Chứng khoán tuổi 15 và những kế hoạch đầy tham vọng

(ĐTCK) Chính thức khai trương vào ngày 20/7/2000 và mở cửa phiên giao dịch đầu tiên tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM vào ngày 28/7/2000, sau 14 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, với quy mô vốn hóa gần 55 tỷ USD và số vốn huy động qua toàn TTCK lên tới 1,7 triệu tỷ đồng.
Chứng khoán tuổi 15 và những kế hoạch đầy tham vọng
Lễ kỷ niệm sinh nhật TTCK 14 tuổi và trao giải Báo cáo thường niên tốt nhất sẽ được tổ chức trang trọng tại Sở GDCK TP. HCM ngày 26/7 với sự có mặt của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBCK và nhiều thành viên thị trường.

“14 năm, TTCK hoạt động trong bối cảnh các yếu tố thị trường còn rất sơ khai, nền kinh tế phải vượt qua sự tác động của 2 cuộc khủng hoảng lớn trên thế giới, nhưng thị trường vẫn phát triển an toàn, đạt được những thành tựu hết sức quan trọng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời phỏng vấn Báo ĐTCK.

Dù được ghi nhận có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng trong lòng thị trường, không ít ý kiến cho rằng, nền chứng khoán Việt cần phải bước nhanh hơn mới có sức cạnh tranh với các TTCK khu vực.

55 tỷ USD vốn hóa thị trường, so với quy mô thị trường ngày đầu tiên chỉ có 2 cổ phiếu niêm yết (REE và SAM), là sự phát triển vượt bậc. Nhưng so với quy mô các TTCK lân cận, Việt Nam hiện xếp hàng cuối cùng. Thái Lan có quy mô vốn hóa khoảng 500 tỷ USD, Indonesia khoảng 430 tỷ USD, còn Philippines cũng lên tới gần 200 tỷ USD.

Bên cạnh đó, thanh khoản TTCK Việt Nam tuy đã đạt trên 2.000 tỷ đồng/phiên, nhưng vẫn còn quá nhỏ so với dòng chảy vốn trên các TTCK quốc tế. Không phải vô tình, Chủ tịch HOSE Trần Đắc Sinh chia sẻ với ĐTCK về nỗi “sốt ruột” của ông với TTCK Việt Nam.

Thực tế hoạt động của các TTCK lớn cho thấy, các tổ chức đầu tư quốc tế chỉ quan tâm và đầu tư vào những thị trường có quy mô vốn hóa lớn và giá trị giao dịch trung bình từ 1 tỷ USD trở lên. So với yêu cầu này, TTCK Việt Nam còn một khoảng cách dài mới có thể đạt được.

Không chỉ HOSE “sốt ruột” với TTCK Việt Nam, bởi bên cạnh những con số nổi bật 14 năm, trong lòng thị trường còn nhiều điểm cần hoàn thiện. 98% nhà đầu tư chứng khoán vẫn là các cá nhân; chất lượng quản trị của c ác DN niêm yết nhìn chung còn yếu; các sản phẩm đầu tư trên thị trường còn thô sơ, đơn điệu; 50% các tổ chức tài chính trung gian (CTCK, công ty quản lý quỹ) chưa xác lập được vị thế trên thương trường… Dù đạt được nhiều thành quả quan trọng, nhưng con đường sắp tới của TTCK cần nhiều nỗ lực mới có thể bứt phá.

Bước sang tuổi 15, những giải pháp quan trọng mà ngành chứng khoán đang nỗ lực thực hiện là nâng hạng TTCK Việt Nam trên trường quốc tế, mở cửa TTCK phái sinh, hợp nhất Sở GDCK và phát triển các sản phẩm đầu tư mới. Điểm tựa cho bước đi tiếp theo của TTCK là sự quan tâm ngày càng lớn của công chúng đầu tư và vai trò của TTCK ngày càng được nhận diện rõ nét trong nền kinh tế thị trường.

Người quan sát

Tin cùng chuyên mục