Cảnh giác với kết quả kiểm toán “đẹp”

(ĐTCK-online) Sau vụ việc Bông Bạch Tuyết báo cáo lỗ thành lãi mà kiểm toán không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào, thị trường gần đây xuất hiện những dấu hỏi nghi vấn về sự khách quan trong mối quan hệ giữa DN niêm yết và công ty kiểm toán (CTKT).
Cảnh giác với kết quả kiểm toán “đẹp”

Sự nghi vấn có nguyên nhân từ việc một số báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính của DN niêm yết xuất hiện khoản ngoại trừ có giá trị đến hàng trăm tỷ đồng hoặc có ảnh hưởng trọng yếu đến hiệu quả hoạt động thực của DN, nhưng không có cảnh báo nào từ CTKT. Ngoài lý do khách quan, trao đổi với ĐTCK, ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst &Young Việt Nam cho rằng, luôn tồn tại rủi ro DN được kiểm toán thoả hiệp với CTKT để có được kết quả “đẹp”, gây nên những hệ luỵ cho nhà đầu tư.

Thời gian gần đây xuất hiện một số thông tin nghi ngờ tính khách quan trong báo cáo kiểm toán của một số DN trên TTCK. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?

Các sai lệch trong báo cáo kiểm toán là luôn tiềm ẩn cả do nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Về chủ quan, có thể xuất hiện tình trạng CTKT và DN được kiểm toán thoả hiệp với nhau, để đưa ra một kết quả kiểm toán “đẹp”.

Có những trường hợp các CTKT cạnh tranh với nhau không phải bằng chất lượng dịch vụ, mà bằng những động tác thoả hiệp với khách hàng.

Ngoài quy định pháp lý chưa đủ chặt chẽ, khiến sự thoả hiệp có điều kiện diễn ra, thì vấn đề quản trị rủi ro của các CTKT vẫn chưa được coi trọng đúng mức cũng là lý do. Trong khi bản thân quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, cũng như nghiệp vụ kiểm toán chưa được cập nhật theo thông lệ quốc tế, thì tính tự giác trong tuân thủ chuẩn mực đạo đức hành nghề kiểm toán cũng chưa được quan tâm thoả đáng, nên tạo “đất” cho hành vi thoả hiệp phát sinh.

Thực ra, rủi ro thoả hiệp trong hoạt động kiểm toán khá phổ biến trên thế giới. Bởi vậy, nếu không muốn tự đánh mất tên tuổi của mình, không còn cách nào khác, các CTKT buộc phải thiết lập quy trình kiểm soát nội bộ chặt chẽ và hiệu quả, để không dẫn đến các vụ thoả hiệp với khách hàng.

 

Nhưng trong bối cảnh “cuộc chiến” giành giật thị phần, nhất là kiểm toán các DN niêm yết đang diễn ra gay gắt, thì việc “nói không” với thoả hiệp sẽ khiến CTKT thua thiệt?

Có thể có những CTKT thành công trước mắt với những vụ thoả hiệp với khách hàng, dẫn đến đưa ra kết quả kiểm toán sai lệch, gây ảnh hưởng đến các đối tượng sử dụng kết quả kiểm toán, nhưng quy luật thị trường rất khắc nghiệt, nó sẽ đào thải kiểu kinh doanh như vậy không sớm thì muộn.

Nghề kiểm toán sống bằng niềm tin của khách hàng về chất lượng dịch vụ. Một khi đánh mất niềm tin này, thì rất khó tạo dựng lại được, nên muốn phát triển bền vững, bản thân CTKT, cũng như cá nhân kiểm toán viên buộc phải chọn con đường làm ăn minh bạch, đàng hoàng.

 

Ông có góp ý gì cho Luật Kiểm toán độc lập đang trong quá trình xây dựng, nhằm đảm bảo hoạt động kiểm toán diễn ra minh bạch, chuẩn xác?

Luật cần đưa ra những quy định cụ thể, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của CTKT độc lập trong quá trình hoạt động. Cần có những quy định phù hợp, chặt chẽ, để ngăn chặn có hiệu quả các khoảng trống pháp lý đang tạo ra nguy cơ cho sự thoả hiệp. Gắn với đó là trách nhiệm của các CTKT trong việc cố ý làm sai lệch báo cáo kiểm toán, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đối tượng sử dụng kết quả kiểm toán. Đặc biệt, cần có những chế tài xử lý nặng đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kiểm toán, cũng như đảm bảo sự nghiêm khắc của cơ quan quản lý trong kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm.

 

Muốn ngăn chặn các khoảng trống pháp lý tạo ra nguy cơ cho sự thoả hiệp, nếu chỉ có hệ thống pháp luật chặt chẽ thôi là chưa đủ, thưa ông?

Đúng vậy. Đã là CTKT độc lập, thì điều tối quan trọng là phải luôn đảm bảo tính độc lập, khách quan và trung thực trong quá trình hoạt động.

Các CTKT cần tự ý thức về vấn đề này và thường xuyên nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động.

Các CTKT cần tự xây dựng hệ thống quy trình tác nghiệp và tự giám sát để đảm bảo đạt được mục tiêu này từ khâu chấp nhận khách hàng, nghĩa là đánh giá xem khách hàng, ban lãnh đạo DN có thực sự chính trực, đàng hoàng trong việc kinh doanh, cũng như công bố các dữ liệu phục vụ cho hoạt động kiểm toán, đặc biệt là những nội dung đặt hàng CTKT thực hiện, cho tới khâu lập kế hoạch kiểm toán, tiến hành kiểm toán, báo cáo kết quả kiểm toán…

Nhân sự hành nghề kiểm toán, nhất là những người mới vào nghề cần được quán triệt đầy đủ các quy định nghề nghiệp, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp, để luôn đề cao cảnh giác, phòng ngừa và nỗ lực loại trừ rủi ro này. Đặc biệt, thị trường cần tiếp tục đặt ra các đòi hỏi khách quan, nghiêm khắc, chuẩn mực hơn đối với các CTKT trong cung cấp dịch vụ, thì tự thân sự thoả hiệp, cũng như các hành vi không lành mạnh khác sẽ được giảm thiểu.

Hữu Hòe thực hiện
Hữu Hòe thực hiện

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,204.97 -0.64 -0.05% 141,739 tỷ
HNX 227.57 -0.3 -0.13% 1,224 tỷ
UPCOM 88.33 -0.04 -0.04% 488 tỷ