7021 ''đính chính'' 03 vẫn bất ổn

Cuối cùng, bằng Công văn số 7021 ký ngày 28/6, NHNN cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài thời gian thu hồi nợ theo Chỉ thị 03 đến ngày 31/12/2007. Kiểu “đính chính” Chỉ thị 03 cho thấy, việc quản lý, cho vay chứng khoán còn nhiều điều bất ổn.

Trả lời báo chí, Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy khẳng định, Chỉ thị 03 chỉ cấm việc cho vay vượt quá tỷ lệ cho phép bằng cầm cố cổ phiếu đầu tư kinh doanh chứng khoán, còn nếu mua chứng khoán nhưng đảm bảo bằng tài sản, hoặc chữ tín thì không cấm. Đến Công văn 7021, dư nợ cho vay chứng khoán của các ngân hàng được xác định cụ thể hơn trong việc khống chế 3% gồm: cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá đối với các công ty chứng khoán; cho vay có cầm cố bằng chứng khoán hoặc bảo đảm bằng tài sản khác đối với khách hàng với mục đích đầu tư ngắn hạn hay dài hạn; cho vay ứng trước tiền đối với khách hàng đã bán chứng khoán và sử dụng vốn vay để mua chứng khoán; cho vay đối với khách hàng được khớp; chiết khấu giấy tờ có giá đối với khách hàng để sử dụng số tiền chiết khấu giấy tờ có giá dưới các hình thức khác mà khách hàng sử dụng vốn vay để mua chứng khoán…

Tuy nhiên, cách giải thích của Công văn 7021 vẫn khiến nhiều ngân hàng lo ngại. Chẳng hạn, đối với nghiệp vụ “cho vay ứng trước tiền đối với khách hàng đã bán chứng khoán và sử dụng vốn để mua chứng khoán”. Bởi theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, cho vay ở lĩnh vực này có độ an toàn rất cao, trên 90%. Thế tại sao lại phải khống chế những khoản cho vay an toàn như vậy? Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, với hoạt động cho vay này, bản thân họ nhận thấy, đây là một nghiệp vụ nhiều rủi ro nhưng có thể tự kiểm soát được. Thậm chí, tỷ lệ cho vay có lên đến 10 - 15% cũng không quá lo ngại vì ngân hàng đã nắm đằng cán. Thực tế, từ trước đến nay không xảy ra trường hợp nào phải phát mãi CP cầm cố của khách hàng để thu hồi nợ. Vậy tại sao phải khống chế đến mức ngặt nghèo như trên? Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, đề nghị NHNN có thể đưa ra một hệ số rủi ro trong hoạt động cho vay này và các ngân hàng thương mại sẽ tự liệu.

Theo ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc  NHTMCP Á châu (ACB), ACB sẽ thực hiện theo hướng dẫn của NHNN về việc khống chế dư nợ cho vay kinh doanh CK dưới 3% tổng dư nợ, nhưng để thực hiện theo lộ trình từ đây đến cuối năm là một thách thức cho các NH. Thực tế trong hướng dẫn, NHNN vẫn khống chế dư nợ cho vay CK có đảm bảo bằng tài sản khác, chiết khấu giấy tờ có giá đối với khách hàng sử dụng số tiền chiết khấu để mua CK… Như vậy, dù NH cho khách hàng thế chấp bất động sản hay trái phiếu… để đầu tư kinh doanh CK vẫn phải tính trong mức khống chế dư nợ dưới 3%. Đây là điều khó khăn cho các NH. Thực hiện theo chủ trương của NHNN, đến nay ACB đã ngưng hẳn việc cho vay để kinh doanh CK cho dù thế chấp bằng tài sản gì đi nữa. Việc này đã gặp phải sự phàn nàn của nhiều khách hàng, trước đó NH đã cấp cho khách hàng một hạn mức tín dụng. Nay NH thu hồi nợ và không cấp hạn mức tiếp nên NH rất khó giải thích để khách hàng thông cảm, làm mất chữ “tín” trong hoạt động ngân hàng.

TS. Hồ Diệu, Phó hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP.HCM:  Nên siết chặt điều kiện vay hơn là khống chế.

Ngay từ đầu, NHNN đã không có chính sách quản lý việc này, để cho các NH cho vay thoải mái rồi lại đột ngột  đưa ra biện pháp khống chế nên dẫn đến nhiều tác động tích cực đến các chủ thể  tham gia thị trường. Có thể thấy Chỉ thị 03 làm cho nhiều nhà đầu tư trong nước không thể vay vốn được nữa, đành phải bán tháo cổ phiếu ra, trong khi  nhà đầu tư nước ngoài có điều kiện vay vốn nước ngoài, có cơ hội lớn để kinh doanh CK. Vô hình chung, chính sách của ta đang chuyển lợi ích của nhà đầu tư trong nước sang cho nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, Chỉ thị 03 chưa hẳn là “toa thuốc” an toàn cho hoạt động NH.

Hiện nay mua CK trên TTCK có 2 loại: nhà đầu tư mua vào bán ra kiếm lời ngắn hạn và nhà đầu tư CK dài hạn. Nếu khống chế tỷ lệ dư nợ cho vay kinh doanh CK và đưa ra lộ trình ngắn, buộc các NH phải thu hồi nợ, sẽ gây khó và không khuyến khích các nhà đầu tư kinh doanh CK dài hạn tham gia thị trường bằng vốn “mồi” của NH. Ngay từ đầu không quản lý thì nay muốn giảm tỷ lệ, NHNN phải có cơ sở tính toán hợp lý, không nên chốt ở tỷ lệ 3% cho vay CK, mà nên chấp nhận ở mức cao hơn, rồi từ đó xây dựng lộ trình giảm dần. Đặc biệt, cần đặt ra điều kiện cho vay CK chặt chẽ hơn là áp dụng một tỷ lệ khống chế mang nặng tính chất hành chính gây sốc thị trường. Mức cho vay kinh doanh CK hiện nay ở một số NH thương mại có cao nhưng chưa phải là mức có thể dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống NH. Ở cấp độ vĩ mô, chính sách quản lý nhà nước phải ổn định và không nên thay đổi liên tục, ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. Bởi lẽ trong nền kinh tế thị trường nếu nhà đầu tư - kinh doanh bị tác động tiêu cực bởi những chính sách quản lý của Nhà nước mà họ không dự đoán, biết trước thì không thể nào đầu tư kinh doanh một cách an toàn được.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó giám đốc NH TMCP Quốc tế: Cho vay 12 tháng, 6 tháng thu hồi?

Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 03 của NHNN vẫn đẩy các NH thương mại một “bài toán khó”. Chỉ trong vòng 6 tháng, NHNN buộc các NH cho vay vượt tỷ lệ dư nợ 3% phải giảm xuống theo quy định là quá siết chặt, vì có rất nhiều trường hợp NH cho vay kinh doanh CK có thời hạn từ 12 tháng trở lên. Không thể trong một thời gian ngắn (6 tháng) các NH có thể giảm xuống theo hướng dẫn được. Việc NH vẫn xác định áp dụng mức dư nợ dưới 3% đối với các khoản vay ứng tiền trước với khách hàng đã bán CK là không phù hợp và vô lý. Vì thực tế các nghiệp vụ cho vay CK ngày T, hay nghiệp vụ ứng tiền bán CK thực chất là một dịch vụ thanh toán, chứ không phải phục vụ cho mục đích đầu tư CK. Nhà đầu tư sau khi bán CK thành công, thay vì phải đợi 3-4 ngày mới nhận tiền thì NH ứng trước tiền bán cho nhà đầu tư. Chắc chắn số ứng trước ấy sẽ về tài khoản và trả nợ cho các NH nên rủi ro cho các NH gần như không có!

Các NH có sự tự chủ trong hoạt động kinh doanh và việc quản lý các NHNN để đảm bảo an toàn cho hệ thống là hoàn toàn phù hợp. Nhưng khi đưa ra một biện pháp quản lý, NHNN nên có sự trao đổi, bàn luận và lấy ý kiến phản biện từ xã hội, đồng thời phải để cho các NH một giai đoạn chuẩn bị, chứ không thể quyết định theo kiểu phát lệnh thực hiện tức thời! TTCK là thị trường quan trọng trong cấu trúc nền kinh tế và việc vận hành khung pháp lý phải có tính chất dài hạn. Không nên thay đổi đột biến gây tác động tiêu cực đến thị trường. Thực hiện Chỉ thị 03, các NH sẽ rất “đau đầu” trong việc tìm ra các giải pháp để vừa không gây “sốc” cho khách hàng, vừa tuân thủ theo lộ trình hướng dẫn của NHNN. Vì thực tế trong hoạt động kinh doanh, không NH nào muốn gây khó và dồn khách hàng vào “chân tường” cả.


SGGP

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 0 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 0 tỷ