Blue-chip cũ, cơ hội mới

(ĐTCK) Những cổ phiếu blue-chip một thời như SAM, REE, GMD… đang trong quá trình tìm lại chính mình khi dần thích ứng và tìm hướng đi mới trong hoạt động kinh doanh.
Blue-chip cũ, cơ hội mới

Đợt sụt giảm của TTCK trong tháng 2/2013 cho thấy, các cổ phiếu blue-chip nhìn chung không mất giá nhiều, mức tăng giá trong 3 - 6 tháng vẫn khá lớn. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu nhỏ được ưa chuộng trước đó, hấp dẫn dòng tiền nóng đều lao dốc và thanh khoản giảm mạnh.

Phong cách đầu tư thay đổi

Nếu như trong giai đoạn 2006 - 2007, đa số NĐT quan tâm đến bản chất kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp, thì đến giai đoạn gần đây, chiến lược đầu tư của nhiều NĐT đã thay đổi. Sự thay đổi này không chỉ ở nhóm NĐT nhỏ lẻ, mà không ít NĐT lớn cũng chuyển từ hoạt động đầu tư mang tính cơ bản sang đầu cơ lướt sóng ngắn hạn mỗi khi có cơ hội và nhanh chóng bán ra chốt lời khi có lợi nhuận.

Hiện tượng này phần nào xuất phát từ những khó khăn của nền kinh tế đã tác động mạnh đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, tạo nên sự sụt giảm của thị trường trong thời gian qua. Lợi nhuận của phần đông các doanh nghiệp sụt giảm, các mảng kinh doanh co hẹp, thông tin bất lợi đã khiến giá cổ phiếu suy giảm mạnh, dẫn tới hoạt động đầu tư dài hạn trở nên khó khăn hơn. Điều này khuyến khích các NĐT áp dụng chiến lược đầu tư lướt sóng ngắn hạn.

Blue-chip cũ, cơ hội mới ảnh 1

Các cổ phiếu blue-chip cũ như GMD, REE, SAM… đang tìm hướng đi mới

Tuy nhiên, cổ phiếu cơ bản, đầu ngành, vốn hóa lớn (thường gọi là blue-chip) vẫn có chỗ đứng nhất định trong cơ cấu đầu tư của các NĐT tổ chức và cá nhân. Thực tế, rất nhiều NĐT tổ chức nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam thường chọn các cổ phiếu blue-chip để đầu tư như BVH, GAS, VNM, DPM…

Đây là cổ phiếu của các công ty có mức vốn hóa lớn, thương hiệu mạnh, hoạt động hiệu quả, chia lợi nhuận (bằng cổ phiếu hay tiền mặt) đều đặn cho cổ đông, mức rủi ro thấp. Đây cũng là các cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn trong việc tăng hay giảm của thị trường và có tính thanh khoản cao.            

Giá cổ phiếu blue-chip thường ở mức cao so với mặt bằng chung và mức biến động giá nhỏ hơn mức độ biến động của thị trường. Do đó, trong bối cảnh dòng tiền eo hẹp, nhiều NĐT thường quan niệm cổ phiếu này chỉ dành cho tổ chức lớn, trường vốn. Thực tế, một số cổ phiếu blue-chip hiện nay có mức tăng trưởng giá ổn định, đem lại hiệu quả đầu tư tốt cho các NĐT, mặc dù ít đột biến hay “sóng sánh”.

 

Blue-chip cũ, nhưng cơ hội vẫn mới

Những cổ phiếu blue-chip một thời như SAM, REE, GMD… đang trong quá trình tìm lại chính mình khi dần thích ứng và tìm hướng đi mới trong hoạt động kinh doanh. Thoát ra khỏi vỏ bọc già cỗi của chính mình, nhiều cổ phiếu đã thu được những kết quả tích cực trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn. Mặc dù là blue-chip cũ, nhưng cơ hội đầu tư vẫn còn rất mới khi lợi nhuận năm nay của nhiều cổ phiếu, như REE hay GMD, có triển vọng khả quan.

CTCP Gemadept (GMD) hoạt động kinh doanh tập trung vào mảng cốt lõi là khai thác cảng, logistics, đóng góp 97% doanh thu. Doanh thu thuần năm 2012 tăng 8%, lợi nhuận gộp đạt 445,9 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2011. Bên cạnh đó, GMD cơ cấu lại các khoản đầu tư đa ngành không hiệu quả, chi phí tài chính giảm mạnh (-44%), cùng với việc hoàn nhập khoản dự phòng giảm giá chứng khoán hơn 94 tỷ đồng đã giúp Công ty thu về khoản lợi nhuận ròng 101 tỷ đồng, gấp 5,87 lần năm 2011. Đầu năm nay, GMD tiếp tục bán 24,9% cổ phần tại Công ty Vĩnh Hảo cho Masan, với giá 85.000 đồng/CP. Tổng giá trị đầu tư ban đầu vào Vĩnh Hảo là 38,8 tỷ đồng, tương ứng giá cổ phiếu ở mức 16.595 đồng/CP. Với việc thanh lý khoản đầu tư này, GMD dự kiến thu về 160 tỷ đồng trong năm 2013.

CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) cũng là một điển hình khi doanh nghiệp tự chuyển mình nhằm thích nghi với những khó khăn chung của nền kinh tế. Mặc dù năm 2012, SAM chỉ hoàn thành 75% kế hoạch lợi nhuận khi đạt 108,9 tỷ đồng, nhưng đây là kết quả tích cực so với mức lỗ năm 2011 lên đến 181 tỷ đồng và so với một số doanh nghiệp cùng ngành. SAM đã chủ động trong việc cơ cấu lại các hoạt động kinh doanh như bán dự án bất động sản và thoái vốn khỏi một số khoản đầu tư tài chính. Ngoài ra, SAM chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất cáp viễn thông (trước đây là hoạt động chính) sang Công ty TNHH một thành viên Dây và cáp Sacom. Đồng thời, SAM chuyển hướng sang mảng năng lượng sạch khi đầu tư 118 tỷ đồng vào Công ty Sacom - Chíp Sáng.

Đối với CTCP Cơ điện lạnh (REE), năm 2012 là một giai đoạn chuyển mình thực sự của Công ty khi quyết tâm cơ cấu lại hoạt động đầu tư tài chính và rút khỏi những mảng kinh doanh không phải là thế mạnh. Nhờ đó, kết quả kinh doanh năm 2012 của REE khởi sắc năm thứ ba liên tiếp. Lợi nhuận thuần tăng 28% so với năm 2011, trong đó các mảng kinh doanh chính như cơ điện tăng 31%, do hợp đồng ký kết tăng mạnh; lợi nhuận ròng từ mảng Reetech giảm 6%, do khoản trích lập dự phòng khó đòi vào quý IV/2012; mảng cho thuê văn phòng tăng 7%, đạt 190 tỷ đồng, với mức giá cho thuê từ 15 - 19 USD/tháng, đạt tỷ lệ lấp đầy 95%.

Trong năm 2012, REE đã bán 12,14 triệu cổ phiếu STB, mang lại khoản lãi ròng 284 tỷ đồng. REE tập trung liên kết với các công ty thuộc lĩnh vực năng lượng như Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Nhiệt điện Ninh Bình, Thủy điện Thác Bà, Công ty nước B.O.O Thủ Đức, Nước sạch Sài Gòn… mang tính cơ bản, ổn định, lâu dài. Dự kiến, các khoản đầu tư này sẽ mang lại 50% lợi nhuận cho REE trong năm 2013. Riêng khoản đầu tư vào PPC, REE đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 22,3% tại thời điểm giá cổ phiếu này xoay quanh mức 12.000 đồng/CP (hiện trên 16.000 đồng/CP). Với triển vọng đồng JPY (PPC có khoản vay lớn bằng JPY) tiếp tục mất giá so với VND, năm 2013, PPC có khả năng lãi trên 700 tỷ đồng. Dự báo, giá cổ phiếu PPC trong năm 2013 ở mức 18.000 đồng/CP, do đó khoản đầu tư này sẽ mang lại cho REE khoản lợi nhuận từ chênh lệch giá khoảng 280 tỷ đồng.

Trần Hoàng Sơn - Chuyên gia chiến lược thị trường MBS
Trần Hoàng Sơn - Chuyên gia chiến lược thị trường MBS

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,250.46 1.83 0.15% 233,085 tỷ
HNX 234.52 1.56 0.66% 2,523 tỷ
UPCOM 91.57 0.47 0.51% 880 tỷ