Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) 338 tỷ đồng, lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) hơn 79 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 127% và 86%. Mảng môi giới đóng góp doanh thu 182 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ.
Lãi cho vay và các khoản phải thu cũng đóng góp tỷ trọng lớn, hơn 180 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý I/2024, tổng dư nợ cho vay của Vietcap đạt 8.573 tỷ đồng, tăng hơn 570 tỷ so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay ký quỹ đạt 8.419 tỷ đồng, vượt đỉnh gần 7.800 tỷ đồng vào 2 năm trước (quý I/2022, khi VN-Index quanh 1.500 điểm).
Chi phí hoạt động tăng 58% so với quý I/2023, lên 370 tỷ đồng. Trong đó, lỗ từ FVTPL tăng 76%, lên 169 tỷ đồng; chi phí môi giới gấp đôi lên 167 tỷ đồng. Chi phí tài chính và chi phí quản lý công ty tăng lần lượt 15% và 13%.
Kết quả, Vietcap báo lãi trước thuế 227,5 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 198 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước.
Năm nay, Vietcap đặt mục tiêu đạt 2.511 tỷ doanh thu và 700 tỷ lợi nhuận trước thuế. Như vậy sau quý đầu năm, Vietcap đã hoàn thành 32% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.
Công ty giải trình kết quả đi lên chủ yếu nhờ thị trường chứng khoán diễn biến tích cực hơn, Vietcap đã thực hiện hóa một số khoản đầu tư, doanh thu bán tài sản FVTPL tăng (thu lãi ròng 169 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ); đồng thời doanh thu môi giới tăng.
Điều này có thể được đóng góp phần lớn từ việc gia tăng thị phần trong quý I/2024 của Vietcap.
Theo công bố của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), thị phần môi giới quý I/2024 Vietcap ghi nhận tăng mạnh từ mức 4,47% năm 2023 lên 5,57%. Con số này giúp Vietcap vượt qua Mirae Asset và MBS để thăng hạng thêm 2 bậc, lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng Top 10.
Vietcap trên thị trường vốn được biết đến là công ty chứng khoán top 1 về thị phần khách hàng tổ chức và trong quý I vừa qua, Vietcap tiếp tục có sự gia tăng mạnh về thị phần khối này.
Ở mảng khách hàng cá nhân, năm 2024, Vietcap sẽ tiếp tục tập trung phát triển lĩnh vực môi giới bán lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, trong đó tập trung phát triển chất lượng dịch vụ phục vụ cho khách hàng nhiều hơn là chiến lược hạ giá phí.
Công ty tiếp tục đầu tư vào công nghệ bằng việc mở rộng số lượng nhân sự ở bộ phận phát triển sản phẩm, đổi mới sáng tạo, đầu tư vào hạ tầng công nghệ; đồng thời gia tăng việc đào tạo nhân viên môi giới, tăng các kênh phân phối.
Công ty đặt mục tiêu đến cuối năm nay lấy lại vị trí trong top 5 thị phần môi giới cổ phiếu.
Ông Tô Hải, Tổng giám đốc Vietcap chia sẻ trong ĐHCĐ hồi đầu tháng 4 vừa qua, công ty đã đầu tư rất nhiều cho hệ thống, góp phần đưa thị phần cải thiện và kỳ vọng sẽ quay trở lại Top 5 thị phần môi giới cuối năm nay và Top 3 vào năm 2025.
Về câu chuyện “zero fee”, ông Hải nhấn mạnh cần xác định lợi thế cạnh tranh của Công ty, và chỉ có một cách duy nhất là tăng chất lượng dịch vụ. Nếu zero fee để lấy lại từ margin thì lợi thế cạnh tranh sẽ không nhiều vì vốn ngoại cho vay lãi suất rẻ hơn chúng ta nhiều. Theo đuổi zero fee thì Công ty sẽ không có lợi thế cạnh tranh và cũng không thu được lợi nhuận. Vietcap vẫn chưa nghĩ tới zero fee.
Quay lại với báo cáo tài chính của Vietcap, tại thời điểm cuối quý I/2024, danh mục tự doanh Vietcap tăng đáng kể. Giá trị thị trường FVTPL gấp 6,7 lần đầu năm đạt 839 tỷ đồng, bao gồm 413 tỷ đồng chứng khoán niêm yết, phát sinh thêm 426 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết.
Với danh mục AFS, giá trị thị trường đạt 7.687 tỷ đồng, so với giá mua, danh mục này đang ước lãi 56%, tương đương với 2.770 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất đến từ khoản đầu tư chiến lược IDP (ước lãi gần 1.800 tỷ đồng). Hầu hết các khoản đầu tư cổ phiếu tại AFS đều đang lãi, gồm KDH, PNJ, MSN, MBB, STB, TDM...