Cam kết là vàng

(ĐTCK) Hiện đang là mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ). Có một hiện tượng đáng buồn là nhiều cổ đông không tham dự hoặc bỏ về sớm, dẫn đến việc phải hoãn đại hội, gây tốn kém, phiền toái cho cả DN và cổ đông. Có ý kiến cho rằng, cổ đông đã bán cổ phần ngay trước khi đại hội diễn ra nên không tham dự; ý kiến khác là do cổ tức mùa này quá thấp; tệ hơn là cổ đông kém trách nhiệm. Trên phương diện quản trị công ty thì tình trạng này phản ánh điều gì? Đâu là yếu tố quyết định?
Cổ đông chiến lược hay NĐT chiến lược đối với một công ty được hiểu là NĐT có "duyên nợ" nhất đối với công ty Cổ đông chiến lược hay NĐT chiến lược đối với một công ty được hiểu là NĐT có "duyên nợ" nhất đối với công ty

Ổn định cổ đông - chỉ báo về quản trị công ty tốt

Trên phương diện quản trị công ty, các nghiên cứu và kinh nghiệm cho thấy, một công ty cần có sự ổn định tương đối về cổ đông quan trọng, nhằm đảm bảo sự ổn định về quản lý (ban lãnh đạo) công ty để công ty có thể thực hiện chiến lược trong trung hạn hoặc ít nhất là đảm bảo sự thay đổi chiến lược của công ty không đến nỗi quá sốc hay quá rủi ro. Sự ổn định tương đối về cổ đông còn phản ánh cam kết của NĐT (cổ đông) đối với công ty, khi đó công ty sẽ có cơ hội để nhận được nhiều nguồn lực cho phát triển.

Cổ đông chiến lược hay NĐT chiến lược đối với một công ty được hiểu là NĐT có "duyên nợ" nhất đối với công ty. NĐT chiến lược có đóng góp vốn nhiều, đóng góp quản trị, quản lý nhiều nhất cho công ty và tất nhiên là có mức độ cam kết cao nhất đối với công ty, họ nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài đáng kể so với các cổ đông nhỏ lẻ khác. Như vậy, về mặt tổng thể, một công ty có mức độ cổ đông ổn định cao phần nào phản ánh công ty có "quản trị tốt".

Sự "ra - vào" đối với một số NĐT nhỏ lẻ của một công ty thường không ảnh hưởng nhiều đến quản trị công ty. Tuy nhiên, sự thoái vốn của NĐT chiến lược (cho dù bất cứ nguyên do gì) đều tác động ngay đến quản trị công ty và tác động ngay đến giá cổ phiếu của công ty đó trên thị trường, nhiều khi gây ra hiệu ứng bán tháo cổ phiếu. Trong một số trường hợp, sự thoái vốn của NĐT chiến lược phản ánh sự mất niềm tin của NĐT này với thị trường hay đối với công ty đó.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, NĐT có cam kết cao đối với DN nào thì họ thường có khuynh hướng nắm giữ cổ phiếu của DN đó lâu hơn. Sự cam kết của NĐT còn thể hiện ở mức độ tham gia vào quản trị công ty nhiều hơn, như thường xuyên theo dõi công ty, đóng góp ý kiến cho công ty (trực tiếp hay gián tiếp); đặc biệt, họ có khuynh hướng sử dụng tối đa quyền quản lý của mình như quyền biểu quyết/tham gia vào các quyết định tại ĐHCĐ (khi đó, tỷ lệ cổ đông tham dự sẽ cao).

Cổ đông của một công ty không ổn định phản ánh mức độ cam kết thấp của các cổ đông đối với công ty đó. Nếu hiện tượng phổ biến cho cả thị trường thì điều đó phản ánh lòng tin của giới đầu tư đối với thị trường và sau đó là đối với nền kinh tế. Các hành vi phản ánh mức độ cam kết của NĐT đối với công ty và đối với thị trường là mức độ nắm giữ cổ phiếu có lâu hay không, sự tham gia vào quá trình quản trị công ty nhiều hay không? (ví dụ như cổ đông có quan tâm và đi dự ĐHCĐ hay không).

Các cổ đông và công ty Việt Nam

Dường như chưa có đánh giá nào về mức độ cam kết của cổ đông đối với các công ty ở Việt Nam và vấn đề ổn định cổ đông cũng chưa được quan tâm đúng mức hoặc bị lấn át bởi các mục đích về vốn. Để đánh giá mức độ cam kết của cổ đông, chúng ta có thể phân tích một số nhóm cổ đông và hành vi của họ.

Đối với cổ đông chiến lược, khái niệm này thường được hiểu là NĐT có nhiều tiền đổ vào một công ty. Trong bối cảnh đó, từ năm 2005 đã xuất hiện trào lưu ký kết "hợp tác chiến lược toàn diện" và có nhiều khoản tiền lớn từ các tổng công ty nhà nước đổ vào một số công ty cổ phần, góp phần tạo nên một TTCK "sôi sùng sục" vào năm 2006 - 2007, nhưng quản trị, quản lý ở các công ty hầu như không được cải thiện (một số hợp đồng ký rồi để đó làm "cảnh").

Về nhà ĐTNN, thị trường thường mong mỏi khối NĐT chiến lược nước ngoài sẽ mang đến quản trị hiện đại, công nghệ hiện đại, thị trường mới... Tuy nhiên, gần đây, quan sát hành vi của cổ đông chiến lược tại một NHTMCP lớn ở Việt Nam, một số người đã khá lo lắng khi cổ đông nước ngoài thoái vốn, kéo theo cổ đông trong nước bán ra cổ phiếu. Cổ đông chiến lược là quan trọng mà đến và đi dễ vậy sao?

Đối với các cổ đông nhỏ lẻ, hiện có tình trạng một bộ phận cổ đông không tham dự hoặc không quan tâm đến ĐHCĐ. Có ý kiến cho rằng, họ vô trách nhiệm vì không làm tròn nghĩa vụ của cổ đông, khiến không ít DN phải hủy đại hội. Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính mới đây đã đề xuất: bổ sung vào quy chế ban hành về điều lệ mẫu công ty đại chúng nội dung cho phép DN tiến hành ĐHCĐ khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% cổ phần có quyền biểu quyết (Luật Doanh nghiệp quy định tỷ lệ này là 65%).

Tuy những vấn đề nêu trên chỉ nhìn vào mặt trái và mang tính chủ quan của người viết, nhưng thiết nghĩ, nó cũng cho thấy một phần bức tranh về mối quan hệ giữa DN và cổ đông. Về việc cổ đông không tham dự ĐHCĐ, có thể kể ra một số nguyên nhân như: Thứ nhất, do lướt sóng, đầu tư ngắn hạn. Thường thì NĐT "lướt sóng" không quan tâm nhiều tới tư cách cổ đông và họ không mấy khi dự ĐHCĐ hay đóng góp về quản trị công ty. Thứ hai, cổ tức thấp. Có NHTMCP chia cổ tức năm 2008 bằng tiền mặt ở mức 0,47%/năm, tức 47 đồng/cổ phiếu. "Không thể tưởng tượng nổi mức cổ tức như thế. Nhận mà như không!", một cổ đông thất vọng thốt lên như vậy. Thứ ba, nhiều người không tham dự ĐHCĐ vì họ nhận thấy lá phiếu của họ quá nhỏ. Cổ đông của một NHTMCP cho biết, tình trạng đại hội của ngân hàng này như sau: "Đại hội hỗn loạn, nhiều cổ đông bỏ ra về và không thông qua tờ trình, nhưng cuối cùng các tờ trình vẫn đạt được tỷ lệ biểu quyết cao". Điều này phản ánh rằng, quyền lực tập trung quá nhiều vào cổ đông lớn, cổ đông nhỏ có phản đối thì mọi việc vẫn được thông qua.

Đi tìm "vàng"

Thực tế cho thấy, bên cạnh những ĐHCĐ "trống vắng" thì ở nhiều DN, sự quan tâm của cổ đông nhỏ tại đại hội khiến cuộc họp không hề bình yên. Điều đáng quan tâm là nhiều cổ đông đã mạnh mẽ chất vấn HĐQT, ban điều hành về thu chi, các chi phí hoạt động, những giải pháp của ban lãnh đạo để vượt qua khó khăn thử thách hiện nay… mà không đặt ra câu hỏi "cổ tức của tôi đâu?".

Th.S Lê Văn Hinh, Bộ phận Phân tích, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội
Th.S Lê Văn Hinh, Bộ phận Phân tích, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,250.46 1.83 0.15% 233,085 tỷ
HNX 234.52 1.56 0.66% 2,523 tỷ
UPCOM 91.57 0.47 0.51% 880 tỷ