LDG, giá cổ phiếu giảm mạnh ngay khi có thông tin dự án Giang Ðiền bị kết luận tính sai tiền sử dụng đất.

Tâm lý nhà đầu tư nhạy cảm và muốn bảo toàn vốn, lợi nhuận ở thời điểm này hơn là chấp nhận rủi ro, dù định giá chung của toàn thị trường ở mức thấp so với khu vực.

Theo Bloomberg, P/E của thị trường Việt Nam đang ở mức 16,7 lần, chỉ cao hơn thị trường Trung Quốc và thấp hơn tất cả các thị trường khác trong khu vực.

Nhìn trong tương quan khi một số cổ phiếu mang tính dẫn dắt thị trường quyết định chỉ số VN-Index có P/E rất cao, thì phần lớn cổ phiếu còn lại đều có mức P/E khiêm tốn.

Thậm chí, doanh nghiệp có tài sản tốt, lợi nhuận ổn định cũng bị định giá thấp, bởi không có thông tin mới nổi bật khiến dòng tiền chú ý.

Kích hoạt từng cổ phiếu thì cần thông tin riêng của doanh nghiệp, nhưng để kích hoạt toàn thị trường trong bối cảnh thị trường quốc tế hiện nay, cần chính sách ở tầm vĩ mô của Chính phủ.

Chẳng hạn, với ngành bất động sản, ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn nhất trong khối VN30 (chiếm 35%), đang là ngành có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, bế tắc về thủ tục của các dự án. Khi các doanh nghiệp ngành bất động sản chậm nhịp phát triển, hệ quả dễ thấy là ngành xây dựng cũng chậm nhịp, thậm chí tác động có thể lan tỏa đến nhiều ngành.

Ðáng chú ý, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam cũng đang có dấu hiệu trì trệ, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm liên tục kể từ tháng 7, đến tháng 10 chạm ngưỡng trung bình 50 điểm, là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2015. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại và sản lượng liên tục giảm.

Không ít doanh nghiệp đầu ngành báo lãi quý III sụt giảm là dấu hiệu cho thấy rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua một chính sách vĩ mô hợp lý để nhanh chóng cải thiện tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp thuộc nhiều khối ngành, qua đó kích hoạt TTCK phủ xanh trên diện rộng, chứ không chỉ xanh ở một phạm vi hẹp như hiện nay.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ