Bất lợi vì khan hiếm tiền đồng?

Với mục tiêu hạn chế tiền trong lưu thông, kiềm chế lạm phát, NHNN vẫn chưa thể mở rộng cửa hút ngoại tệ về khiến các NHCP phải rơi vào tình cảnh khó khăn. Vì nhu cầu vốn khách hàng thường tăng cao dịp cuối năm, trong khi vốn NH phải chôn vào ngoại tệ không thể giải ngân do thiếu đầu ra.
Nhiều NH đang áp dụng lãi suất huy động VND ở mức cao. Nhiều NH đang áp dụng lãi suất huy động VND ở mức cao.

 

Các NH chỉ còn cách duy nhất là hạn chế mua vào ngoại tệ bằng cách từ chối khách hàng đến bán hoặc quy đổi USD sang VND.

 

Hạn hẹp cung tiền đồng

Lượng ngoại tệ tiếp tục chảy mạnh vào các NH gần đây, còn NHNN vẫn chưa có động thái gì về việc sẽ mua thêm USD kéo theo tỉ giá liên tục sụt giảm, xuống dưới mức sàn. Mặc dù đã phục hồi trong vài ngày qua, nhưng tỉ giá VND/USD chỉ đạt ngưỡng 16.040 - 16.050 VND/USD.

 

Để có nguồn cung chủ động trong việc ứng vốn cho khách hàng tăng cao dịp cuối năm, gần đây nhiều NH đã áp dụng mức lãi suất huy động VND ở mức khá cao. Lãi suất huy động tiền gửi bằng VND của một vài NH đã vượt ngưỡng 10,20%/năm, chẳng hạn như ABBANK.

 

TGĐ một NHCP cho rằng, mặc dù lãi suất qua đêm đã hạ nhiệt, nhưng vốn huy động gần đây có dấu hiệu chững lại, trong khi nhu cầu gia tăng buộc phải nâng lãi suất tiết kiệm, cho dù vẫn biết chi phí đầu vào lại gia tăng. Thế nhưng, so với sức cầu tiền đồng đang tăng nhanh, cung của các NH chỉ đủ để đáp ứng các DN trong mùa thanh toán cuối năm. Riêng với các khoản vốn gián tiếp đang được nhiều NĐT nước ngoài đổ vào VN vẫn còn khó khăn trong việc quy đổi sang VND để tìm kiếm cơ hội trên TTCK.

 

Theo CTCK SBS, gần đây nhiều khách hàng nước ngoài là NĐT cá nhân có tài khoản giao dịch tại sàn SBS phải dở khóc dở cười khi lệnh đặt đã khớp, nhưng đành phải hủy vì không thể quy đổi USD sang VND. Đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài cũng cho hay, so với một năm trước dạo gần đây họ cũng gặp phải nhiều khó khăn trong việc quy đổi ngoại tệ tại NH đang lưu ký.

 

Thực tế, dòng vốn gián tiếp của NĐT nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào TTCKVN thời gian gần đây. Trong đó, có một phần vốn được dành tham gia IPO Vietcombank, đồng thời tìm kiếm ở các loại hàng hóa mới trên TTCK VN. Tuy nhiên, sự hấp thụ của nền kinh tế còn yếu so với sức tăng trưởng của dòng vốn gián tiếp nên chưa được khai thác một cách hiệu quả. Chính điều này đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của TTCK.

 

TTCK vạ lây?

Ông Lê Nhị Năng - PGĐ Sở GDCK TP.HCM (HoSE) cho rằng, giá CP sụt giảm gần đây chủ yếu do tình hình cung - cầu trên thị trường. Lượng cung tăng lên quá nhanh so với sức cầu. Tiền NĐT  trong nước đang cạn dần và lượng vốn mới "rót" thêm có phần hạn chế hơn nhiều so với trước đây.

 

Một phần, do diễn biến thị trường luôn trong xu hướng giảm khiến nhiều NĐT lo ngại. Mặt khác, NHNN đã thắt chặt tín dụng cho vay cầm cố CK khiến sức cầu của NĐT trong nước càng hạn chế hơn. Trong khi đó, luồng vốn gián tiếp của NĐT nước ngoài đổ vào VN lại gặp phải khó khăn trong việc chuyển đổi ra tiền đồng để giao dịch theo quy định của NHNN. Nguyên nhân chủ yếu do lượng tiền đồng trên thị trường ngày một khan hiếm hơn.

 

Hiện tại có một nghịch lý là nguồn cầu của nước ngoài vào TTCKVN lại chưa được sử dụng hiệu quả. Trong khi, vốn gián tiếp đổ vào TTCKVN ngày một mạnh hơn thông qua các quỹ đầu tư. Chẳng hạn như IndochinaCapital dự kiến sẽ rót thêm 1 tỉ USD vào TTCKVN trong năm tới và tiếp tục huy động thêm nếu giải ngân số vốn trên sớm hơn kế hoạch đưa ra cho 1 năm.

 

Trong khi đó, NH lại không đủ cung tiền đồng để đáp ứng nhu cầu NĐT. Chính vì vậy, theo các chuyên gia CK, NHNN và các NH phải có một lượng tiền đồng lớn mới có thể đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi của NĐT nước ngoài. Các chuyên gia cho rằng, diễn biến của TTCK tăng hay giảm trong năm tới một phần sẽ phụ thuộc vào yếu tố hấp thụ luồng vốn gián tiếp của nền kinh tế VN.

 

Cung tiền đồng trên thị trường đang khan dần, ngược lại lượng ngoại tệ tiếp tục gia tăng. Ngoài nguồn vốn đầu tư trực tiếp tăng kỷ lục trong năm nay, ước tính lên đến 17 tỉ USD, cộng với vốn gián tiếp và dòng kiều hối được dự báo sẽ đạt trên 5 tỉ USD. Thế nhưng, sự hấp thụ vốn của nền kinh tế VN chưa xứng với tốc độ gia tăng của dòng vốn nước ngoài. Một cán bộ NHNN - chi nhánh TPHCM cho rằng, NHNN chưa thể tung thêm tiền đồng để hút USD chủ yếu là để hạn chế lượng tiền trong lưu thông, kiềm chế tốc độ gia tăng của lạm phát.

 

Mặt khác, mức tăng trưởng tín dụng tại các NH, nhất là nhóm cổ phần đang ở mức báo động. Nhiều NH đã lợi dụng việc gia tăng tín dụng để nâng cao tổng dư nợ, tạo điều kiện cho việc điều chỉnh tỉ lệ dư nợ cho vay cầm cố xuống ngưỡng cho phép là 3% trước thời hạn 31.12. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để kiềm chế lạm phát chưa hẳn sử dụng biện pháp hạn chế lượng tiền trong lưu thông sẽ đem lại hiệu quả. Vì một khi thiếu tiền, NH phải tăng lãi suất huy động, kéo theo lãi suất đầu ra và hậu quả người đi vay gánh chịu. Lúc này, DN phải đẩy giá cả hàng hóa để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận... và lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng.


Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ