Chờ “làn gió mới” IPO năm Mậu Tuất

(ĐTCK) Sau thành công của hoạt động cổ phần hóa trong năm 2017, với những thương vụ IPO tiêu biểu tại Tổng công ty Thanh Lễ (TLP), Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp - IDICO (IDC)..., hay việc bán vốn nhà nước tại Vinamilk, Sabeco, Vinaconex…, hoạt động IPO, thoái vốn tiếp tục sôi động ngay từ đầu năm 2018, gợi mở cho nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội sinh lời hiệu quả.
Câu chuyện về IPO, thoái vốn nhà nước vẫn sẽ là điểm nhấn trong việc tìm kiếm cơ hội sinh lời của nhà đầu tư trong năm nay Câu chuyện về IPO, thoái vốn nhà nước vẫn sẽ là điểm nhấn trong việc tìm kiếm cơ hội sinh lời của nhà đầu tư trong năm nay

Sôi động ngay từ đầu năm

Chỉ trong gần 2 tháng đầu năm 2018, thị trường đón nhận 5 đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn, đó là Tổng công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL - mã OIL), Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power - mã POW), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã VRG) và Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO 3 - mã PGV) với tổng vốn điều lệ lên đến 125.000 tỷ đồng.

Riêng 3 đợt chào bán của BSR, OIL, POW ghi nhận thành công ngoài dự kiến, mang về cho Nhà nước số tiền thặng dư lên đến 16.700 tỷ đồng, trong đó giá trúng bình quân tại BSR và OIL cao hơn lần lượt 42,5 % và 50,7% so với giá khởi điểm.

Với bối cảnh nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng, hoạt động cổ phần hóa được dự báo sẽ sôi động trở lại ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 khi theo kế hoạch sẽ có 64 doanh nghiệp nhà nước tiến hành IPO, trong đó có nhiều "đại gia" như MobiFone, Genco 1, Genco 2…, chưa kể những doanh nghiệp lớn vẫn đang nỗ lực hoàn tất IPO sau khi “trễ hẹn" trong năm 2017 như Vinataba, Vicem, HUD…

Hàng loạt thông tư, nghị định được các cơ quan quản lý ban hành đang và sẽ thúc đẩy doanh nghiệp IPO gắn với đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán.

Nghị định 126/2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 quy định, khi lập hồ sơ IPO, doanh nghiệp phải đồng thời lập hồ sơ đăng ký lưu ký, hồ sơ đăng ký giao dịch hoặc niêm yết (nếu đủ điều kiện) và trong tối đa 90 ngày kể từ ngày kết thúc IPO, doanh nghiệp phải hoàn tất thủ tục đăng ký lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) và đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM, sẽ giúp giải quyết mạnh mẽ bài toàn thanh khoản cho thị trường chứng khoán và nhà đầu tư, cũng như tăng sức hấp dẫn của các đợt cổ phần hóa.

Song song với hoạt động IPO, hoạt động thoái vốn bán vốn nhà nước cũng được dự báo sôi động khi theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 sẽ thực hiện thoái vốn tại 181 doanh nghiệp, chiếm hơn 70% tổng số doanh nghiệp trong kế hoạch thoái vốn của Chính phủ giai đoạn 2018-2020.

Theo đó, trung bình mỗi tháng có khoảng 15 doanh nghiệp tiến hành thoái vốn, chưa tính số doanh nghiệp từ năm 2017 chuyển sang và lượng doanh nghiệp mà Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn theo kế hoạch riêng.

Đơn cử, ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, SCIC đã thông báo chào bán cạnh tranh lượng cổ phần đang nắm giữ tại CTCP Nhựa Bình Minh (BMP). Đây được xem là phát súng mở màn cho các đợt bán vốn của Nhà nước tại một loạt doanh nghiệp lớn như DMC, FPT, NTP... được chờ đợi sau khi bị hoãn trong tháng 12/2017.

Mặc dù phải đến 28/2/2018 giá khởi điểm mới được SCIC công bố, nhưng thị giá cổ phiếu BMP đã tăng 12,2% sau 2 phiên ngày 12 và 13/2 cho thấy sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào đợt thoái vốn này. Trước đó, việc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam thông qua đề án tái cấu trúc với kế hoạch thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp trong năm 2018 như SRC, DRC, CSM… cũng khiến các cổ phiếu này "dậy sóng"...

Cơ hội đầu tư rộng mở

Tính đến phiên giao dịch cuối cùng của năm Đinh Dậu (ngày 13/2/2018), trên cả 2 sàn niêm yết (HOSE và HNX) và đăng ký giao dịch tập trung (UPCoM), đã có 22 cổ phiếu vốn hóa đạt trên 1 tỷ USD. Con số "tân binh" tiềm năng gia nhập câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD chắc chắc sẽ chưa dừng lại, thậm chí có khả năng tăng mạnh trong năm 2018 khi hàng loạt doanh nghiệp lớn đang nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để kịp IPO, thoái vốn nhà nước theo tiến độ đã được phê duyệt, mà trước mắt là BSR, POW, PGV, OIL, TCB...

Theo các chuyên gia trong ngành, những đợt IPO gắn với lên sàn của các doanh nghiệp lớn không những gia tăng nguồn hàng chất lượng cho thị trường chứng khoán, cải thiện tính thanh khoản, mà còn giúp tỷ trọng vốn hóa của các bộ chỉ số VN-30, HNX-30, VNX-50… phân bổ đồng đều hơn, thể hiện rõ nét hơn bức tranh chung của thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một số cổ phiếu trụ cột. Diễn biến này sẽ làm tăng tính hấp dẫn của các kênh đầu tư truyền thống như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, đồng thời tạo điều kiện cho các sản phẩm mới như chứng khoán phái sinh phát triển và hoàn thiện...

Đặc biệt, khi mà những cổ phiếu vốn có “thâm niên” trên thị trường, câu chuyện doanh nghiệp đã tương đối rõ ràng và ít có đột biến thì những thương vụ IPO, thoái vốn hay niêm yết mới sẽ thu hút sự chú ý của thị trường nhờ mang trong mình những “nhân tố bí ẩn, bất ngờ”. Không chỉ kỳ vọng ở giá bán hấp dẫn, mà việc thoát "bóng" Nhà nước, thay đổi cổ đông chi phối... sẽ giúp đem lại làn gió mới trong quản trị, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, từ đó cải thiện thị giá cổ phiếu, cải thiện giá trị danh mục của nhà đầu tư.

Bối cảnh thị trường thuận lợi sẽ giúp hoạt động IPO, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp gặp thuận lợi, song không dành cho tất cả. Thực tế, trong đợt cổ phần hóa của VRG, chỉ 21,2% cổ phần chào bán được nhà đầu tư đăng ký mua. Theo đó, giá trúng bình quân chỉ ngang giá khởi điểm và Nhà nước thu về 1.311 tỷ đồng, tức chỉ hoàn thành 21% kế hoạch.

Tương tự, phiên IPO của GENCO 3 chỉ vỏn vẹn 2,8% lượng cổ phần chào bán được đăng ký mua. Trước đó, trong tháng 12/2017, các đợt đấu giá của Tổng công ty Sông Đà hay Becamex IDC cũng không nhận được sự đón nhận của giới đầu tư...

Có nhiều lý do phía sau mỗi thành công, thất bại, nhưng điểm chung có thể thấy là nhà đầu tư ngày càng kỹ càng trong lựa chọn, phân tích và đi sâu tìm hiểu doanh nghiệp, đánh giá mỗi cơ hội đầu tư. Nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến lợi nhuận ngắn hạn, mà còn là triển vọng trong dài hạn, gắn sự phát triển bền vững, hiệu quả của doanh nghiệp với môi trường - xã hội.

Để thành công và được thị trường chấp nhận, doanh nghiệp cần chủ động minh bạch, nâng cao chất lượng quản trị, cải thiện hoạt động sản xuất - kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh sự tương tác, tạo cơ hội để nhà đầu tư tìm hiểu và nắm rõ doanh nghiệp...

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua năm 2017 với những dấu ấn tăng trưởng mạnh mẽ như quy mô vốn hóa tăng 80,5% so với năm 2016, các chỉ số VN-Index và HNX-Index tăng tương ứng 48% và 46% - mức cao nhất trong gần 10 năm qua... Riêng tháng 1/2018, đà tăng của thị trường tiếp tục duy trì ấn tượng, đạt lần lượt 11,51% và 5,91%.

Với nền tảng vĩ mô thuận lợi, xu hướng tăng trưởng trung hạn của thị trường sẽ được củng cố. Trong đó, câu chuyện về IPO, thoái vốn nhà nước vẫn sẽ là điểm nhấn, đem lại “làn gió mới” và mở thêm những cánh cửa cho nhà đầu tư chọn lựa, tìm kiếm cơ hội sinh lời trong năm Mậu Tuất.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ