Tại buổi toạ đàm, ông Trần Đắc Sinh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biêt, thị trường chứng khoán sau 17 năm đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Đầu tháng 7/2017, VN-Index đạt đỉnh trong 9 năm gần đây.
Trái ngược động thái bán ròng vào cuối năm 2016, 6 tháng đầu 2017, khối ngoại mua ròng với mức kỷ lục trên 9.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc thị trường chứng khoán phái sinh sắp đi vào vận hành cũng mang đến một sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo về sự hưng phấn của các nhà đầu tư, nhà quản lý.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho biết: "Nhìn nhận về bối cảnh chung của thị trường chứng khoán tôi thấy không nên quá lạc quan. Dù có khởi sắc, vốn hóa của thị trường lên đến trên 50% GDP (hơn 100 tỷ USD), nhưng đằng sau sự tăng trưởng, những cái nhìn lạc quan, cũng cần nhìn nhận là sự ổn định của thị trường chứng khoán chưa chắc chắn, khối ngoại vẫn cầm trịch, nếu có nhiều biến động và khối ngoại rút vốn số lượng lớn thì thị trường chứng khoán sẽ bị biến động mạnh".
Ông Hiếu cũng cảnh báo, nếu đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7% thì tăng trưởng tín dụng nên khoảng 17 – 18%. Con số này là khá cao, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng nên tăng 20%. Như vậy dễ dẫn dến dư thừa trong lĩnh vực chứng khoán và bất động sản, dễ xảy ra bong bóng.
Đồng tình với quan điểm không nên quá lạc quan trước diễn biến của thị trường, ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định: “Thị trường chứng khoán tăng lên mức đỉnh hơn 9 năm, nhưng nền kinh tế lại đang tăng trưởng thấp nhất, có vẻ rất ngược so với quy luật phát triển chung của kinh tế. Chúng ta cần tỉnh táo nhìn nhận để xem liệu thị trường có tăng ảo? Tôi cũng cho rằng, chứng khoán Việt Nam tăng trưởng nhanh còn phụ thuộc vào khối ngoại”.