Chứng khoán trái chiều, dầu giảm mạnh trở lại

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh trái ngược của các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu khiến 2 thị trường chứng khoán có diễn biến trái chiều, trong khi dầu đảo chiều giảm mạnh và vàng tăng trở lại.
Ảnh minh họa: AFP

Gần 73% số doanh nghiệp trong S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh có lợi nhuận vươtợt dự báo, nhưng chỉ 42,2% doanh nghiệp vượt kỳ vọng doanh thu. Tuy nhiên, trong phiên thứ Ba, một số doanh nghiệp lớn công bố kết quả kinh doanh gây thất vọng, khiến phố Wall đảo chiều. Tuy nhiên, thông tin M&A trong lĩnh vực viễn thông giúp Nasdaq duy trì đà tăng, vượt qua mốc 5.000 điểm, tiến sát gần đỉnh cao lịch sử.

Bên cạnh đó, phố Wall đảo chiều con do ảnh hưởng từ cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 21/4, chỉ số Dow Jones giảm 85,34 điểm (-0,47%), xuống 17.949,59 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,11 điểm (-0,15%), xuống 2.097,29 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 19,50 điểm (+0,39%), lên 5.014,10 điểm.

Trong khi đó, trái ngược với các doanh nghiệp Mỹ, việc đồng euro giảm mạnh và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tung gói kích thích kinh tế giúp các doanh nghiệp châu Âu có kết quả kinh doanh khả quan trong quý I, qua đó tiếp tục giúp chứng khoán châu Âu duy trì đà tăng trong phiên thứ Ba, bất chấp mối lo về vấn đề Hy Lạp.

Kết thúc phiên 21/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 10,8 điểm (+0,15%), lên 7.062,93 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 47,67 điểm (+0,40%), lên 11.939,58 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 5,05 điểm (+0,10%), lên 5.192,64 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng đồng loạt trở lại sau phiên giảm mạnh đầu tuần. Kết quả kinh doanh của các hãng xe lớn và các hãng điện tử giúp chứng khoán Nhật tăng hơn 1,4%, trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng lấy lại hết những gì đã mất trong phiên đầu tuần, thậm chí còn có phần dôi dư. Trong đó, chứng khoans Hồng Kông có phiên tăng lớn nhất trong 2 tuần khi dòng tiền đổ mạnh từ đại lục.  

Kết thúc phiên 21/4, chỉ số Nikkei 225 tăng 274,6 điểm (+1,40%), lên 19.909,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 755,56 điểm (+2,79%), lên 27.850,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 76,55 điểm (+1,82%), lên 4.293,62 điểm.

Đúng như kỳ vọng của giới phân tích, tình hình Hy Lạp đã giúp vàng hồi phục trở lại sau phiên điều chỉnh đầu tuần. Ngoài ra, trong phiên thứ Ba, đồng USD cũng giảm trở lại cũng góp phần giúp giá kim loại quý hồi phục.

Báo cáo cho biết, Ngân hàng Trung ương Nga đã mua 1 triệu ounce vàng trong tháng 4, nâng tổng mức dự trữ lên 39,8 triệu ounce.

Kết thúc phiên 21/4, giá vàng giao ngay tăng 6 USD (+0,5%), lên 1.201,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 9,4 USD/ounce (+0,79%), lên 1.203,1 USD/ounce.

Giá dầu thô giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Ba khi giới đầu tư lo ngại về các kho dự trữ dầu của Mỹ bắt đầu tăng chậm lại giảm sau nhiều tuần tăng mạnh liên tiếp. Theo thăm dò của Reuters, kho dự trữ dầu của Mỹ có thể tăng 2,4 triệu thùng tuần trước. Bên cạnh đó, thông tin Ả Rập Saudi kết thúc chiến dịch quân sự tại Yemen cũng khiến mối lo nguồn cung bị ảnh hưởng giảm đi.

Kết thúc phiên 21/4, giá dầu thô Mỹ giảm 1,12 USD/thùng (-2,03%), xuống 55,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent xuống 1,37 USD (-2,21%), xuống 62,08 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục