Chính sách đẩy đưa, thị trường thiếu lửa

(ĐTCK-online) Diễn biến 4 phiên giao dịch vừa qua cho thấy thị trường phản ứng một cách khá "yếu ớt" trước nhiều thông tin vĩ mô được cho là tích cực như sửa đổi Thông tư 13 giúp ngành ngân hàng "dễ thở" hơn, GDP quý III tăng 7,16%.
Thị trường phản ứng một cách khá "yếu ớt" trước nhiều thông tin vĩ mô được cho là tích cực - Ảnh minh họa: Hoài Nam Thị trường phản ứng một cách khá "yếu ớt" trước nhiều thông tin vĩ mô được cho là tích cực - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Nhìn nhận một cách sâu sắc hơn, viễn cảnh vĩ mô chưa hẳn lạc quan và chính thông điệp của các nhà tạo lập chính sách khiến thị trường thêm rối bời khi yếu tố được quan tâm nhất là khơi thông thị trường tiền tệ lại được Ngân hàng Nhà nước đẩy "bóng" qua chân Bộ Tài chính.

Biểu hiện rõ ràng nhất trong các phiên giao dịch tuần này là dòng tiền suy yếu (giá trị giao dịch trung bình đạt 1.000 tỷ đồng, giảm khoảng 20% so với tuần trước) và tâm lý thờ ơ của nhà đầu tư lan rộng. Nhiều cổ phiếu có P/E thấp, tăng trưởng lợi nhuận cao vẫn không được nhà đầu tư quan tâm. Khối ngoại kiên trì mua ròng nhưng không đủ hỗ trợ cho thị trường khởi sắc. Trong khi đó, hai kênh đầu tư cạnh tranh với chứng khoán là vàng và USD lại chiếm thế thượng phong khi giá vàng lần đầu tiên trong lịch sử vọt qua ngưỡng 1.300 USD/ounce, trong nước lên mức 31,5 triệu đồng/lượng, biến động tới cả triệu đồng/lượng mỗi ngày.

Giá USD trên thị trường chợ đen cũng tăng vọt đến 19.700 đồng/USD. Theo phản ánh của các chủ hiệu vàng bạc, đã có hiện tượng người dân rút tiền gửi đến mua vàng, USD. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư chưa thấy những tín hiệu lạc quan trong các chính sách vĩ mô, yếu tố được cho là có tác động lớn nhất đến biến động trên TTCK, thậm chí ở một chừng mực nào đó còn cho thấy sự bất lực trong chính sách điều hành, nhất là ở "bình thông" tiền tệ.

Trao đổi với báo chí sáng 29/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến cho ngân hàng không giảm được lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ là tác động từ thị trường trái phiếu.

Chưa bao giờ lượng trái phiếu được phát hành nhanh và lớn như trong năm qua, thu hút vốn từ các ngân hàng thương mại lên tới 48.000 tỷ đồng, với lãi suất rất cao. Lượng phát hành trên tăng hơn so với cùng kỳ các năm trước tới 5 - 6 lần. Lãi suất trái phiếu cao, ngân hàng kinh doanh có lãi nên họ không cần hạ lãi suất để cho vay.

Trên thực tế, tình trạng đầu cơ tiền tệ đã được các chuyên gia Ủy ban Giám sát Tài chính Tiền tệ Quốc gia đưa ra từ trước đó khá lâu. Chênh lệch lãi suất cao dẫn đến nhu cầu mua trái phiếu chính phủ từ các ngân hàng thương mại tăng lên, lượng vốn từ các ngân hàng bị hút vào trái phiếu và họ dùng chính trái phiếu để thế chấp trên thị trường mở lấy vốn lãi suất thấp hơn để cho vay, hưởng chênh lệch lãi suất.

Ngân hàng Nhà nước thì vẫn hô hào tham gia hạ lãi suất bằng cách bơm tiền qua thị trường mở, nhưng sự "luẩn quẩn" của các dòng vốn trên cho thấy, đồng vốn không đến trực tiếp với các doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Sự tréo ngoe trong chính sách tài khóa và tiền tệ đã diễn ra từ rất lâu, nhưng thời điểm này Ngân hàng Nhà nước mới điểm mặt, đồng nghĩa với các giải pháp tháo gỡ được đưa ra chậm chạp.

Một thông tin được giới đầu tư chú ý trong trao đổi của Thống đốc là hệ thống Kho bạc Nhà nước đang gửi tại ngân hàng thương mại số tiền 48.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại Agribank, BIDV, VCB và Vietinbank. Theo quy định tại Thông tư 19/2010/TT-NHNN mới được ban hành, ngân hàng được sử dụng tiền gửi của Kho bạc để cho vay. Tuy vậy, theo ông Phạm Đức Hồng, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), quý IV là thời điểm tập trung giải ngân vốn ngân sách, thậm chí để  không bị điều vốn sang các công trình khác, một số dự án còn "chạy" tạm ứng (theo quy định được phép tạm ứng 30%). Hy vọng một lượng vốn lớn giải phóng qua kênh này ra thị trường với lãi suất thấp là không khả thi.

Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân tính đến cuối tháng 9 vẫn ở mức cao 13,27%, nỗ lực hạ lãi suất huy động 2 tháng gần nhất chỉ vỏn vẹn 0,01% và tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm ước đạt 19,5%. Như vậy, "room" tín dụng cho 3 tháng còn lại không nhiều.

Đề cập đến giải pháp hạ lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng không đưa ra giải pháp kỹ thuật nào ngoại trừ "làm việc với Hiệp hội Ngân hàng để bàn tiếp tục thực hiện đồng thuận hạ lãi suất huy động". Với những diễn biến như trên, kỳ vọng về khả năng giảm lãi suất cho vay là khó khăn.

Bên cạnh lãi suất, nhìn sang chỉ số CPI. Với mức tăng 1,31%, rất cao so với tháng 8, đường đi của CPI trong quý IV là chủ đề được quan tâm nhất tại cuộc họp giao ban tháng 9 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Tổng cục Thống kê chỉ ra 4 yếu tố ảnh hưởng đến CPI các tháng cuối năm. Cụ thể, đó là tác động từ việc tăng giá những nhóm hàng hóa dịch vụ cơ bản như xăng dầu, học phí; nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp tăng mạnh trong các tháng cuối năm; các công trình dự án đẩy mạnh giải ngân cùng với mặt bằng giá cả mới của hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu; và các rủi ro tiềm ẩn về thiên tai, dịch bệnh.

Đại diện UBND TP. Hà Nội tham dự cuộc họp cho biết, dù đã hỗ trợ vốn lãi suất 0% cho các doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn giá, nhưng CPI các tháng cuối năm là một trong những chỉ tiêu khó đảm bảo nhất. Sau 6 tháng liên tục giữ được tốc độ tăng giá dưới 1% (trong đó có 5 tháng dưới 0,3%), lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại, điều này được nhìn nhận sẽ khó dẫn tới một sự nới lỏng trong các chính sách có liên quan, đơn cử như tiền tệ.

Tuy vậy, nhắc đến kinh tế vĩ mô 9 tháng không thể không kể đến một số điểm sáng như giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 574,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn kế hoạch cả năm là 12%); tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 1.146 nghìn tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ 2009. Trái phiếu  phát hành đã giảm mạnh trong hai tháng trở lại đây và Bộ Tài chính đang đánh đi tín hiệu sẽ giảm lãi suất huy động trái phiếu.

Thị trường sẽ khởi sắc khi có thông tin thực sự tích cực hỗ trợ, trước mắt là những chính sách tác động trực diện đến lãi suất và lạm phát giúp nhà đầu tư an tâm và tìm được câu trả lời liệu chu kỳ tin xấu đã kết thúc.

Anh Việt
Anh Việt

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ