Câu chuyện mới về nhà tạo lập thị trường ở Việt Nam

(ĐTCK) Trong khi ở các sở GDCK lớn trên thế giới như NASDAQ, New York, Luân Ðôn… đã vận hành từ lâu hệ thống các nhà tạo lập thị trường, thì tại Việt Nam, quy định về chủ thể này vừa được Sở GDCK Hà Nội (HNX) ban hành, sẽ có hiệu lực từ 1/7/2017.
Câu chuyện mới về nhà tạo lập thị trường ở Việt Nam

Theo khảo sát của HNX, tại sàn NASDAQ, mỗi cổ phiếu thường có nhiều hơn 1 nhà tạo lập thị trường và trung bình mỗi cổ phiếu trên sàn này có 14 nhà tạo lập thị trường.

Tại Hàn Quốc, hệ thống tạo lập thị trường ra đời từ năm 2010, góp phần không nhỏ giúp nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư dễ được đáp ứng, hạn chế tình trạng cổ phiếu lên sàn mà “chết” thanh khoản.

Tại Việt Nam, trong bước khởi đầu hiện nay, nhà quản lý không đưa ra một danh sách, mà trao quyền chọn lựa "tìm nhau" cho 2 chủ thể: DN phát hành và CTCK.

Tuy nhiên, khi đã chọn được nhau, các chủ thể sẽ phải đăng ký với Sở để Sở giám sát nghĩa vụ thực thi trách nhiệm “tạo lập” với các nhu cầu mua - bán trên sàn, đồng thời Sở sẽ áp dụng chế độ ưu đãi phí (giảm 50%) cho các giao dịch vì trách nhiệm tạo lập.

Hình thái nhà tạo lập thị trường không chỉ thúc đẩy sự sôi động của TTCK, mà quan trọng hơn là tạo nên cơ chế minh bạch quan hệ “đỡ giá” ngầm giữa CTCK và DN phát hành.

Thị trường Việt Nam từng chứng kiến không ít cổ phiếu chung một kịch bản: giá tăng mạnh khi mới lên sàn, khi thỏa mãn lợi ích của nhóm “tay to” nào đó, giá sẽ chững lại và rơi không phanh, mặc kệ hàng trăm nhà đầu tư đến sau mất mát.

CTCP Tư vấn thiết kế và phát triển đô thị (CDO) là một ví dụ. DN này vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt rất nặng vì kém minh bạch, nhưng cùng với lỗi này còn là câu chuyện về một quá trình dài các “tay to” hợp sức đưa CDO lên gần 40.000 đồng/CP và nay rơi về dưới 4.000 đồng/CP.

Với quy định mới, CTCK có thêm “cánh cửa” mới để tác nghiệp, nhưng chủ thể cần hiểu, cần “nắm lấy” quy định về nhà tạo lập thị trường nhiều hơn là các DN đại chúng, nhất là các DN đang hoặc sắp lên sàn, có mong muốn đàng hoàng xây dựng và giữ vững giá trị của mình qua hình ảnh biểu trưng là thị giá cổ phiếu.

Khi cổ phiếu được định giá sát thực, đồng thời có một hoặc một số tổ chức tài chính trung gian làm nhà tạo lập thị trường (sẵn sàng mua khi thị trường bán, sẵn sàng bán khi thị trường mua), DN phát hành sẽ dễ có chỗ đứng vững vàng trên TTCK.

Từ sự vững vàng này, DN mới có cơ hội tiếp cận những giá trị cao hơn, đó là huy động vốn, quảng bá hình ảnh, tìm cổ đông chiến lược xứng tầm cho mục tiêu cùng hợp sức phát triển dài hạn…

Trên TTCK phái sinh, quy định về nhà tạo lập thị trường cũng được cụ thể hóa tại Quyết định 188/QÐ-SGDHN, có hiệu lực từ 1/5/2017. Hiện có 6 CTCK (SSI, HSC, VNDS, MBS, VPBS, BSC) được cấp phép làm thành viên giao dịch phái sinh. Tuy nhiên, do thị trường này chưa khai mở hoặc còn quá mới mẻ, nên chưa có thành viên nào đăng ký chức năng làm nhà tạo lập thị trường.

Không gian làm nhà tạo lập trên thị trường cơ sở mở rộng hơn rất nhiều, khi HNX có gần 1.000 DN trên sàn niêm yết và UPCoM.

CTCK sẽ chọn lựa cổ phiếu nào để “tạo lập” giá và làm cách nào để hoạt động tự doanh không bị lỗ vì “tạo lập”? Ðây là những câu chuyện thú vị mà Báo Ðầu tư Chứng khoán sẽ tìm hiểu để chuyển tải đến bạn đọc.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,203.94 -1.67 -0.14% 64,824 tỷ
HNX 226.41 -1.46 -0.65% 519 tỷ
UPCOM 87.99 -0.38 -0.44% 250 tỷ