Căng thẳng cung - cầu tiền đồng

(ĐTCK-online) Mặc dù đã có thông báo mua thêm USD, nhưng do phải thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thể mạnh tay tung thêm lượng lớn tiền đồng để hút ngoại tệ khiến cung VND ngày càng căng thẳng hơn. Nhiều ngân hàng đang rơi vào tình thế khó xử khi nhu cầu vốn vay vẫn gia tăng những ngày đầu năm, mặc dù đã gia tăng lãi suất huy động tiền gửi ở mức cao.
Nhu cầu vốn gia tăng sau Tết Nguyên đán là nguyên nhân buộc các ngân hàng bước vào cuộc đua lãi suất Nhu cầu vốn gia tăng sau Tết Nguyên đán là nguyên nhân buộc các ngân hàng bước vào cuộc đua lãi suất

Tạm ngưng giải ngân?

Không như thời điểm giữa và cuối năm 2007, khi vốn khả dụng dư thừa, đồng thời để điều chỉnh tỷ lệ dư nợ cầm cố chứng khoán xuống mức quy định, các ngân hàng đã ào ạt chạy đua cho vay, từ tháng 1/2008 đến nay, cung tiền đồng luôn trong tình trạng căng thẳng. Mặc dù đã gia tăng lãi suất huy động tiết kiệm ở mức khá cao trước Tết Nguyên đán, nhưng hầu hết ngân hàng vẫn khó huy động đủ nguồn vốn để đáp ứng lượng cầu tăng nhanh. Vốn thiếu trầm trọng, nhưng các nhà băng không thể tìm đến thị trường liên ngân hàng để mượn tiền như trước, do lãi suất qua đêm đã vọt lên ở con số đáng kinh ngạc. Có thời điểm, lãi suất qua đêm lên đến 25%/năm, cao gấp 3 lần so với những ngày đầu quý IV/2007.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc VIB Bank, có một thực tế khiến nhiều ngân hàng đau đầu nhất hiện nay là nguồn ngoại tệ chảy vào ngày càng dồi dào hơn. Trong khi đó, để thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, NHNN phải hạn chế mua USD, hay nói cách khác là hạn chế đưa thêm tiền đồng vào lưu thông. Đây là một trong những “liều thuốc mạnh” được NHNN đưa ra để kiềm chế tốc độ lạm phát khi giá cả hàng hóa tiếp tục tăng cao trong những ngày đầu năm. Còn nhu cầu vốn của thị trường vẫn gia tăng sau Tết Nguyên đán, chính là nguyên nhân buộc các ngân hàng bước vào cuộc đua lãi suất đầu năm.

Mặc dù vừa tăng lãi suất trong tháng 1, nhưng do tình hình khan hiếm nguồn vốn kéo dài nên DongA Bank lại vừa phải tăng lãi suất tiết kiệm VND lần thứ 2. Theo đó, từ ngày 15/2, Ngân hàng áp dụng mức lãi suất VND dành cho khách hàng cá nhân, với mức tăng bình quân đến 0,06%. Cụ thể, kỳ hạn 3 tháng lĩnh lãi cuối kỳ là 0,78%/tháng (tăng 0,05%); kỳ hạn 6 tháng là 0,81%/tháng (tăng 0,06%); kỳ hạn 12 tháng là 0,81%/tháng (tăng 0,07%)… Trước đó, OCB, SCB, Techcombank, SeABank, HDBank… cũng điều chỉnh và áp dụng biểu lãi suất mới. Cuộc đua lãi suất của các ngân hàng ngày một nóng thêm, khi cung tiền đồng vẫn chưa được cải thiện. Ông Phạm Văn Thiệt, Tổng giám đốc Eximbank Việt Nam cho hay, cung tiền đồng đã diễn ra căng thẳng từ trước Tết Nguyên đán.

Nhiều ngân hàng hy vọng, ra Tết, lượng tiền trong dân cư cũng như nguồn vốn nhàn rỗi của doanh nghiệp sẽ chảy về nhà băng. Thế nhưng, bất động sản (BĐS) cùng thị trường vàng luôn trong tình trạng nóng đã “hút” hết nguồn vốn tiết kiệm. Tiền đồng khan hiếm, cung ngoại tệ quá dồi dào nhưng các ngân hàng không thể từ chối khách hàng đến bán ngoại tệ, đành phải tiếp tục chôn vốn vào USD vì không có đầu ra. Để hút thêm lượng tiền mặt trong lưu thông, ngày 14/2, NHNN đã phát đi thông báo về việc phát hành tín phiếu dưới hình thức bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng theo Quyết định số 346/QĐ-NHNN. Tổng giá trị tín phiếu NHNN phát hành bắt buộc đợt này là 20.300 tỷ đồng, kỳ hạn là 364 ngày, lãi suất là 7,80%/năm dưới hình thức phát hành ghi sổ. Theo đó, có 41 ngân hàng thuộc đối tượng mua tín phiếu NHNN bắt buộc. Riêng các ngân hàng hoạt động chủ yếu trên địa bàn nông nghiệp và nông thôn hoặc có số dư vốn huy động bằng VND đến ngày 31/1/2008 từ 1.000 tỷ đồng trở xuống không thuộc đối tượng mua vào loại tín phiếu trên.

Đây quả thực là bài toán khó khiến một số ngân hàng phải tạm ngưng giải ngân vốn vào một số lĩnh vực nhất định. Chẳng hạn như cho vay cầm cố chứng khoán, tuy Quyết định 03 của NHNN vừa mới ban hành thay thế cho Chỉ thị 03 có phần hạn chế hơn trước, nhưng cũng không hẳn là hoàn toàn cấm cửa cho vay. Thế nhưng, khi được hỏi đến, các ngân hàng đều cho biết, hiện nhu cầu vốn của khách hàng tăng cao và có nhiều kênh “đẩy” vốn tiềm năng hơn chứng khoán nên không vội cho vay cầm cố. Mặt khác, cung tiền đồng luôn trong tình trạng thiếu so với sức cầu, một số ngân hàng phải cân nhắc việc giải ngân để tiết giảm chi phí và đảm bảo doanh thu. Vì với chi phí đầu vào gia tăng mạnh theo cuộc đua lãi suất huy động tiền đồng, nếu không thận trọng trong cho vay thì ngân hàng càng cho vay sẽ càng lỗ nặng.

 

Sẽ ảnh hưởng đến giá BĐS

Các chuyên gia ngành tài chính cho rằng, với chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát như hiện nay, không chỉ với chứng khoán, mà ngay cả BĐS cũng bị ảnh hưởng nặng. Hiện nay, tín dụng BĐS đang nằm trong tầm ngắm của NHNN, nhưng trên thực tế chưa có một biện pháp hành chính nào đối với loại hình tín dụng này. Tuy nhiên, theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần, với diễn biến của cung - cầu tiền đồng hiện nay, nhiều khả năng giá nhà, đất sẽ giảm mạnh, mà không cần chờ đến khi NHNN đưa ra chính sách “siết” tín dụng BĐS. Lý do, các ngân hàng đã cạn vốn cho vay, nên thận trọng hơn trong việc “đẩy” vốn đầu ra, thay vì ào ạt như trước. Ông Tùng cho biết, không phải đến nay mà trước Tết Nguyên đán, đã có nhiều ngân hàng cân nhắc trong việc giải ngân vốn đầu ra. Đây được xem là một trong những biện pháp hạn chế đối với tín dụng BĐS.

“Một trong những nguyên nhân buộc NHNN không thể hút thêm USD và đưa lượng tiền đồng lớn vào lưu thông là mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đã ở mức khá cao, xấp xỉ 40%. Trong đó, nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng lên đến 100%. Riêng cho vay BĐS có khi lên đến 30 - 40%, thay vì phải kiềm chế dưới 10% trên tổng dư nợ. Mục tiêu và chủ trương của NHNN trong năm nay là kiềm chế mức tăng trưởng tín dụng không quá 30%, giảm hơn 10% so với năm trước để kéo lạm phát xuống”, một chuyên gia trong ngành ngân hàng lý giải. Một cán bộ của NHNN - Chi nhánh TP. HCM cũng cho rằng, với mức tăng nóng của giá nhà đất như hiện nay, một phần do sự “thổi hơi” bởi nguồn vốn của các ngân hàng, trong khi tình trạng đầu cơ BĐS vẫn không bị hạn chế. Tại một số khu vực trung tâm tại TP. HCM, Hà Nội…, giá nhà, đất đã tăng ở mức chóng mặt, tạo ra nguy cơ bong bóng và sẽ là rủi ro lớn cho các ngân hàng khi thị trường BĐS đột ngột “xì hơi”. Do đó, việc xem xét để đưa ra một biện pháp kiểm soát đối với tín dụng BĐS là điều hoàn toàn có thể.

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ