Chứng khoán Trung Quốc đang tụt lùi so với Ấn Độ

(ĐTCK) Nếu các chỉ số chứng khoán khu vực là chỉ dấu quan sát nền kinh tế, thì điều đó cho thấy, chứng khoán Ấn Độ đang có màn trình diễn tích cực hơn so với chứng khoán Trung Quốc.
Chứng khoán Trung Quốc đang tụt lùi so với Ấn Độ

Theo dữ liệu từ chỉ số chứng khoán Nikkei Asia300 Index do Nhật báo Kinh doanh Nikkei (Nhật Bản) thu thập tại 11 nền kinh tế châu Á, chỉ số 

Nikkei Asia300 tại Ấn Độ tính tới hết tháng 5/2017 ghi nhận mức tăng trưởng tới 21,6%, vượt trội so với chỉ số tương ứng tại Trung Quốc.

Chỉ số này theo dõi giá trị cổ phiếu của 325 công ty có ảnh hưởng lớn nhất tại 11 nền kinh tế châu Á. Tại Ấn Độ, Tập đoàn Reliance Industries và nhà sản xuất ô tô lớn nhất Ấn Độ Maruti Suzuki India đã chứng minh tốc độ tăng trưởng thần tốc. Cả 2 công ty đều ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục trong tài khóa 2016 kết thúc vào tháng 3/2017 và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động mạnh mẽ trong tài khóa 2017.

Cụ thể, trong tài khóa 2016, Reliance Industries ghi nhận tổng lợi nhuận ròng 299 tỷ rupee (4,63 tỷ USD), tăng tới 19% so với tài khóa 2015. Tập đoàn này kinh doanh chủ yếu trong các lĩnh vực liên quan tới các sản phẩm dầu mỏ và hưởng lợi rất lớn từ nhu cầu trong nước, cũng như việc giá thành phẩm xăng dầu gia tăng.

Bên cạnh đó, mảng kinh doanh bán lẻ của Reliance Industries cũng ghi nhận mức tăng cao về doanh thu và lợi nhuận nhờ tiêu thụ nội địa ổn định và việc mở rộng mạnh mẽ các cửa hàng trên quy mô toàn quốc.

Ngoài 2 phân khúc trên, Reliance Industries còn có tham vọng “lấn sân” sang lĩnh vực cung cấp dịch vụ điện thoại di động, với việc bắt đầu đặt chân vào thị trường tiềm năng này từ tháng 9/2016. Sử dụng mức giá dịch vụ thấp như một vũ khí chủ lực, Reliance Industries nhanh chóng gia tăng sự hiện diện và ghi nhận tới 109 triệu thuê bao tính tới tháng 3/2017.

Trong lĩnh vực ô tô Ấn Độ, Maruti Suzuki liên tiếp thể hiện sự tăng trưởng nhanh chóng. Chi nhánh của nhà sản xuất Suzuki Motor (Nhật Bản) này đã ghi nhận mức tăng doanh số bán xe hơi kỷ lục năm thứ 3 liên tiếp và đạt lợi nhuận ròng cao trong tài khóa 2016. Doanh số bán xe hơi (không bao gồm xuất khẩu) tăng 10% lên 1,57 triệu chiếc và tổng lợi nhuận ròng tăng tới 37% lên 73,4 tỷ rupee.

Trong khi đó, chỉ số Nikkei Asia300 ghi nhận tại Trung Quốc chỉ tăng 14,2% kể từ ngày 1/12/2016 đến 26/5/2017, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của chỉ số Nikkei Asia300 châu Á.

Nguyên nhân chủ yếu là các ngân hàng Trung Quốc có mức vốn hóa thị trường lớn và lĩnh vực bất động sản đứng trước những bất an mới xung quanh các biện pháp của chính phủ nước này nhằm kiểm soát bong bóng bất động sản.

Tổng vốn hóa thị trường của 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, trong đó có  Ngân hàng Thương mại và công nghiệp Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Trung Quốc (BOC), chỉ tăng trưởng một con số.

Lợi nhuận của các ngân hàng này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi số khoản cho vay không sinh lời đang có xu hướng tăng lên, đồng thời gây ra tâm lý lo ngại nhất định cho các nhà đầu tư.

Lợi nhuận ròng của ICBC chỉ tăng 0,4% trong năm 2016. Ngay cả mức tăng lợi nhuận 1,4% ghi nhận trong quý I/2017 cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng khiêm tốn của ngân hàng hàng đầu Trung Quốc này.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, điều này hoàn toàn có thể dự đoán được, trong bối cảnh giới chức Trung Quốc chủ trương xử lý nợ xấu nhằm ngăn chặn nguy cơ tạo ra bất ổn và rủi ro đối với hệ thống tài chính-ngân hàng.

Trong khi đó, cổ phiếu của nhóm các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc cũng trong tình cảnh khó khăn tương tự, khi mức vốn hóa thị trường của các nhà phát triển bất động sản chủ chốt tại Đại lục như Greenland Holdings và China Vanke đã giảm gần 40%. 

Bong bóng bất động sản Trung Quốc đã bùng phát trong năm 2016 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt kể từ đầu năm 2017 đến nay. Điều này đã tạo ra những lo ngại sâu sắc và Chính phủ Trung Quốc có thể sẵn sàng can thiệp nhằm thắt chặt hoạt động giao dịch bất động sản.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục