Cần giải pháp hữu hiệu bảo vệ doanh nghiệp xuất khẩu

(ĐTCK-online) Các công ty xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt ngày càng nhiều với các vụ kiện bán phá giá. Trong khi đó, một số công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam đang lợi dụng những lợi thế của thị trường nước ta để xuất khẩu sang thị trường nào đó nhằm tránh thuế chống bán phá giá hoặc tận dụng ưu đãi mà DN nước ta được hưởng khi xuất khẩu. Tình trạng này đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường xuất khẩu của các DN trong nước.
Con cá tra Việt Nam nhiều lần bị cạnh tranh bằng các rào cản thuế quan và phi thuế quan. Con cá tra Việt Nam nhiều lần bị cạnh tranh bằng các rào cản thuế quan và phi thuế quan.

Doanh nghiệp trong nước gặp khó

Theo tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá đối với philê cá tra đông lạnh Việt Nam trong giai đoạn từ 1/8/2007 đến 31/7/2008. Theo đó, DOC khẳng định, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), CTCP Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex (CAD), SAMEFICO và QVD đã không bán sản phẩm cá tra philê đông lạnh dưới giá thị trường tại Mỹ. Vì vậy, các DN này được hưởng mức thuế suất 0%.

DOC cũng công bố, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang - Agifish (AGF) và East Sea (ESS JVC) tiếp tục bị áp mức thuế phá giá trung bình 0,02 USD/kg đối với sản phẩm phile cá tra, còn các công ty khác là 2,11 USD/kg.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch thường trực VASEP, đây mới là quyết định sơ bộ của DOC trong lần xem xét vừa qua. Quyết định cuối cùng sẽ được DOC đưa ra sau 3 - 4 tháng nữa. Bên cạnh đó, mức thuế suất 0% áp dụng cho 4 công ty xuất khẩu philê cá tra đông lạnh nêu trên cũng sẽ được DOC đưa ra xem xét, thay đổi hàng năm.

Ở lĩnh vực khác, gần đây các nhà sản xuất ốc vít bằng thép (mild-steel fastener) của Malaysia đã lên tiếng chỉ trích các DN Trung Quốc rằng, có sự cạnh tranh không lành mạnh với các nhà sản xuất trong nước của Malaysia tại thị trường EU, bằng cách chuyển tải hàng hoá sang Malaysia để tránh mức thuế chống bán phá giá 87,3% mà EU áp dụng đối với sản phẩm này của Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 2/2009. Các DN Malaysia cho rằng, việc cạnh tranh thiếu lành mạnh của các DN Trung Quốc đã làm họ phải giảm giá bán sản phẩm, mất bớt thị phần tại EU, đồng thời có thể đứng trước nguy cơ bị kiện chống bán phá giá từ phía EU.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Phó tổng thư ký kiêm Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tương tự như tình trạng của Malaysia, bộ phận cấp C/O của VCCI đã từng phát hiện một số trường hợp truyền tải các mặt hàng như chốt cửa, vòng xuyến kim loại, xe đạp và một số hàng nông sản từ các nước khu vực sang Việt Nam. Ông Huỳnh cho biết thêm, có một số trường hợp DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với mục đích chuyển tải hàng hoá không lành mạnh.

 

Cơ quan chức năng vẫn lúng túng

Ông Lê Sỹ Giảng, Phó trưởng ban Phòng vệ Thương mại (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương) nhận định: “Những vụ kiện như vậy có thể làm giảm đáng kể kim ngạch xuất khẩu, thậm chí làm mất luôn thị trường của DN Việt Nam”. Theo ông Giảng, thông thường thuế chống bán phá giá kéo dài ít nhất 5 năm. Sau 5 năm này, nước nhập khẩu sẽ rà soát lại và quyết định có tiếp tục áp thuế nữa hay không. Thực tế thương mại thế giới có trường hợp thuế chống bán phá giá của EU và Mỹ áp dụng với một nước kéo dài hơn 20 năm vẫn chưa kết thúc. Vì vậy, việc sớm đưa ra được một giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế những vụ kiến bán phá giá đối với các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam là một đòi hỏi cấp bách mà các cơ quan hữu trách phải khẩn trương thực hiện.

Tuy nhiên, hiện các cơ quan chức năng có liên quan dường như vẫn còn lúng túng và chưa đồng thuận trong việc tìm ra một giải pháp thực sự hiệu quả cho vấn đề này. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, họ đang trong quá trình xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm về các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp có thể xảy đến với hàng hoá Việt Nam. Hệ thống này sẽ cảnh báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư của các địa phương về các mặt hàng nhạy cảm, những DN có khả năng chuyển tải đầu tư và hàng hoá sang Việt Nam, để từ đó các địa phương có những cân nhắc thích hợp trong việc cấp phép cho DN nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Phạm Mạnh Dũng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, giải pháp này có nguy cơ không khả thi, vì các Sở Kế hoạch và Đầu tư thường chỉ thẩm định năng lực nhà đầu tư, tác động của dự án đầu tư đối với địa phương và sẽ không quan tâm tới tiền sử bị kiện bán phá giá. Đặc biệt, “không nên nhìn nhận các nhà đầu tư đã từng bị kiện chống bán phá giá như ‘tội phạm’ việc chuyển đầu tư từ nước này sang nước khác là hiện tượng bình thường, do đó không nên tạo ra bất cứ rào cản nào đối với họ”, ông Dũng nói.

Các DN cho rằng, cách tìm ra “bộ lọc” tốt nhất và cũng là cách nhiều nước đang làm là cải thiện năng lực của các cơ quan cấp C/O và hải quan, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan này, nhằm giúp họ sớm phát hiện những dấu hiệu gia tăng đột biến lượng nhập khẩu và xuất khẩu các mặt hàng nhạy cảm, đã từng bị kiện tại nước ngoài, để từ đó có biện pháp đối phó kịp thời. Bên cạnh đó, một việc thường ngày nhưng phải thực rất nghiêm túc là việc kiểm tra kỹ lưỡng các hồ sơ xin cấp C/O và kiên quyết không cấp C/O cho các lô hàng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất xứ.

Minh Nhật
Minh Nhật

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ