Câu chuyện chuyển sàn và tính thanh khoản tại HASTC

(ĐTCK-online) Năm 2007, một số DN niêm yết tại sàn Hà Nội (HASTC) đã chuyển sang niêm yết ở sàn TP. HCM. Điều đáng nói là xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại khi vẫn có không ít DN đang rục rịch chuyển sàn. Trong nhiều lý do được DN đưa ra có câu chuyện về tính thanh khoản của các CP niêm yết tại HASTC.
Chuyển sàn, liệu tính thanh khoản của CP có cao hơn? Chuyển sàn, liệu tính thanh khoản của CP có cao hơn?

Chuyển sàn để làm mới mình

Trong năm 2007, đã có 7 công ty chuyển niêm yết từ HASTC vào HOSE (Sở GDCK TP. HCM), trong đó nhiều công ty có mức vốn hóa lớn, đó là: Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH), Cảng Đoạn Xá (DXP), Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Điện lực Khánh Hòa (KHP), Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Thủy sản Minh Phú (MHP), Đầu tư Thương mại Thủy sản Incomfish (ICF). Các DN như Bảo Minh (BMI), Sông Đà 9.09 (S99), Nông dược H.A.I (HAI)... cũng đang có kế hoạch chuyển sàn.

Trao đổi với phóng viên ĐTCK, đại diện của một DN chuyển sàn cho biết, họ chuyển sàn là do muốn quảng bá rộng rãi hơn thương hiệu của mình tại khu vực phía Nam . Còn theo đại diện của HASTC, việc chuyển sàn là bình thường, là quyền của DN và không phải các DN cứ chuyển sàn là giá CP tăng. Hiện vẫn còn nhiều công ty lớn trên sàn Hà Nội, nhiều công ty lớn khác đang nộp hồ sơ niêm yết. Vẫn theo đại diện của HASTC, trong nguyên nhân chuyển sàn còn có hiệu ứng theo phong trào, đó là làm mới mình và hy vọng giá CP sẽ được đẩy lên cao (như trường hợp của PPC trước đây). Vậy nhưng, có một nguyên nhân khá quan trọng mà nhiều DN cùng chung ý kiến là họ hy vọng chuyển sàn thì tính thanh khoản của CP sẽ cao hơn, NĐT nước ngoài sẽ "để mắt" đến họ nhiều hơn.

 

Tăng tính thanh khoản, cách nào?

Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc TTGDCK Hà Nội cho rằng, tính thanh khoản của CP được tính trên nhiều tiêu chí. Chẳng hạn, tính số CP được chuyển nhượng trên số CP niêm yết hoặt tính số CP được chuyển nhượng trong 1 năm trên số CP được tự do chuyển nhượng. Nếu tính bình quân chung sẽ là tốc độ quay vòng số CP chuyển nhượng trên số CP được tự do chuyển nhượng…

Đặc thù ở Việt Nam là cổ đông nhà nước nắm rất nhiều CP, mà số CP này ít có giao dịch dẫn đến tính thanh khoản yếu. Tuy nhiên, xét theo tiêu chí tốc độ quay vòng của số CP chuyển nhượng trên số được tự do chuyển nhượng, theo ông Dũng, tính thanh khoản trên cả sàn Hà Nội và sàn TP. HCM so với các nước trong khu vực đều ở mức khá cao. Còn xét về từng CP một thì nhiều CP có tính thanh khoản kém. "Nhưng việc tại sao kém chúng ta cần xét đến nhiều yếu tố. Chẳng hạn, cổ đông không muốn bán vì họ cảm thấy hài lòng với việc nắm giữ CP đó và người mua sẽ không có cơ hội được mua. Những DN như thế là tương đối thu mình nên người ngoài cũng ngại không muốn mua vì họ nghĩ đến một lúc nào đó sẽ khó bán", ông Dũng nói.

Lô giao dịch tối thiểu 100 trên HASTC (tại HOSE là lô 10) như hiện nay liệu có ảnh hưởng đến tính thanh khoản của CP? Nếu giảm khối lượng CP trong 1 lô giao dịch có làm tăng tính thanh khoản? Trả lời câu hỏi này, ông Dũng cho biết: "Không phải đến bây giờ chúng tôi mới băn khoăn mà ngay từ khi mới thành lập thị trường vào năm 2005, chúng tôi đã tính toán đến vấn đề này. Lúc đó, HASTC đã tham khảo kinh nghiệm của sàn TP. HCM. Thời điểm đó, thị trường điều chỉnh sâu và kéo dài nên sàn TP. HCM đã áp dụng giao dịch lô 10 cổ phiếu. Tuy nhiên, theo chúng tôi thì thị trường đi xuống chỉ là thời điểm, xu hướng phát triển về quy mô và số lượng NĐT là tất yếu. NĐT tổ chức tăng ở cấp độ chậm hơn, còn số lượng NĐT cá nhân tăng ở cấp độ nhanh hơn. NĐT sinh viên thì tăng ở cấp độ như vũ bão. Nhưng thu nhập của nhóm này không cao nên chơi nhỏ, năng động, nếu họ cứ lô 10 thực hiện giao dịch thì sẽ gây khó khăn cho việc nhận lệnh và xử lý lệnh của cả CTCK và TTGD. Ngoài ra, NĐT thường không giao dịch lô 10 vì hiệu quả thấp. Tính đi tính lại, chúng tôi thấy lô 100 là phù hợp".

Ông Dũng cho biết, một trong những giải pháp để tăng tính thanh khoản là quy định bước giá phù hợp. Sàn HASTC ngay từ đầu đã quy định bước giá nhỏ, chỉ là 100 đồng, bởi NĐT với kỳ vọng mua thì mua rẻ hơn một chút, bán thì bán đắt hơn 1 chút nên với bước giá nhỏ, họ có thể giãn mức giá để hấp dẫn đối tác.

Trên thực tế thời gian qua, sàn HASTC đã có những nỗ lực để cải thiện tính thanh khoản của CP. Chẳng hạn, thay đổi thời gian giao dịch từ  9h xuống 8h30 hàng ngày. Cũng có một số ý kiến cho rằng, nên rút ngắn thời gian thanh toán sẽ giúp việc giao dịch CP được hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề lớn, đòi hỏi sự cải tiến đồng bộ về công nghệ chứ không phải riêng HASTC là có thể làm được.

Một số CTCK phân tích, nguyên nhân sâu xa khiến sàn Hà Nội không thu hút được nhiều NĐT nước ngoài và tạo ra được tính thanh khoản là do sàn HOSE vẫn được coi là sàn chứng khoán chính thức của Việt Nam . Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài lên kế hoạch giải ngân, nhưng thường chỉ đầu tư CP tại sàn HOSE. Ngay trong các bản tin chứng khoán của các phương tiện truyền thông cũng dành dung lượng lớn hơn cho sàn HOSE. Có một thực tế nữa là do sàn Hà Nội có nhiều DN quy mô nhỏ, NĐT không có nhiều thông tin, nên ngại đầu tư, khiến tính thanh khoản  yếu.

"Trên thực tế, nhiều DN quy mô vốn trên 80 tỷ đồng làm ăn hiệu quả nhưng vẫn lựa chọn niêm yết tại HASTC. Vấn đề là cần thay đổi cách nghĩ lên sàn Hà Nội là do chưa đủ điều kiện lên sàn HOSE. Mỗi sàn chứng khoán có một tiêu chuẩn niêm yết riêng, một lợi thế riêng, chứ không phải sàn nào hơn sàn nào. Việc lựa chọn nơi niêm yết là dựa vào chiến lược kinh doanh của mỗi DN", chuyên gia này khuyến cáo.

Thanh Đoàn
Thanh Đoàn

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ