Chứng khoán Trường Sơn bị tố lừa tiền khách hàng

(ĐTCK) CTCK Trường Sơn (TSS) vừa bị 2 NĐT tố cáo là giả mạo chữ ký NĐT và lừa đảo khoản tiền hơn 4 tỷ đồng.
Chứng khoán Trường Sơn bị tố lừa tiền khách hàng

Liên quan đến việc NĐT Trần Thị Vượng bị CTCK Trường Sơn (TSS) phong tỏa tài khoản, mới đây, ông Khúc Xuyền - chồng bà Vượng đã có đơn tố cáo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về việc TSS giả mạo chữ ký của ông.

Theo đó, ông Xuyền khẳng định, ông không ký hợp đồng hợp tác đầu tư, các hợp đồng bảo lãnh động sản; TSS đã giả mạo chữ ký của ông để chiếm đoạt tài sản của bà Vượng, vợ ông.

Bên cạnh đó, bà Vượng tiếp tục gửi đơn tới Bộ trưởng Bộ Tài chính, Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an, Trung tâm Lưu ký, UBCK, tố cáo TSS có hành vi lập hợp đồng hợp tác hỗ trợ vốn giả mạo, phong tỏa tài khoản chứng khoán của NĐT trái phép.

Trước đó, ĐTCK đã có loạt bài phản ánh việc NĐT Trần Thị Vượng bị TSS phong tỏa tài khoản vì khoản lỗ 1,9 tỷ đồng phát sinh trên tài khoản mang tên Khúc Xuyền (xem ĐTCK số ra ngày 11 và 16/1/2012), dù bà Vượng khẳng định không giao dịch trên tài khoản này.

Tháng 5/2011, bà Vượng nhận được yêu cầu làm việc với TSS và được biết tài khoản Khúc Xuyền đang lỗ 1,9 tỷ đồng do sử dụng đòn bẩy tài chính. Phía TSS cung cấp cho bà Vượng hợp đồng hợp tác đầu tư của tài khoản Khúc Xuyền và 3 hợp đồng bảo lãnh lẫn nhau giữa 3 tài khoản: tài khoản của bà Vượng, tài khoản của ông Xuyền và tài khoản của con trai bà là Khúc Trần Quân.

Đơn tố cáo CTCK Trường Sơn của nhà đầu tư Trần Thị Vượng
Đơn tố cáo CTCK Trường Sơn của nhà đầu tư Trần Thị Vượng

Bà Vượng khẳng định, không ký bất cứ hợp đồng nào trong số các hợp đồng nói trên và chỉ ra một số thông tin trong các hợp đồng không đúng sự thật và có dấu hiệu giả mạo giấy tờ. Chẳng hạn, hợp đồng bảo lãnh số 5888/2010/HĐBL/TSS ghi bà Vượng sinh ngày 12/3/1973, trong khi bà Vượng sinh ngày 20/9/1947; ông Khúc Trần Quân sinh ngày 13/10/1970, quốc tịch Đức đã bị “biến” thành sinh ngày 19/3/1975, mang quốc tịch Việt Nam...

Tại cuộc làm việc nêu trên, môi giới của TSS là Bùi Thị Duyên, người được giao chăm sóc khách hàng Trần Thị Vượng thừa nhận: bà Vượng có ủy quyền bằng miệng cho mình giao dịch chứng khoán tại tài khoản mang tên Khúc Xuyền (giá trị tài khoản là 200 triệu đồng), lãi chia đôi và không được để thua lỗ quá 200 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Duyên đã để thua lỗ tới 1,9 tỷ đồng, do sử dụng đòn bẩy tài chính. Biên bản cuộc làm việc cho thấy, bà Duyên nhận trách nhiệm đối với khoản lỗ 1,9 tỷ đồng.

Được biết, UBCK đã có công văn yêu cầu TSS mời NĐT lên làm việc để giải quyết các vướng mắc. Tuy nhiên, đến nay, TSS vẫn chưa thực hiện việc này.

Trao đổi với ĐTCK, bà Vượng cho biết, cơ quan công an đã vào cuộc xác minh vụ việc nêu trên. Ngoài ra, bà Vượng thông tin thêm về tình trạng tiền trong tài khoản của mình tại TSS tự dưng biến mất. Chẳng hạn, ngày 9/3/2010, bà phát hiện tài khoản bị mất 48,8 triệu đồng; ngày 4/11/2010, mất 47,2 triệu đồng. Cả 2 lần bị mất tiền, bà Vượng đều đến trụ sở TSS yêu cầu hoàn trả tiền. TSS hứa sẽ kiểm tra, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Tháng 4/2011, tài khoản của bà Vượng bị mất thêm 36 triệu đồng, tuy nhiên, lần này, TSS đã trả lại tiền vào tài khoản của bà.

Liên quan đến môi giới Bùi Thị Duyên, một nguồn tin phản ánh với ĐTCK rằng, môi giới Duyên không có chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán. Ngày 14/2, trao đổi với ĐTCK, bà Duyên cho biết, chứng chỉ môi giới của bà được cấp từ năm 2006 và hết hạn năm 2009. Theo bà Duyên, thời gian đầu, bà được TSS tuyển theo dạng cộng tác viên môi giới. Sau một thời gian, bà vào làm chính thức tại TSS với công việc là nhân viên kinh doanh. Thực tế, bà Duyên là nhân viên môi giới, nhưng “tôi chỉ làm việc với NĐT ở phần đặt lệnh, các công tác khác như vay mượn, rút tiền, kết quả giao dịch… tôi không biết”, bà Duyên nói. 

 

Cũng liên quan đến CTCK Trường Sơn (TSS), ĐTCK đã phản ánh việc NĐT Phan Quang Dũng có đơn thư gửi UBCK với nội dung: ông Dũng và TSS ký 2 hợp đồng môi giới trái phiếu chính phủ và cổ phiếu, với tổng giá trị là 4,17 tỷ đồng. Hai bên thỏa thuận, nếu TSS không tìm được trái phiếu theo yêu cầu của ông Dũng thì phải trả lại tiền và lãi vay là 19%. TSS nhiều lần hứa hẹn, cam kết lịch trình trả nợ, song đều không thực hiện.

 

Cho là TSS lừa đảo, mới đây, ông Dũng đã có đơn tố cáo gửi Cục C46 (Bộ Công an) đề nghị điều tra làm rõ vụ việc, buộc TSS phải trả lại tiền cho ông.

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục