Cần tăng xử phạt doanh nghiệp chây ì lên sàn

(ĐTCK) Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lên phương án “mạnh tay” xử lý các doanh nghiệp hậu cổ phần hóa chây ì đưa cổ phiếu lên sàn.
Cần tăng xử phạt doanh nghiệp chây ì lên sàn

218 công ty đại chúng chây ì lên sàn

Trung tuần tháng 11/2018, Bộ Tài chính công khai danh sách 667 doanh nghiệp hậu cổ phần hóa không thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Từ đó đến nay, ghi nhận từ thị trường cho thấy, số doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn đếm trên đầu ngón tay.

Theo cập nhật của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào cuối năm 2018, trong tổng số 1.926 công ty đại chúng, có 1.523 công ty đã niêm yết, đăng ký giao dịch. Trong 403 công ty chưa đăng ký đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán theo quy định, có 218 công ty đại chúng hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng nhiều doanh nghiệp chây ì đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán kéo dài nhiều năm, dưới góc nhìn của một nhà đầu tư tổ chức, Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB (MB Capital) cho rằng, do chế tài xử lý mới là xử phạt hành chính nên chưa tạo được tính răn đe đối với các doanh nghiệp vi phạm, trong khi việc doanh nghiệp chậm niêm yết và đăng ký giao dịch gây ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này. 

Sẽ mạnh tay xử lý

Trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Chính phủ đưa ra định hướng rõ nét: đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán; công khai doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đủ điều kiện nhưng chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán và xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

Mới đây, tại Chỉ thị 01/CT-TTg về tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã cổ phần hóa, nghiêm túc thực hiện việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn…

Triển khai chỉ đạo trên của Chính phủ và Thủ tướng, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quản quản lý đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo trong năm nay tạo ra bước chuyển rõ nét về khắc phục tình trạng doanh nghiệp chây ì đưa cổ phiếu lên sàn. Tuy nhiên, để đạt kết quả này cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần nhà nước tại doanh nghiệp.

Về phần mình, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tập trung rà soát các doanh nghiệp vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn. Trên cơ sở đó, công khai danh sách các công ty này, đồng thời tăng cường áp dụng các chế tài xử phạt, để đảm bảo tính răn đe.

Liên quan đến hướng thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn, theo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, điều quan trọng là cơ quan đại diện chủ sở hữu phải tăng cường chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, đẩy mạnh việc truy trách nhiệm của cơ quan đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như trách nhiệm của các cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra vi phạm.

Thực tế cho thấy, việc đề cập đến truy trách nhiệm cá nhân đối với lãnh đạo các bộ, địa phương, các doanh nghiệp… đã được nêu ra, nhưng chưa được triển khai nghiêm túc, nên chưa đạt kết quả như mong đợi. Nếu tình trạng này không được khắc phục, thì sẽ khó tạo được bước chuyển biến rõ nét về xử lý doanh nghiệp chây ì đưa cổ phiếu lên sàn.

Ngoài ra, ý kiến từ thị trường cho rằng, cần thêm chế tài theo hướng tăng nặng để xử lý các doanh nghiệp vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Cụ thể, MB Capital đề xuất, cơ quan quản lý cần tăng mức xử phạt hành chính, hoặc bổ sung các chế tài khác đối với doanh nghiệp chậm niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, để đảm bảo tính răn đe.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ