30/7: Khớp lệnh liên tục sẽ không ‘‘trục trặc’’

(ĐTCK-online)Lần thứ 4, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM công bố việc thực hiện khớp lệnh liên tục, kể từ ngày 30/7/2007. Liệu lần công bố này có phải hoãn như 3 lần công bố trước đó và vì sao sàn TP. HCM lại áp dụng phương thức giao dịch mới trong khi thị trường đang có dấu hiệu suy giảm? Đó là những câu hỏi ĐTCK đặt ra với ông Lê Hải Trà, Phó giám đốc TTGDCK TP.HCM.
Ông Lê Hải Trà. Ông Lê Hải Trà.

Xin ông cho biết kế hoạch khớp lệnh liên tục được đưa ra lần này liệu có chắc chắn được thực hiện không và tính khả thi của kế hoạch này như thế nào?

Thực tế, từ ngày công bố việc khớp lệnh liên tục đến nay (bắt đầu vào 7/5/2007) TTGDCK TP.HCM chỉ nói là dự kiến thực hiện và chưa bao giờ khẳng định sẽ thực hiện vào một ngày cố định cả. Lý do là Trung tâm không có thẩm quyền quyết định sẽ thực hiện hay không, mà phải xin ý kiến từ các cơ quan cấp trên. Lần này, chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ càng và đã được sự chấp thuận của UBCKNN nên chắn chắn sẽ phải thực hiện đúng với ngày ấn định là 30/7. Hiện Trung tâm đã gửi công văn đến các CTCK yêu cầu chuẩn bị thực hiện cho kế hoạch trên. Khối CTCK đã có sự chuẩn bị về công nghệ, nhằm đáp ứng tốt việc khớp lệnh liên tục vào ngày 30/7 tới. Bên cạnh đó, Trung tâm đã hoàn chỉnh phần mềm hệ thống giao dịch, đường truyền kết nối với các CTCK, chuẩn bị nhân lực cũng như các phương án khắc phục sự cố tại CTCK nhằm đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư khi giao dịch liên tục.

 

Sức cầu đang có dấu hiệu sụt giảm sau tác động của nhiều yếu tố như Chỉ thị 03; nhận định thiếu tích cực của các tổ chức tài chính nước ngoài… Nhiều người cho rằng, nếu triển khai khớp lệnh liên tục vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến việc mua bán của nhà đầu tư, vì đây là một phương thức rất khó sử dụng. Quan điểm của ông như thế nào? 

Mục đích của việc khớp lệnh liên tục không gì khác hơn là đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư, nâng cao tính thanh khoản cho thị trường. Như vậy, nếu chúng ta triển khai kế hoạch khớp lệch liên tục, nhưng không đáp ứng được điều này thì có lẽ không nên làm. Có thể trong giai đoạn đầu nhà đầu tư còn chưa hiểu hết cũng như không quen với phương thức khớp lệnh liên tục. Tuy nhiên, Trung tâm sẽ duy trì cả hai phương thức khớp lệnh để những nhà đầu tư chưa tự tin sử dụng phương thức khớp lệnh liên tục có thể sử dụng khớp lệnh định kỳ. Khi nào phương thức giao dịch mới đi vào khuôn khổ, Trung tâm mới áp dụng lệnh thị trường (MP). Ngoài ra, Trung tâm cũng dời việc nâng lô từ 10 lên 100 cổ phiếu đến đầu năm 2008.

 

Nếu vậy, sau một thời gian khi nhà đầu tư đã quen với phương thức mới, Trung tâm có tính đến việc bỏ khớp lệnh định kỳ hay vẫn thực hiện song song 2 phương thức?

Vấn đề này cần phải được cân nhắc rất kỹ càng, vì tại nhiều TTCK phát triển hiện nay vẫn còn sử dụng phương thức khớp lệnh định kỳ. Theo thống kê, 2/3 số TTCK trên thế giới vẫn thực hiện phương thức khớp lệnh định kỳ song song với khớp lệnh liên tục. Vì vậy, theo tôi không nhất thiết phải bỏ luôn phương thức khớp lệnh định kỳ mà có thể rút ngắn thời gian khớp lệnh định kỳ lại. Chẳng hạn, hiện nay khớp lệnh định kỳ là 30 phút, nhưng trong thời gian tới sẽ rút xuống còn 15 phút.

 

TTGDCK TP. HCM đã nhiều lần đưa ra kế hoạch khớp lệnh liên tục, nhưng đều bị hoãn. Vậy có phải việc ấn định ngày thực hiện lần này nhằm mục đích hoàn thành kế hoạch trước khi Trung tâm chuyển thành Sở GDCK không, thưa ông?

Trung tâm đã dự định khai trương Sở GDCK vào 20/7, đúng vào ngày truyền thống của TTCK Việt Nam . Tuy nhiên, do ngày 20/7 trùng với ngày họp Quốc hội, nên chúng tôi phải hoãn lại. Do vậy, việc triển khai kế hoạch khớp lệnh của Trung tâm không phải vì mục đích trên.

Vân Linh thực hiện.
Vân Linh thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ