Cần cởi bỏ rào cản thuế, tạo lối thoát cho quỹ hưu trí

(ĐTCK) Trong bối cảnh quỹ bảo hiểm xã hội đang ngày càng mất cân đối do “đóng ít, chi nhiều”, nhiều chuyên gia cho rằng, việc sớm hình thành hệ thống an sinh đa trụ cột, với sự góp mặt của hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện đóng vai trò quan trọng.
Tình trạng nghỉ hưu sớm trong bối cảnh dân số già hóa đang tạo gánh nặng lớn cho quỹ bảo hiểm xã hội Tình trạng nghỉ hưu sớm trong bối cảnh dân số già hóa đang tạo gánh nặng lớn cho quỹ bảo hiểm xã hội

Thực tế bức bách

Để tập hợp các ý kiến xây dựng Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trước khi trình Trung ương thảo luận vào giữa năm 2018, Tổ chức Lao động Thế giới tại Việt Nam  và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa tổ chức hội thảo quốc tế “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”.

Phát biểu tại đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về cải cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công nhìn nhận, chính sách bảo hiểm xã hội còn tồn tại những hạn chế, bất cập như: Quỹ bảo hiểm xã hội vẫn tiềm ẩn nguy cơ về mất cân đối trong trung và dài hạn, nhất là trong bối cảnh về già hóa dân số, các chế độ bảo hiểm xã hội còn chưa đa dạng và linh hoạt nên thiếu hấp dẫn…

Cùng với nhiều ý kiến khác, kiến nghị gia tăng ưu đãi thuế cho người lao động và doanh nghiệp tham gia quỹ hưu trí đã được đại diện VinaCapital nêu ra tại Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và các bộ, ngành do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa tổ chức tại TP.HCM.

Kết luận tại hội nghị này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, trên cơ sở đó lập báo cáo tổng thể và đề xuất Thủ tướng, trước hết là hoàn thiện và xây dựng các thể chế có liên quan theo đúng tinh thần của Chính phủ kiến tạo.

Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại về tình trạng nghỉ hưu sớm tại Việt Nam hiện nay, trong bối cảnh dân số già hóa với tuổi thọ ngày càng tăng, đang tạo gánh nặng lớn cho quỹ bảo hiểm xã hội.

Theo ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện tuổi nghỉ hưu trung bình là 54,1 tuổi, trong đó nam là 55,6 tuổi (so với quy định là 60 tuổi) và nữ là 52,6 tuổi (so với quy định là 55 tuổi). Trong khi đó, tuổi thọ bình quân của người nghỉ hưu hiện nay là 78,8 tuổi. Như vậy, thời gian hưởng lương hưu trung bình của mỗi người vào khoảng 24,7 năm, trong khi tiền đóng bảo hiểm xã hội trong 28 năm chỉ đủ trả trong
8 năm…

Trong bối cảnh quỹ bảo hiểm xã hội đang mất cân đối giữa thu và chi, thì áp lực tăng chi vẫn cao. Điều này phần nào được thể hiện qua kết quả khảo sát chính sách tiền lương tại Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội như Ban Công tác đại biểu, Uỷ ban Các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội… do Ban chỉ đạo Trung ương về cải cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công vừa triển khai dưới sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.

Một điểm chung được nhiều đơn vị nêu ra với Đoàn khảo sát là chính sách tiền lương hiện còn nhiều bất cập, với mức lương thấp, chưa sát với đặc thù nghề nghiệp và tính chất lao động của một số ngành…

Quỹ hưu trí là một “lối thoát”

Thực tế trên đang đặt ra đòi hỏi cấp thiết về sớm cải cách hệ thống hưu trí theo hướng đa trụ cột, để các trụ cột như bảo hiểm hưu trí bắt buộc, bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện hỗ trợ cho nhau trong cải thiện mức lương hưu cho người lao động.

Để giải quyết những vấn đề cấp bách đang đặt ra cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia, theo ông Giang, ngoài cần khắc phục tình trạng thời gian đóng ngắn, nhưng hưởng dài, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực hiện vai trò là công cụ quản trị thị trường lao động…, điều quan trọng là cần xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa trụ cột…

Đến thời điểm này, tuy hệ thống pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện đã hoàn chỉnh, nhưng chưa biết đến bao giờ Việt Nam mới có loại hình quỹ này, qua đó góp phần giải tỏa áp lực cho quỹ bảo hiểm xã hội hiện tại.

Nguyên nhân chính khiến quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện khó ra đời, theo phản ánh của các công ty quản lý quỹ, với tư cách là bên tiếp xúc với doanh nghiệp và người lao động để huy động họ tham gia quỹ, là đến nay, cơ chế ưu đãi, khuyến khích, nhất là về thuế, chưa đủ hấp dẫn để thu hút các bên tham gia.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm nay, Nhóm Công tác thị trường vốn thẳng thắn nêu quan điểm: Chính sách ưu đãi thuế cho khoản đóng góp vào quỹ hưu trí chưa phù hợp, trong khi đây là  nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của các quỹ hưu trí tự nguyện.

Chính sách thuế hiện tại cho phép miễn trừ tối đa 1 triệu đồng/tháng áp dụng đối với cả người lao động và người sử dụng lao động không tạo được động lực, không đủ hấp dẫn để người lao động và người sử dụng lao động tham gia quỹ hưu trí tự nguyện.

Theo các chuyên gia, tăng mức được khấu trừ thuế cho doanh nghiệp và người lao động khi tham gia quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện tuy sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách, nhưng điều quan trọng ở đây là cần sự đầu tư của Nhà nước, mà như chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, đầu tư cho bảo hiểm xã hội là đầu tư cho con người, phát triển bền vững…

“Do đó, Bộ Tài chính cần đề xuất nâng mức mà doanh nghiệp và người lao động đóng góp vào quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện được miễn thuế lên ít nhất là 2-3 triệu đồng/người/tháng vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế tài nguyên, để sắp tới trình Quốc hội xem xét thông qua.

Qua đó, vừa góp phần khắc phục tình trạng bất cấp của hệ thống hưu trí đơn tầng hiện tại, đảm bảo an sinh xã hội, vừa hình thành cơ chế khuyến khích thúc đẩy sớm hình thành hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, phát triển thị trường vốn”, một chuyên gia khuyến nghị.

“Chính sách thuế hiện không đủ hấp dẫn các bên tham gia”

Ông Nguyễn Minh Đăng Khánh, Phó tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM)

Với mong muốn góp những viên gạch đầu tiên cho ngành quản lý quỹ hưu trí bổ sung của Việt Nam, qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu để triển khai và hoàn thiện sản phẩm quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, chúng tôi nhận thấy rằng, chính sách thuế hiện tại cho phép miễn thuế tối đa 1 triệu đồng/người/tháng áp dụng đối với cả người lao động và người sử dụng lao động khi góp vào quỹ hưu trí tự nguyện là không tạo được động lực, không đủ hấp dẫn để thu hút các bên tham gia quỹ.

Mức miễn thuế này chưa bù đắp được điểm hạn chế về tính linh hoạt, thanh khoản rất thấp của các chứng chỉ quỹ hưu trí. Do đó, cần sớm có quy định mới điều chỉnh mức miễn thuế cao hơn, hấp dẫn hơn cho người tham gia quỹ khi góp vào quỹ hưu trí tự nguyện.

Cơ chế hiện hành chưa có quy định về thuế khi người tham gia quỹ nhận chi trả trước và đến tuổi nghỉ hưu, trong khi đây là vấn đề lớn trong hoạt động chi trả của quỹ hưu trí, nên cần có quy định hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ cho loại hình quỹ này ra đời và phát triển.

Liên quan đến nhận chi trả trước tuổi nghỉ hưu, do quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện có điểm hạn chế về tính linh hoạt, thanh khoản của chứng chỉ quỹ hưu trí rất thấp, đề nghị Bộ Tài chính xem xét có thể ban hành quy định hướng dẫn cho phép người tham gia quỹ được rút một phần trước tuổi nghỉ hưu, dĩ nhiên cần sử dụng công cụ thuế để hạn chế việc rút này. 

“Cần nâng mức khấu trừ được miễn thuế”

Ông Vương Tuấn Dương, Phó giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCaptial

Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện sẽ giúp Chính phủ giảm gánh nặng ngân sách cho quỹ lương hưu, đổi lại Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi thuế cho người dân khi tham gia quỹ này. Để khuyến khích người dân tham gia quỹ, chúng tôi đề nghị cân nhắc tăng mức đóng quỹ được miễn thuế.

Theo quy định hiện tại, người có thu nhập hàng tháng dưới 9 triệu đồng (không chịu thuế thu nhập cá nhân) nếu tham gia có thể đóng vào quỹ 1 triệu đồng/tháng mà không phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Mức này là quá thấp. Nghiên cứu tại các nước như Thái Lan, Philippines cho thấy, phần đóng góp vào quỹ được miễn thuế ít nhất bằng thu nhập GDP bình quân đầu người. Tại Việt Nam, GDP đầu người khoảng 2.000 USD/năm, tương đương 50 triệu đồng/năm, tức hơn 4 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị, doanh nghiệp có thể đóng thêm vào quỹ hưu trí cho người lao động nhiều nhất 4 triệu đồng/người/tháng. Đương nhiên, phần này phải là chi phí được khấu trừ thuế cho doanh nghiệp. Như vậy, người lao động có thể đóng nhiều nhất 8 triệu đồng/tháng vào quỹ hưu trí.

Về việc rút tiền từ quỹ hưu trí, quy định hiện tại không xác định rõ mức thuế khi người dân rút tiền. Trong khi đó, nhiều quốc gia quy định, người dân có thể rút tiền mà không phải chịu thuế, nếu có thì chỉ ở mức thấp, khoảng 10%. Việt Nam cũng nên cân nhắc không đánh thuế khoản tiền rút ra khi người lao động về hưu. Trong trường hợp rút tiền trước kỳ hạn, nên cho phép rút trong những trường hợp đặc biệt để nâng cao tính thanh khoản như mua nhà lần đầu, chi phí cho giáo dục, y tế bất ngờ…

Ngoài ý nghĩa quan trọng về góp phần đảm bảo an sinh xã hội, khi hệ thống quỹ hưu trí hình thành, đây sẽ là nhà đầu tư tổ chức giúp tăng sự ổn định cho thị trường vốn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là một trong số ít các thị trường tài chính có rất ít nhà đầu tư tổ chức. Việc thiếu nhà đầu tư tổ chức dễ gây ra các biến động giá cổ phiếu. 

Nguyễn Hữu - Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,285.0 -5.18 -0.4% 207,108 tỷ
HNX 243.18 -0.74 -0.3% 1,650 tỷ
UPCOM 91.41 -0.07 -0.07% 591 tỷ