Chống lạm phát: Cần duy trì tỉ giá hối đoái linh hoạt

"Lạm phát tăng ở VN từ cuối năm 2007 là dấu hiệu rõ ràng của một nền kinh tế tăng trưởng quá nóng. Trước mắt, VN cần cắt giảm tín dụng, duy trì tỉ giá hối đoái linh hoạt" - ông Martin Rama - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN - cho biết tại lễ công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương hôm 1/4 tại Hà Nội.
Giá cả các loại thực phẩm đã tăng cao trong thời gian qua. Giá cả các loại thực phẩm đã tăng cao trong thời gian qua.

Tam pháp bất khả thi

 

Theo đánh giá của WB, VN đã bộc lộ những dấu hiệu của một nền kinh tế quá nóng. Tỉ lệ lạm phát tăng mạnh từ mức 6,6% (tháng 12/2006) tới 15,7% tính đến tháng 2/2008. Cán cân vãng lai năm 2007 thâm hụt ở mức đáng ngại (ước tính vào khoảng 9,3% tới 9,7% GDP). Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng gần 40%.

 

WB cho rằng, nguyên nhân của tăng trưởng quá nóng ngoài những ảnh hưởng từ thị trường quốc tế, còn xuất phát từ chính sách trong nước mà WB gọi là "tam pháp bất khả thi" (nghĩa là ba giải pháp không khả thi gồm: Chu chuyển dòng vốn, tỉ giá cố định và chính sách tiền tệ độc lập).

 

Ông Rama giải thích, sau khi vào WTO, VN hứng nguồn vốn đổ vào ồ ạt. Để hấp thụ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua ngoại tệ để ngăn ngừa (hoặc có lẽ là làm chậm lại) tình trạng tăng giá của VND. Điều này làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản của VND. Để nâng tính thanh khoản, NH cần làm nghiệp vụ trung hoà là bán trái phiếu, nhưng trái phiếu chính phủ đã được bán hết rồi.

 

Theo WB, cuối năm 2007 - đầu năm 2008, NHNN đã có những biện pháp trái ngược nhau dẫn tới tình trạng thiếu khả năng thanh toán của hệ thống ngân hàng thương mại. NHNN đã dừng việc mua ngoại tệ, tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc, áp dụng biện pháp mua tín phiếu bắt buộc, và dừng các nghiệp vụ mua lại (repos). Điều này đã đẩy mức lãi suất cho vay qua đêm lên mức kỷ lục - có lúc đã tới 40%.

 

Phá vỡ bế tắc

 

Để phá vỡ "tam pháp bất khả thi", theo ông M.Rama, Chính phủ cần cắt giảm tín dụng và duy trì tỉ giá hối đoái linh hoạt. Hiện NHNN đã nới rộng biên độ giao dịch đối với USD từ 0,5% vào tháng 1/2007 lên ± 1% (tháng 3.2008), nhưng tỉ lệ này dường như vẫn quá cứng nhắc. Ông Rama dẫn chứng, tại Philippines , tỉ giá peso/USD được duy trì linh hoạt ở mức 16%. "Nếu VN có tỉ giá linh hoạt đạt 5-6% thì lạm phát sẽ có thể thấp hơn trong năm nay. Tôi không dám đưa ra lời khuyên VN làm giống như Philippines , nhưng biên độ 2% là chấp nhận được" - chuyên gia WB nói.

 

Ngoài ra, theo ông Rama, VN cần chấm dứt tình trạng "bong bóng" trên thị trường nhà đất bằng cách giám sát hoạt động ngân hàng, quy định mức trần cho vay mua bất động sản, đưa ra các quy định mới về thuế tài sản... "Đó là những cách hữu hiệu để ngăn ngừa tình trạng đầu cơ nhà đất, giúp kiềm chế lạm phát, đồng thời có thêm nguồn tài chính cho phát triển hạ tầng" - ông Rama nhấn mạnh.

 

Đại diện WB cho rằng, việc siết chặt hoạt động vay vốn của khu vực công, dừng lại hoặc huỷ bỏ các khoản vay để thực hiện các dự án công ít hiệu quả là cần thiết, nhưng thắt chặt chi tiêu công không phải là giải pháp tốt nhất nếu tăng trưởng xuất khẩu bị chậm lại. Ông Rama gợi ý, VN cần tách rời ảnh hưởng của USD, sử dụng "gói ngoại tệ" bao gồm cả các ngoại tệ khác sẽ có lợi cho xuất khẩu. "Nếu một giỏ ngoại tệ theo bạn hàng ngoại thương được lựa chọn để làm tham chiếu cho chính sách tỉ giá hối đoái tháng 12/2006 thì lạm phát sẽ thấp hơn" - ông Rama nói.

 

Ngoài ra, việc cung cấp thông tin đầy đủ hơn về các dòng vốn, dài hạn hay ngắn hạn, sẽ giúp các nhà đầu tư dự đoán được ảnh hưởng của nó và giúp việc quản lý dòng vốn hữu hiệu hơn. Việc cấp phép cho các quỹ đầu tư dựa trên mục đích hoạt động có thể là một cách để từ chối các nguồn vốn ngắn hạn.

 

"Tất cả các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, bình ổn nền kinh tế, đều phải được thực hiện hết sức mềm dẻo, linh hoạt, cần được xem xét cẩn thận, dựa trên các cơ chế thị trường" - ông Rama nhấn mạnh.

 

Hai kịch bản cho VN

 

Theo dự đoán của WB, năm 2008, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại ở tất cả các khu vực. Tăng trưởng GDP của Mỹ dự kiến đạt 1% năm 2008, EU 1,5%, Nhật Bản 1% và Trung Quốc 9,6%. "VN không phải là nước bị ảnh hưởng nhiều khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại" - ông Rama nói. WB dự báo 2 phương án cho VN. Phương án cơ bản là mức tăng trưởng GDP của VN dự kiến đạt 8% năm 2008 và 8,5% vào năm 2009. Phương án xấu hơn, GDP năm 2008 và 2009 là 7,5% và 8,1%. "Tôi tin rằng phương án cơ bản là có cơ sở" - ông Rama cho biết.

 

Việt Nam đi đúng hướng

- Ông Vikram Nehru - chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB: Chính phủ và Thủ tướng VN mới đây đã đưa ra những chính sách đúng đắn nhằm ổn định tình hình tài chính trong nước. Những chính sách này đang được thực hiện rất tốt tại VN.

 

- Bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế: "Các chính sách mà Thủ tướng Chính phủ vừa công bố là rất sáng suốt, toàn diện. Vấn đề là các bộ, ngành phối hợp triển khai như thế nào và đòi hỏi Chính phủ phải hết sức quyết liệt. Nếu các chính sách này được triển khai tốt, chắc chắn nền kinh tế sẽ phát triển chất lượng và bền vững". 


Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 -12.82 -1.09% 174,889 tỷ
HNX 222.63 -2.67 -1.2% 1,395 tỷ
UPCOM 87.51 -0.51 -0.59% 436 tỷ