Chứng khoán tuần mới: Bước vào nhịp tăng mới

(ĐTCK) Nhiều công ty chứng khoán đang tin tưởng vào thị trường sẽ bước vào một nhịp tăng mới khi tâm lý nhà đầu tư đã được cải thiện hơn và dòng vốn ngoại cũng đã quay trở lại với những phiên mua ròng khá mạnh.
Chứng khoán tuần mới: Bước vào nhịp tăng mới

Diễn biến giao dịch chứng khoán tuần qua:

Trên sàn HOSE, có 2 phiên giảm điểm và 3 phiên giảm điểm . Tính chung cả tuần, VN-Index tăng 9,33 điểm, tương đương tăng 1,61%, chốt tuần ở mức 600,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 109,97 triệu đơn vị/phiên, tăng 6,57% so với tuần trước và tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 1.873,9  tỷ đồng, giảm nhẹ 1,21% so với tuần trước.

Giao dịch trên HOSE trong tuần qua

Ngày

VN-INDEX

Thay đổi

Khối lượng GD

Giá trị GD

31/10

600,84

+11,70(+1,99%)

132.329.205

2.316.830

30/10

589,14

-2,06(-0,35%)

96.454.830

1.596.920

29/10

591,20

+8,07(+1,38%)

100.309.342

1.769.050

28/10

583,13

+2,33(+0,40%)

116.563.475

1.932.200

27/10

580,80

-10,71(-1,81%)

104.193.902

1.754.490

Tổng

+9,33(+1,61%)

549.850.754

9.369.490

Trong khi đó, trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index chỉ có duy nhất 1 phiên giảm vào đầu tuần ngày 27/10 và 4 phiên tăng liên tiếp. Kết thúc tuần, HNX-Index tăng 0,99 điểm, tương ứng tăng 1,21% đứng ở mức 88,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 51,42 triệu đơn vị/phiên và tổng giá trị đạt 725,11 tỷ đồng, lần lượt giảm 12,51% về lượng và 8,26% về giá trị so với tuần trước.

Giao dịch trên HNX trong tuần qua

Ngày

HNX-INDEX

Thay đổi

Khối lượng GD

Giá trị GD

31/10

88,03

+1,24(+1,43%)

49.494.705

776.400

30/10

86,79

+0,20(+0,23%)

50.202.486

705.030

29/10

86,60

+1,32(+1,55%)

46.402.872

707.190

28/10

85,27

+0,90(+1,07%)

52.377.383

655.920

27/10

84,38

-2,67(-3,07%)

58.629.605

780.990

Tổng

257.107.051

3.625.530

Nhà đầu tư nước ngoài tuần qua đã quay lại trạng thái mua ròng khá mạnh với những phiên rót ròng hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, khối vẫn duy trì trạng thái thận trọng với lượng mua-bán tiếp tục cầm chừng và danh mục giao dịch khá dàn trải, không tập trung giao dịch mạnh vào cổ phiếu nào.

Tính chung tuần qua, trên cả hai sàn, khối ngoại đã mua ròng 10,9 triệu đơn vị, gấp hơn 5,7 lần so với tuần trước đó. Tổng giá trị mua ròng tương ứng 349,01 tỷ đồng, trong khi tuần trước bán ròng 33,4 tỷ đồng.

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên 2 sàn trong tuần

Ngày

Khối lượng

Giá trị (tr.đồng)

Mua

bán

Mua-Bán

Mua

Bán

Mua-Bán

31/10

10.936.950

6.961.260

3.975.690

303.330

188.430

114.900

30/10

7.068.888

3.111.790

3.957.098

190.010

70.930

119.080

29/10

8.244.530

3.787.060

4.457.470

213.130

111.530

101.600

28/10

5.574.780

5.878.320

-303.540

155.320

118.090

37.230

27/10

4.417.622

5.600.337

-1.182.715

188.380

212.180

-23.800

Tổng

36.242.770

25.338.767

10.904.003

1.050.170

701.160

349.010

Trong đó, khối này mua vào 36,24 triệu đơn vị, trị giá 1.050,17 tỷ đồng và bán ra 25,34 triệu đơn vị, trị giá 701,16 tỷ đồng.

Nhận định của công ty chứng khoán

VN-Index tăng vượt kháng cự 610 điểm

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Phiên cuối tuần trước ngày 31/10 là “bước ngoặt” quan trọng khi tâm lý nhà đầu tư có sự cải thiện trở lại khá rõ rệt. Nếu VN-Index tiếp tục tăng vượt kháng cự 610 trong tuần sau đi kèm với thanh khoản tiếp tục mở rộng, sẽ là xác nhận cho việc đường giá quay lại xu hướng tăng ngắn hạn. NĐT có thể xem xét gia tăng trở lại một phần tỷ trọng cp nắm giữ.

Các chỉ số đang có cơ hội vượt vùng đỉnh

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Thị trường trải qua một tuần giao dịch đầy biến động khi chỉ số VnIndex lao dốc mạnh trong phiên đầu tuần nhưng đã có chiều hướng hồi phục tương đối tích cực về cuối tuần. Đà tăng giá diễn ra ở hầu hết các nhóm cổ phiếu, nhưng tập trung chủ yếu vào nhóm bluechips và midcap. Tuy vậy, thanh khoản thị trường trong cả tuần nhìn chung ở mức khá thấp, cho thấy sự thận trọng vẫn đang bao trùm tâm lý nhà đầu tư.

Ảnh hưởng từ vụ việc liên quan đến OGC đã dần giảm bớt tác động tới diễn biến thị trường trong tuần qua. Thay vào đó, thị trường sớm nhận được sự hỗ trợ từ thông tin cắt giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng và trần cho vay ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên. Mặc dù theo chúng tôi đánh giá, ảnh hưởng tích cực của thông tin trên đối với diễn biến kinh tế vĩ mô không quá lớn tại thời điểm hiện tại nhưng trong bối cảnh chỉ số VnIndex có biến động lớn sau vụ việc OGC thì tin giảm lãi suất đã có sự hỗ trợ nhất định về mặt tâm lý cho nhà đầu tư.

Tuy rủi ro tiếp tục điều chỉnh vẫn chưa hoàn toàn được loại bỏ nhưng cả hai chỉ số đang có cơ hội vượt vùng đỉnh ngắn hạn cách đây hai tuần. Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì danh mục trung hạn và tăng cường trading cho danh mục ngắn hạn với tỷ lệ cổ phiếu cho danh mục tổng thể ở mức 50-70%.

Phiên giảm là cần thiết

CTCK FPT (FPTS)

Rõ ràng tâm lý thận trọng là lực cản chính trong diễn biến thị trường tuần qua. Sau thông tin về hạ trần lãi suất huy động, đã dấy lên kỳ vọng hạ thêm lãi suất cho vay và điều này có tác động hỗ trợ tâm lý một cách tích cực. Sự quay lại của nhóm ngoại đang mạnh dần lên và điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đợt hồi phục này. Nhà đầu tư có thể giải ngân dần theo nếu tín hiệu này tiếp tục duy trì.

Thị trường trong tuần tới vẫn có khả năng xuất hiện những phiên giảm nhưng là cần thiết để thử thách lực cầu và xác định hiện tượng mua ròng của nhà đầu tư ngoại có trở thành xu hướng và tạo sự bền vững cho đợt phục hồi hiện tại hay không.

Thị trường sẽ tiếp tục giao dịch tích lũy

CTCK MB (MBS)

Tuần tới, các chỉ số sẽ chính thức kiểm nghiệm các mốc kháng cự 603 điểm trên HOSE và 88,5 điểm trên HNX trong các phiên đầu tuần, thị trường cần tiếp tục duy trì trạng thái tăng điểm và thanh khoản củng cố để xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn và vượt kháng cự, trong trường hợp ngược lại thì rõ ràng kênh giảm vẫn chưa thực sự kết thúc.

Chúng tôi nghiêng về khả năng thị trường sẽ tiếp tục giao dịch tích lũy tại vùng điểm hiện nay, trong kịch bản đó thì các hoạt động mua đuổi giá cao là không cần thiết, các hoạt động mua vào nên được cân nhắc khi thị trường điều chỉnh trong phiên, nhóm cổ phiếu đáng chú ý là những cổ phiếu bluechip trong nhóm VN30, HNX30 đã giảm khá thời gian vừa qua và dự báo kết quả kinh doanh quý 3 tốt.

Áp lực chốt lời gia tăng

CTCK Sài Gòn (SSI)

Áp lực chốt lời sẽ mạnh lên trong những phiên đầu tuần sau trong khi lực cầu của NĐTNN vào thị trường nói chung và dòng ngân hàng nói riêng vẫn là ẩn số. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tự tin vào xu hướng dài hạn nhờ chi phí đầu vào của nền kinh tế đang có xu hướng giảm.

Dòng tiền khá lớn vẫn đứng ngoài quan sát

CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS)

Thị trường có tuần tăng điểm khá tốt sau những biến động tiêu cực liên quan tới các thông tin của OGC trong tuần trước đó. Các thông tin vĩ mô tích cực cả trong và ngoài nước được đưa ra cùng những thông tin liên quan tới kết quả kinh doanh tích cực của những doanh nghiệp đầu ngành trên sàn dần được hé lộ là những yếu tố hỗ trợ rất tốt cho thị trường trong tuần qua.

Tuy nhiên, thanh khoản không có sự cải thiện cùng nhịp tăng toàn thị trường cho thấy vẫn còn một lượng tiền khá lớn tiếp tục quyết định đứng ngoài do lo ngại rủi ro. Điều này cần tiếp tục được kiểm chứng trong các phiên giao dịch đầu tuần tới để khẳng định thị trường đã xác lập đáy và tiếp tục xu hướng tăng trưởng.

Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục tiến hành giải ngân các mã có triển vọng tốt về kết quả kinh doanh tại các phiên điều chỉnh xen kẽ của thị trường. Nhóm ngành triển vọng được chúng tôi khuyến nghị bao gồm: Bất động sản, VLXD, Dầu khí và chứng khoán.

Thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh để tích lũy

CTCK BIDV (BSC)

Thị trường diễn biến khá tích cực trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10. Đà tăng được duy trì trên diện rộng; chúng tôi nhận thấy có 337 cổ phiếu tăng giá trên cả hai sàn. Khối lượng giao dịch đã được cải thiện khá tốt, nhiều cổ phiếu cơ bản đã tăng giá đi kèm với tăng khối lượng trong phiên hôm nay như VCB, HVG, SSI hay HPG.

Rõ ràng, như đã đề cập, trạng thái của thị trường đã ổn định hơn sau khi khối ngoại tích cực quay trở lại mua ròng 3 phiên liên tiếp. Các mã vốn hóa lớn được họ mua nhiều, điều đó đã tác động tích cực đến các chỉ số VN-Index và HNX-Index. Nhìn chung, trong bối cảnh không có nhiều thông tin tích cực hỗ trợ, động thái mua ròng từ khối ngoại đang có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường.

Về mặt kĩ thuật, mặc dù đang duy trì đà tăng, các chỉ số nói chung và hầu hết các cổ phiếu dẫn dắt lại chưa tạo được nền tảng tin cậy khi (1) thời gian tích lũy chưa đủ dài và (2) dao động của chúng lỏng lẻo, chưa chặt chẽ. Do đó, không loại trừ khả năng thị trường sắp tới sẽ có nhịp điều chỉnh để kéo dài thêm thời gian tích lũy trước khi xác nhận bùng nổ.

Khuyến nghị đầu tư: Nhà đầu tư ưa mạo hiểm nên tận dụng những phiên tăng như hôm nay để chốt lời, đồng thời chờ mua tại những nhịp giảm điểm sắp tới. Nhà đầu tư giữ quan điểm thận trọng thì tiếp tục nắm giữ danh mục các cổ phiếu cơ bản, chờ giải ngân thêm ở những điểm mua tin cậy hơn.

Đà phục hồi chưa bền vững

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Thanh khoản trong tuần cuối tháng 10/2014 khiến chúng tôi liên tưởng đến thời điểm này của năm trước. Khi tâm lý giao dịch của NĐT vẫn khá thận trọng, khối ngoại giao dịch dè dặt và thanh khoản ở mức thấp so với mặt bằng các tháng trước. Tuy vậy, tổng kết một số chỉ tiêu cơ bản của thị trường thì tháng 10/2014 lại có một bức tranh kém tích cực hơn.

Vào thời điểm này năm trước, tháng 10 là một tháng tích lũy để hình thành nên một xu hướng tăng điểm liên tục 5 tháng sau đó. Tuy nhiên, cả thanh khoản và giao dịch của khối ngoại có vẻ đang không ủng hộ cho kịch bản tương tự năm 2013.

Dù vậy, chúng tôi đang kỳ vọng sẽ có một kịch bản tích lũy trong tháng 11 nếu (1) NĐT nước ngoài ngừng bán ròng sau 3 tháng liên tiếp, lập luận này được ủng hộ thông qua việc khối ngoại đã quay lại mua ròng trong 6 phiên gần nhất; (2) vĩ mô ổn định tạo nền tảng để các doanh nghiệp tự tin đặt kế hoạch kinh doanh cho năm 2015; (3) sự kiện liên quan đến ông Hà Văn Thắm được làm rõ và tâm lý NĐT ổn định trở lại. Hôm nay, phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, các chỉ số đã bật tăng mạnh và VNIndex một lần nữa đã quay trở lại ngưỡng tâm lý 600 điểm. Thanh khoản tăng mạnh và khối ngoại mua ròng đang là yếu tố ủng hộ những giả định nêu trên.

Hai sàn tăng điểm tích cực nhưng khối lượng giao dịch chỉ có sự cải thiện nhẹ cho thấy dòng tiền tham gia chỉ ở mức tham dò khiến đà hồi phục chưa bền vững. Bên cạnh đó, thị trường cũng đang tiếp cận ngưỡng kháng cực nên nhà đầu tư tiếp tục theo dõi thêm tín hiệu của thị trường.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục