Chiến lược phát triển TTCK: Mục tiêu lớn cần giải pháp thiết thực

(ĐTCK-online) Trồi sụt bất thường, bỏ qua những phân tích cơ bản, nặng yếu tố tâm lý, sau gần 10 năm hoạt động, TTCK Việt Nam vẫn chưa thật có bước phát triển bền vững. Nhìn vào dự thảo sơ bộ chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011 - 2020, nhiều mục tiêu lớn được đặt ra, song cái cần nhất lúc này lại chính là việc cần ban hành ngay những sản phẩm thiết yếu và một khung pháp lý sát với hoạt động của thị trường cho NĐT.
Số lượng NĐT tăng nhanh nhưng hoạt động đầu tư theo phong trào vẫn rất lớn. Số lượng NĐT tăng nhanh nhưng hoạt động đầu tư theo phong trào vẫn rất lớn.

Nói...

Dự thảo chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đặt mục tiêu phát triển về quy mô chất lượng hoạt động cho TTCK, duy trì trật tự, an toàn cho thị trường, mở rộng phạm vi, tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập... Một nội dung nữa được nhấn mạnh là đảm bảo tính công khai, minh bạch của thị trường, khuyến khích các chủ thể tham gia, gắn TTCK với phát triển thị trường tiền tệ, bảo hiểm. Quy mô vốn hóa thị trường vào năm 2015 dự kiến 65 - 70% GDP, năm 2020 dự kiến 90 - 100% GDP.

Thành tố quan trọng nhất của thị trường là các NĐT, bản đề án đặt ra mục tiêu phát triển các quỹ đầu tư, công ty đầu tư theo hướng đa dạng hóa các loại hình quỹ, thành lập các tổ chức phụ trợ (định mức tín nhiệm, đăng ký chuyển nhượng, thanh toán). Phát triển hệ thống NĐT tổ chức, ngân hàng, tài chính - chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư hưu trí, đi đôi với chuyên nghiệp hóa các NĐT cá thể...

Để thực hiện những giải pháp trên, Nhà nước sẽ có chính sách khuyến khích về thuế, phí, lệ phí với NĐT, công ty niêm yết, CTCK, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài gắn với lộ trình cam kết. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tự quản, hiện đại hóa và tăng cường năng lực hệ thống công nghệ tại các Sở giao dịch, Trung tâm LKCK, hoàn thiện và phát triển hệ thống giám sát 2 cấp, giám sát giao dịch tự động (trong và sau giờ giao dịch), tự động hóa hệ thống lưu ký, thanh toán bù trừ (rút ngắn chu kỳ thanh toán), xây dựng hệ thống đăng ký lưu ký 1 cấp, xây dựng và phát triển hệ thống công bố thông tin tự động. Đặc biệt, sẽ nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, áp dụng mô hình quản lý dựa trên rủi ro, Nhà nước điều tiết thị trường thông qua các chính sách thuế, lãi suất, đầu tư, hạn chế can thiệp bằng công cụ hành chính.

 

...và làm

Theo Thạc sỹ Lê Tiến Phúc, Viện Khoa học Tài chính, đề cập đến sự phát triển TTCK, cần quan tâm đến 2 yếu tố: NĐT và tình hình công bố thông tin trên thị trường. Số lượng NĐT chứng khoán tăng nhanh, song đa số là NĐT cá nhân nhỏ lẻ, hoạt động đầu tư theo phong trào vẫn rất lớn.

Ông Phúc nhấn mạnh, liên quan đến vấn đề công khai thông tin, với thị trường như hiện nay cơ quan quản lý cần nhìn nhận thông tin như vậy đã đủ chưa, nếu thiếu thì còn cần phải cung cấp những thông tin gì? Vấn đề giải quyết mâu thuẫn giữa bí mật của DN với công khai thông tin như thế nào? Làm thế nào để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động công khai thông tin, đảm bảo tính minh bạch trên thị trường trong khi tình trạng vi phạm pháp luật, tin đồn thất thiệt xảy ra ngày càng nhiều, tinh vi hơn và mức độ gây thiệt hại cũng lớn hơn.

10 năm thị trường vận hành, sự liên thông với TTCK thế giới rất lớn, song sản phẩm mới lại rất nghèo nàn. Tiến sỹ Đỗ Đức Minh, Trường Bồi dưỡng cán bộ, Bộ Tài chính cho rằng, cơ quan quản lý cần sớm chuẩn bị cho sự ra đời và phát triển của chứng khoán phái sinh. Đây là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của TTCK. "Nếu chúng ta không sớm chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẽ không phản ứng kịp với sự phát triển tự phát của thị trường", ông Minh nói. Thực tế thị trường đang đòi hỏi sớm có các quy định hướng dẫn các nghiệp vụ chứng khoán trọng yếu như giao dịch ký quỹ, giao dịch bán khống có quản lý (cơ chế vay, cho vay chứng khoán), giao dịch mua - bán bắt buộc, các quy định hướng dẫn tổ chức thực hiện và giao dịch chứng khoán phái sinh như quyền chọn, hợp đồng tương lai...

Đề cập đến mối quan tâm rất lớn của các NĐT là dòng tiền trên TTCK, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, Viện Khoa học Tài chính cho rằng, chính sách tín dụng cho kinh doanh chứng khoán nên sớm được quy định rõ ràng và nhất quán. Chẳng hạn, tỷ lệ tín dụng cho kinh doanh chứng khoán trên tổng tín dụng của các định chế tài chính, tỷ lệ tối đa cho vay dựa trên thế chấp bằng chứng khoán, sử dụng đòn bẩy tài chính trong kinh doanh chứng khoán… Ông Ánh cũng ủng hộ quan điểm duy trì 2 sở HOSE và HNX như hiện nay nhưng không phân biệt điều kiện niêm yết mà quy định điều kiện niêm yết như nhau để tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa 2 Sở. Tất cả thông tin liên quan đến TTCK phải được cung cấp đầy đủ, công khai minh bạch, chính xác trên trang web của UBCK.

Dự thảo và phê duyệt chiến lược phát triển TTCK trong 10 năm tới là điều không đơn giản, nhất là làm sao để chiến lược đó khả thi. Nhưng với các NĐT trên thị trường, những mục tiêu đó có lẽ quá xa vời, cái họ cần đơn giản chỉ là những công cụ, giải pháp hỗ trợ giao dịch thiết thực, tiếp cận thông tin một cách chuẩn xác nhất để ra quyết định hợp lý trong mỗi phiên giao dịch.      

Anh Việt
Anh Việt

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ