Chứng khoán xanh, chậm chân uống... nước đục

(ĐTCK) Xu hướng “xanh hóa” các sản phẩm chứng khoán đã và đang diễn ra trên thế giới, ngay tại khu vực ASEAN cũng không còn là chuyện xa lạ, càng không phải là hô hào khẩu hiệu hay phong trào. 
Sự phát triển của DN phải hài hòa với yếu tố môi trường và xã hội, là tiêu chí để hướng tới phát triển bền vững Sự phát triển của DN phải hài hòa với yếu tố môi trường và xã hội, là tiêu chí để hướng tới phát triển bền vững

Đó cũng không phải là cuộc chơi của các nước giàu, mà là hướng đi tất yếu. Giới chuyên gia cảnh báo, nếu TTCK Việt Nam chậm chân trong sân chơi này sẽ chịu “thiệt đơn, thiệt kép”.

Tương tự như TTCK truyền thống, việc “xanh hóa” TTCK, theo ông Lê Đức Chung, Chuyên gia Dự án Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cần hai yếu tố cốt lõi: kinh tế vĩ mô bền vững dựa trên tăng trưởng xanh và các hệ thống môi trường pháp lý đồng bộ cho sự ra đời và vận hành các sản phẩm chứng khoán xanh.

Ở yếu tố thứ nhất, đến nay, cơ sở pháp lý cũng như việc triển khai các dự án cụ thể hướng đến tăng trưởng xanh đang được thúc đẩy xuống các bộ, ngành, địa phương sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành hai văn bản quan trọng là: Quyết định 432/2012/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Quyết định 403/2014/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020. Hiện đầu tư của Chính phủ cho các chương trình và dự án tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu khoảng 1 tỷ USD/năm.

“Chúng ta thấm thía bài học mà nhiều nước trên thế giới đã rút ra là mô hình tăng trưởng trước, dọn dẹp sau là sai lầm, vì đợi đến khi nền kinh tế tăng trưởng đến một mức nào đó mới quay trở lại quan tâm đến yếu tố môi trường, thì đã quá muộn. Bởi lúc đó, môi trường đã bị phá hủy nghiêm trọng, nguồn tài nguyên cạn kiệt…”, ông Chung nói và cho rằng, điều đó càng thúc đẩy Việt Nam cần phải khẩn trương và thực chất hơn trong đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Làm việc này không quá phức tạp và tốn kém chi phí, vì bản chất chỉ là tái cơ cấu, dịch chuyển nguồn vốn đầu tư từ ngân sách vào các dự án thỏa mãn các yêu cầu phục vụ cho tăng trưởng kinh tế xanh. Từ nguồn vốn mồi của Nhà nước sẽ tạo sức lan tỏa, thu hút các nguồn vốn khác tham gia.

Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT là cơ quan đầu mối về tăng trưởng xanh, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xác định và phân bổ nguồn tài chính trong nước và điều phối các nguồn tài trợ của nước ngoài, cơ chế chính sách thúc đẩy thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.

Đặc biệt, tại Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng khung chính sách phân bổ và quản lý ngân sách quốc gia phục vụ thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh; xây dựng khung chính sách tài chính, bao gồm: thuế, phí, trợ giá, các quỹ, chế tài, các tiêu chí xanh, phát triển bền vững với DN niêm yết trên sàn chứng khoán liên quan tới thúc đẩy thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh.

Để hiện thực hóa định hướng trên, từ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, cũng như bối cảnh TTCK Việt Nam hiện tại, ông Chung cho rằng, trước mắt cần triển khai theo 3 hướng.

Đầu tiên, Sở GDCK phân bảng giao dịch cho các DN xanh, cổ phiếu xanh, để vừa khuyến khích các DN này tiếp tục phát triển bền vững, vừa thuận lợi cho Nhà nước áp dụng các cơ chế ưu đãi cho các DN này, qua đó lôi kéo ngày càng nhiều DN lên niêm yết trên bảng này, vừa giúp NĐT trong và ngoài nước tiện theo dõi, giao dịch các loại cổ phiếu xanh. Với bối cảnh hiện tại, cần tiến hành một số giải pháp, nhất là về mặt kỹ thuật, thì sẽ khả thi với việc phân bảng cổ phiếu xanh.

“Không nói đâu xa, nhiều nước trong ASEAN đã có bảng niêm yết riêng dành cho các cổ phiếu xanh và ngày càng thu hút NĐT, nhất là giới đầu tư nước ngoài mua, bán loại cổ phiếu này. Điều này đáp ứng khẩu vị đầu tư của giới đầu tư quốc tế, bởi họ ngày càng có nhu cầu cao trong đầu tư vào chứng khoán xanh. TTCK Việt Nam đang nỗ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nên việc sớm có bảng niêm yết chứng khoán xanh sẽ góp phần thu hút dòng vốn ngoại. Còn nếu chúng ta tiếp tục chậm chân, thì sẽ ‘thiệt đơn, thiệt kép’…”, ông Chung nhìn nhận.

Tiếp đến, UBCKNN, Bộ Tài chính cần thúc đẩy các Sở GDCK nghiên cứu xây dựng các bộ chỉ số xanh, làm cơ sở cho phát triển các sản phẩm chứng khoán xanh, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của NĐT, nhất là NĐT nước ngoài.

Bên cạnh đó, cũng cần sớm định hình các giải pháp, nhất là về mặt kỹ thuật để phát hành trái phiếu chính phủ xanh, nhằm tài trợ cho các dự án tăng trưởng xanh. Để sản phẩm này “đắt hàng”, trong thời gian đầu, cần có cơ chế ưu đãi về giá bán cho NĐT sơ cấp đi liền với ưu đãi về thuế, phí đối với các giao dịch trên thị trường thứ cấp, qua đó tăng thanh khoản và sức hấp dẫn cho loại sản phẩm này.                 

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục