Chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn quỹ ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự xuất hiện của quỹ đầu tư mới đến từ Thái Lan cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn này vẫn hấp dẫn trong mắt quỹ ngoại.
Khối ngoại đang trở lại mua ròng khi thị trường xác lập xu hướng tích cực. Khối ngoại đang trở lại mua ròng khi thị trường xác lập xu hướng tích cực.

Quỹ mới khai phá “miền đất hứa”

Quỹ Bualuang Vietnam Equity Fund (B-VIETNAM) của Thái Lan đã hoàn tất chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu (IPO) và chính thức niêm yết chứng chỉ quỹ từ ngày 25/10/2021. Số vốn quỹ này huy động được xấp xỉ 1,8 triệu Baht, tương đương hơn 1.192 tỷ đồng.

Mục tiêu của Quỹ là tập trung đầu tư vào các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như các công ty hưởng lợi hoặc vận hành dựa trên sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

So với giá trị giao dịch thị trường từ 20.000 - 30.000 tỷ đồng mỗi phiên, hay quy mô của quỹ đầu tư mới giải ngân trên thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây là Fubon FTSE Vietnam ETF (Đài Loan, Trung Quốc) là gần 11.000 tỷ đồng thì quy mô của Quỹ Bualuang Vietnam Equity Fund không lớn.

Sự xuất hiện của quỹ đầu tư đến từ xứ sở Chùa Vàng tác động tích cực đến tâm lý thị trường.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của quỹ đầu tư đến từ xứ sở Chùa Vàng đang tác động tích cực đến tâm lý thị trường. Bởi B- VIETNAM là quỹ do Bualuang - công ty nằm trong Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất Thái Lan - thành lập.

Bualuang chính là công ty chứng khoán phân phối chứng chỉ quỹ E1VFVN30 dưới dạng chứng chỉ lưu ký niêm yết trên thị trường chứng khoán Thái Lan. Họ cũng cung cấp các bản tin về chỉ số VN30 bằng tiếng Thái. Sau sự thành công của chứng chỉ lưu ký E1VFVN30, nhà đầu tư Thái Lan rất quan tâm đến chứng khoán Việt Nam, chỉ đứng sau Hàn Quốc và Trung Quốc.

Các quỹ đầu tư Thái Lan cũng là nhóm ghi nhận mức sinh lời vượt trội so với mức tăng trưởng của thị trường chung. Trong đó, Quỹ PRINCIPAL VNEQ-A (Principal Vietnam Equity Fund) ghi nhận mức tăng trưởng NAV khoảng 50% từ đầu năm tới nay và là quỹ có hiệu suất đầu tư tốt nhất trong nhóm quỹ Thái Lan được thống kê. Quy mô danh mục của Quỹ hiện vào khoảng 6,16 tỷ Bath (4.225 tỷ đồng) và là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất đến từ Thái Lan đang hiện diện tại Việt Nam.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng nhận xét, xu hướng của nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ ngoại hiện nay vẫn đang là bán ròng, kể cả các quỹ ETFs, dù mức độ bán ròng có sự giảm đi.

Nhưng bên cạnh những tổ chức bán ra thì vẫn có những tổ chức mua vào và dòng tiền từ các tổ chức mới như B-VIETNAM để đón đầu cơ hội phục hồi của nền kinh tế trong thời gian tới. Quy mô Quỹ B-VIETNAM, theo ông Khánh, có thể có kỳ vọng sẽ tương đương với quy mô chứng chỉ lưu ký E1VFVN30 (hiện khoảng 200 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương hơn 4.000 tỷ đồng).

Chứng chỉ lưu ký là một loại chứng khoán có thể chuyển nhượng, được giao dịch trên sàn chứng khoán của nước sở tại nhưng đại diện cho một chứng khoán khác được phát hành bởi một công ty đại chúng đang niêm yết ở một quốc gia khác.

Loại chứng khoán này chịu rủi ro về tỷ giá khi đồng tiền của nước sở tại tăng giá so với đồng tiền tại quốc gia mà chứng khoán được chứng chỉ lưu ký đại diện đang niêm yết. Chứng chỉ lưu ký có giá trị đầu tư dài hạn, bởi nó đầu tư vào các cổ phiếu vốn hóa lớn thông qua một ETF và nhà đầu tư Thái Lan.

Điểm thuận lợi để kéo dòng tiền của nhà đầu tư Thái Lan chảy vào thị trường chứng khoán mạnh hơn và thuận lợi hơn khi thủ tục mở tài khoản nay đã dễ dàng hơn nhiều so với trước. Trong khi sản phẩm ETF cũng đang được nhìn nhận là một trong những kênh đầu tư có sức hút tốt nhất trong vài năm trở lại đây khi các quỹ đầu tư truyền thống không còn hiệu quả.

Kỳ vọng khối ngoại mua ròng trở lại

Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2021, khối ngoại bán ròng 41.077 tỷ đồng, gấp 17 lần so với cùng kỳ năm ngoái (2.334 tỷ đồng) và cao gấp 2,6 lần so với cả năm 2020 (15.740 tỷ đồng). Các quỹ ETF ngoại tiếp tục bị rút ròng trong tháng 9 với tổng giá trị là 2.174 tỷ đồng.

Sang tháng 10/2021, dù khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng nhưng giá trị đã giảm. Đặc biệt, trong phiên 27/10, khi chỉ số VN-Index chính thức vượt xa mốc 1.400 điểm sau thời gian dài giằng co, khối ngoại đã ngắt mạch chuỗi ngày bán ròng liên tiếp với việc mua ròng 151,88 tỷ đồng trên HOSE và 14,31 tỷ đồng trên UPCoM, trong khi chỉ bán ròng hơn 43 tỷ đồng trên HNX.

Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoán Everest (EVS) cho rằng, những thông tin xấu nhất với thị trường chứng khoán đã không còn và sau nhiều ngày tích lũy, thị trường chứng khoán đang dần hồi phục trở lại để xác lập vị thế mới.

Trong quý IV/2021, thông tin các quỹ đầu tư đổ vào Việt Nam hay việc khối ngoại quay trở lại mua ròng sau chuỗi ngày bán ròng đang là những tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, tại mỗi lần thị trường xác lập đỉnh thì thường có những chuyển động khá mạnh sau đó. Để thị trường duy trì được đà tăng bền vững thì từ nay đến cuối năm, cần lực đẩy từ các gói kích thích kinh tế cũng như thúc đẩy đầu tư công.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm, nhằm đạt ít nhất 95% so với kế hoạch năm 2021 là 461.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi.

Thực tế, dù là khối nội hay khối ngoại tham gia thị trường cũng đều vì mục tiêu lợi nhuận. Giải mã cho hiện tượng bán ròng mạnh 9 tháng đầu năm 2021, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, đây là xu hướng chung của các thị trường trên thế giới.

Trong biên bản cuộc họp mới nhất, Fed bắt đầu để ngỏ khả năng siết chặt các chính sách tiền tệ để tránh ảnh hưởng của lạm phát, khiến đồng USD có xu hướng mạnh lên đồng thời gây tác động tiêu cực tới hệ thống tiền tệ toàn cầu.

Yếu tố này có thể thúc đẩy xu hướng bán ròng của các quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán (bao gồm cả Việt Nam) để trở về Mỹ. Nhưng thực tế là, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực hơn từ tháng 10/2021.

Các nhà đầu tư ngoại hành động luôn có chiến lược. Nhóm cổ phiếu ngân hàng bị khối này bán mạnh trong tháng 8, 9, bởi đây là nhóm đã tăng mạnh trong những tháng đầu năm vốn phản ánh đáng kể triển vọng kinh doanh vào thị giá.

Khi thị trường đã ổn định, giá cổ phiếu ngân hàng về vùng hợp lý, khối này đã tăng cường mua lại, đặc biệt tập trung vào một số mã như STB, MBB…

Hành động mua bán của khối ngoại liên quan đến nhiều yếu tố, có thể bắt nguồn từ thay đổi đánh giá về triển vọng từng của nhà đầu tư nước ngoài hoặc xuất phát từ việc thay đổi về huy động và phân bổ dòng vốn.

Ở thời điểm hiện tại, khối ngoại cũng đã có những đánh giá lại triển vọng phục hồi của nền kinh tế trong quý IV/2021 tại Việt Nam nên lựa chọn phân bổ cũng như tích luỹ cổ phiếu trở lại trước khi thị trường đón nhận những dấu hiệu rõ ràng và chắc chắn hơn cho việc hồi phục sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục