Áp lực giải chấp không đáng ngại

(ĐTCK) Theo giới phân tích, việc TTCK giảm sâu khiến nhiều CTCK phải giải chấp, nhưng áp lực này không đáng ngại, bởi dòng tiền margin trên thị trường không quá lớn, do bị hạn chế bởi Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước. Áp lực hạ đòn bẩy hoặc cắt lỗ sẽ giảm mạnh khi thị trường toàn cầu đang trong xu hướng phục hồi.
Áp lực giải chấp không đáng ngại

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC)

Áp lực giải chấp không đáng ngại ảnh 1

Trong những phiên giao dịch gần đây, tuy thị trường giảm sâu, nhưng hoạt động bán giải chấp trên thị trường nói chung, tại HSC nói riêng, theo quan sát của tôi là không đáng ngại. Điều này được thể hiện khá rõ nét tại phiên giao dịch ngày 25/8, khi trong đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa, một số CTCK bán giải chấp, nhưng khối lượng không lớn. Càng về cuối phiên, cùng với sự hồi phục của VN-Index, cầu bắt đáy khá tốt, nên hoạt động bán giải chấp diễn ra không đáng ngại.

Đợt sụt giảm khá mạnh của TTCK Việt Nam gần đây do chịu tác động bất lợi của động thái giảm giá đồng loạt của các thị trường trên thế giới, cũng như những biến động về tỷ giá.

Về yếu tố bên ngoài, sự sụt giảm mạnh và đồng loạt giá cổ phiếu tại nhiều TTCK trên thế giới do giá dầu giảm sâu và những biến động tiêu cực gần đây trên TTCK cũng như nền kinh tế Trung Quốc. Tín hiệu đáng mừng là giao dịch hợp đồng tương lai trên thị trường châu Âu, Mỹ đang có những tín hiệu phục hồi. Với diễn biến bất lợi hiện tại, nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa tăng lãi suất vào tháng 9 tới, mà có thể lùi lại đến tháng 12/2015. Nếu thị trường giảm sâu thêm, tôi tin các nhà hoạch định chính sách ở nhiều thị trường sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp để hỗ trợ thị trường.

Xét về yếu tố trong nước, hiện biến động tỷ giá là vấn đề khá nhạy đối với thị trường. Điều này đang gây áp lực lên tâm lý của NĐT, nên tác động không tích cực đến sức cầu. Không dễ đoán định về xu hướng sắp tới của TTCK Việt Nam, bởi sẽ tiếp tục tùy thuộc vào diễn biến mới trên TTCK toàn cầu.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS

Theo con số cuối quý II/2015 của TOP 10 CTCK cung cấp margin thì lượng đòn bẩy tài chính không quá lớn, khoảng 13.000 tỷ đồng, thấp hơn so với năm 2014. Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước đã hạn chế rất lớn dòng tiền từ ngân hàng chảy vào TTCK thời gian vừa qua, nên dòng tiền trên thị trường có vẻ khá yếu.

Một điểm nữa là kể từ đầu năm 2015 đến nay, TTCK tăng điểm chủ yếu là nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trong khi đó nhóm đầu cơ hầu hết sụt giảm, chưa kể nhiều CTCK còn hạ tỷ lệ cho vay ở nhóm này xuống mức thấp hơn nên lượng đòn bẩy mà NĐT sử dụng trên toàn hệ thống ở mức thấp là khá rõ. Nhưng không vì thế mà TTCK không xảy ra hiện tượng giải chấp. Những dòng cổ phiếu cơ bản như dầu khí chắc hẳn chịu áp lực lớn nhất bởi chuỗi suy giảm quá lớn thời gian qua.

Hiện tại, TTCK thế giới đã suy giảm mạnh và hầu hết đều đã phá vỡ những ngưỡng hỗ trợ mạnh. TTCK có thể sẽ phục hồi trở lại bởi nền kinh tế nhiều quốc gia vẫn đang có sự tích cực nhất định.

Tại Việt Nam, việc NĐT nước ngoài bán mạnh trái phiếu là một tín hiệu khá xấu và rõ ràng nó càng làm cho tỷ giá VND/USD nóng thêm. Vì thế, trong ngắn hạn, TTCK có sự hồi phục, nhưng cơ bản là sẽ khó khăn trong nửa cuối năm 2015. Những chính sách hiện tại của Việt Nam không có nhiều sức hấp dẫn cho đến khi danh mục nới room sẵn sàng, mà điều này có lẽ phải chờ đến năm 2016.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MB (MBS)

Áp lực giải chấp không đáng ngại ảnh 3

TTCK đã giảm liên tiếp trong nhiều tuần trở lại đây, VN-Index có 3 tuần giảm liên tục, còn đà giảm của HNX-Index kéo dài tới 6 tuần. Tuy nhiên, mức giảm mạnh chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn gần đây sau hàng loạt thông tin tiêu cực liên quan đến việc Trung Quốc phá giá đồng NDT, tỷ giá USD/VND được điều chỉnh mạnh, giá dầu thô phá đáy, Quỹ VNM ETF bắt đầu bị rút vốn. Áp lực bán ròng cổ phiếu trong rổ VNM ETF tăng lên…

Thị trường giảm đã tác động rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư, đồng thời áp lực hạ đòn bẩy sẽ tạo ra lực cung tăng đột ngột, khiến thị trường có những phiên giảm mạnh những ngày vừa qua.

Về cơ bản, thời gian qua, đa phần NĐT đã giảm tỷ trọng margin và mức mắc kẹt lớn mới chỉ xuất hiện vào tuần trước. Do đó, theo quan sát của tôi, áp lực hạ đòn bẩy và cắt lỗ đã đồng loạt diễn ra vào phiên 24/8 khiến chỉ số VN-Index mất hơn 30 điểm, gần như phản ánh khá rõ xu hướng này. Ngay sau đó, thị trường đã hồi phục do cạn cung giá thấp, đồng thời lực cầu chủ động tham gia giá thấp đã tăng lên khá mạnh, khiến thanh khoản chung toàn thị trường tăng tốt. Sau phiên hồi phục hôm qua (25/8), tôi đánh giá thị trường đang dần tích cực trở lại, áp lực hạ đòn bẩy hoặc cắt lỗ sẽ giảm mạnh khi thị trường toàn cầu đang trong xu hướng phục hồi.

Hữu Hòe - Hải Vân ghi nhận.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 -12.82 -1.09% 174,889 tỷ
HNX 222.63 -2.67 -1.2% 1,395 tỷ
UPCOM 87.51 -0.51 -0.59% 436 tỷ