ACBGF có bước qua “lời nguyền” chiết khấu?

(ĐTCK) ACBGF là trường hợp duy nhất có NAV tăng lên sau 1 năm thành lập. Thuận lợi này có giúp ACBGF bước qua “lời nguyền chiết khấu” ám ảnh các CCQ bấy lâu nay?
ACBGF có bước qua “lời nguyền” chiết khấu?

Dự kiến, ngày 26/6 tới, hơn 24 triệu chứng chỉ quỹ (CCQ) ACBGF của Quỹ đầu tư Tăng trưởng ACB sẽ niêm yết trên HOSE. Trừ VFMVF1, so với các CCQ còn lại, ACBGF là trường hợp duy nhất có giá trị tài sản ròng (NAV) tăng lên sau 1 năm thành lập. Thuận lợi này và một số khác biệt có giúp ACBGF bước qua “lời nguyền chiết khấu” ám ảnh các CCQ bấy lâu nay?

Khác biệt

Nếu như các đợt chào bán CCQ của các công ty quản lý quỹ (QLQ) như Vietfund (VFM), Manulife, Prudential được thực hiện khá rầm rộ, gắn với các chiến lược truyền thông bài bản, những cuộc “roadshow” hoành tráng, đại lý phân phối rộng khắp ở nhiều CTCK, thì trái lại, đợt gọi vốn của ACBGF khá lặng lẽ, bó hẹp trong phạm vi CTCK ACB và các chi nhánh. Bất chấp sự quan tâm hạn chế của thị trường hiện nay với CCQ nói chung, ACBGF vẫn thành công một cách ngạc nhiên khi huy động được hơn 240 tỷ đồng trong vòng 30 ngày. Có 3 tổ chức và hơn 400 NĐT cá nhân tham gia đợt chào bán này.

So với những CCQ trước đó, không khó để nhận ra ACBGF có một số điểm khác biệt theo hướng thuận lợi cho cổ đông góp vốn ban đầu. Thứ nhất, giá phát hành CCQ chỉ là 10.050 đồng/CCQ, khá “mềm” so với mức giá 10.300 đồng/CCQ thường thấy trong các đợt phát hành tương tự trước đây. Thứ hai, khi hoạt động, phí quản lý thường niên chỉ là 0,5% tổng tài sản, thấp hơn 4 lần so với mặt bằng phí của các CCQ khác. Thứ ba, khối lượng đặt mua ACBGF tối thiểu chỉ là 1.000 CCQ, mức thấp nhất so với các công ty QLQ đã chào bán CCQ, giúp cả những NĐT nhỏ, ít vốn cũng có khả năng tham gia đợt phát hành. Thứ tư, ACBGF có thời hạn hoạt động 5 năm, bằng phân nửa so với VFMVF1 và VFMVF4, ngắn hơn 2 năm so với thời hạn hoạt động của PRUBF1 và MAFBF1.

Nếu như các CCQ trước đây có điểm mạnh là được quản lý bởi công ty QLQ chuyên nghiệp, thực hiện các dịch vụ quản lý riêng biệt, thì ABCGF có thế mạnh riêng do được ngân hàng và các cổ đông lớn của ngân hàng “chống lưng”. ACBGF đang được quản lý bởi Công ty QLQ ACB (ACBC) - trực thuộc Ngân hàng Á Châu. Giới quản lý quỹ nhìn nhận, sức mạnh tài chính của các cổ đông lớn ngân hàng là nguyên nhân chính giúp ACBGF huy động vốn thành công, mà không cần đến các chiến dịch tiếp thị, quảng bá, ngay cả khi phần lớn NĐT quay lưng với CCQ niêm yết trên sàn.

 

Thận trọng

Do đầu tư trong khuôn khổ TTCK Việt Nam , nên chiến lược hoạt động của ACBGF không có gì đột phá hay khác biệt lớn. Bản cáo bạch phát hành của ACBGF cho biết, Quỹ sẽ tập trung đầu tư vào các cổ phiếu tăng trưởng, DN hoạt động ổn định và tiềm năng tăng trưởng cao. Quỹ cũng để ngỏ khả năng săn tìm các cơ hội tạo lợi nhuận ở những hoạt động đầu tư khác như trái phiếu và các công cụ nợ khác. Điều này không mấy khác biệt so với chiến lược hoạt động của VFMVF1, VFMVF4 hay MAFBF1 hiện nay.

Tuy nhiên, khác biệt hoàn toàn với các quỹ đại chúng trước đó, kể từ khi đóng quỹ đúng một năm trước đây (ngày 22/6/2011) là ACBGF hành động với sự thận trọng tối đa. Cụ thể, ACBGF không vồn vã giải ngân vào cổ phiếu ngay khi TTCK xuống thấp cuối năm 2011, đầu năm 2012. Theo báo cáo tài chính mới nhất, tại thời điểm cuối tháng 5 vừa qua, tổng tài sản của ACBGF đang quản lý là 272 tỷ đồng, tương đương NAV đạt 11.333 đồng/CCQ, tăng 13,3% so với một năm trước. Quỹ chưa đầu tư vào bất kỳ cổ phiếu niêm yết nào, trong khi tiền gửi ngân hàng kỳ hạn trên 90 ngày lên tới 262,7 tỷ đồng, tương đương 96,5% tổng tài sản!

NĐT không góp tiền vào quỹ để nhà quản lý đem đi gửi ngân hàng. Nhưng trong bối cảnh TTCK Việt Nam trượt dốc và chưa có dấu hiệu phục hồi ổn định, bảo toàn vốn được xem là nhiệm vụ số một. Không thể phủ nhận, năm đầu tiên, sự lựa chọn của Ban điều hành ACBGF đã tỏ ra sáng suốt, khi đứng hoàn toàn ngoài thị trường.

 

“Lời nguyền” chiết khấu

CCQ ACBGF được cấp phép niêm yết thời hạn từ ngày 29/3 - 29/6/2012. Chỉ vài ngày trước khi hết hiệu lực, ACBGF mới quyết định lên niêm yết, sắp chính thức trở thành CCQ thứ 6 lên sàn. Các nhà quản lý Quỹ ACBGF có lý do để nấn ná, chọn thời điểm lên sàn, vì từ trước tới nay, các CCQ đại chúng sau khi niêm yết vẫn chịu “lời nguyền” chiết khấu: thị giá CCQ nhanh chóng giảm 30 - 50% so với NAV. Các NĐT tham gia đợt góp vốn ban đầu sớm chịu cảnh thua lỗ. Lần này, ACBGF có tạo ra ngoại lệ?

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc ACBC trao đổi với ĐTCK, sau khi chào sàn, ACBGF sẽ đứng trước áp lực phải năng động hơn. Quỹ sẽ thay đổi vị thế cổ phiếu/tiền mặt bằng cách giải ngân có chọn lọc vào các cổ phiếu hàng đầu hiện đã ở mức giá hấp dẫn. Bản cáo bạch niêm yết cũng chỉ ra ACBGF đang đứng trước cơ hội và thuận lợi lớn, khi sở hữu gần 100% tiền mặt, trong bối cảnh mặt bằng giá cổ phiếu đang ở mức thấp.

Gần đây nhất, CCQ lên niêm yết là VFMVFA của Quỹ đầu tư Năng động Việt Nam. Dù được thử nghiệm mô hình đầu tư mới, nhưng sự thành công của VFMVFA vẫn khá hạn chế. Hiện tại, các NĐT góp vốn vào VFMVFA lỗ trên 50% vốn góp so với giá thị trường. ACBGF có xuất phát điểm tốt hơn VFMVFA khi chào sàn, bởi bảo toàn được nguồn lực. Mặc dù vậy, nhìn về lâu dài, ACBGF vẫn chịu sức ép như các CCQ trước đây. Khó khăn lớn nhất đến từ sự phục hồi vững chắc của TTCK vẫn còn là ẩn số, kèm theo thanh khoản của thị trường luôn thất thường. Một thử thách khác đến từ việc phần đông NĐT cá nhân mua lại CCQ trên sàn vẫn coi CCQ như là công cụ “lướt sóng”, chứ không phải đầu tư.

ACBGF có bước qua “lời nguyền” chiết khấu? ảnh 1

Sau khi niêm yết, giá chứng chỉ quỹ thường nhanh chóng giảm 30 - 50% so với NAV

Giang Thanh
Giang Thanh

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,206.97 -9.64 -0.8% 149,826 tỷ
HNX 226.55 -3.17 -1.4% 1,384 tỷ
UPCOM 88.03 -0.95 -1.08% 344 tỷ