Đầu tiên là việc Quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ công, mở đường để Washington có thể vay thêm nợ để tài trợ cho hoạt động của mình, tránh tình trạng phải dừng hoạt động như hồi tháng 10 năm ngoái. Việc đạt được thỏa thuận quan trọng này cũng chấm dứt cuộc chiến kéo dài giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ, vốn gây cho nền kinh tế Mỹ, cũng như chính trị Mỹ bất ổn trong những năm qua.
Ngoài ra, thông tin khác cũng được chờ đợi là bài phát biểu của tân Chủ tịch FED Janet Yellen trước Quốc hội Mỹ về chính sách của cơ quan này. Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị người đứng đầu FED, bà Yellen cho biết, sẽ tiếp tục theo đổi chính sách của người tiền nhiệm Ben Bernanke. Gói kích thích kinh tế QE3 sẽ được cắt giảm nhẹ 10 tỷ USD, xuống 75 tỷ USD/tháng. Bà Yellen cho biết, tỷ lệ thất nghiệp thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, nhưng thị trường lao động cần được cải thiện hơn nữa, vì vậy chưa đủ lý do để ngưng gói kích thích kinh tế này, cũng như tăng lãi suất.
Sau những thông tin tích cực trên, thị trường chứng khoán Mỹ như bùng nổ với sắc xanh lan tỏa khắp thị trường, các chỉ số đều bay cao trên 1% và S&P 500 đã đòi lại được mốc 1.800 điểm sau khi đã để mất một thời gian dài, Dow Jones cũng chỉ cần 1 phiên nhích nhẹ nữa cũng leo lên mốc 16.000 điểm.
Kết thúc phiên 11/2, chỉ số Dow Jones tăng 192,98 điểm (+1,22%), lên 15.994,77 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 19,91 điểm (+1,11%), lên 1.819,75 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 42,87 điểm (+1,03%), lên 4.191,04 điểm.
Ngoài ra, hỗ trợ cho chuỗi 4 phiên tăng vừa qua của chứng khoán Mỹ còn nhờ kết quả kinh doanh quý IV khả quan của các doanh nghiệp. Theo thông kê, trong số 357 công ty trong bộ chỉ số S&P500 đã công bố kết quả kinh doanh, có 67,8% công ty có lợi nhuận vượt kỳ vọng, gần 66% công ty có doanh thu vượt kỳ vọng, cao hơn mức trung bình dài hạn là 63% và 61%.
Không chỉ chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng được hưởng lời từ những thông tin tích cực từ nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngay khi bài phát biểu của Chủ tịch FED Janet Yellen được lan đi, các chỉ số chính của châu Âu đồng loạt thẳng tiến, trong đó ấn tượng nhất là chứng khoán Đức.
Kết thúc phiên 11/2, chỉ số FTSE tại Anh tăng 81,11 điểm (+1,23%), lên 6.672,66 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 188,91 điểm (+2,03%), lên 9.478,77 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 46,19 điểm (+1,09%), lên 4.283,32 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng có phiên giao dịch đầy hứng khới.Ngoại trừ chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch, các thị trường chứng khoán chính khác trong khu vực đều vọt tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba.
Kết thúc phiên 11/2, chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 383,72 điểm (+1,78%), lên 21.962,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 17,60 điểm (+0,84%), lên 2.103,67 điểm.
Giá vàng cũng được thể tăng mạnh sau phát biểu của Chủ tịch FED, cũng như thông tin Trung Quốc có thể đã mua thêm 500 tấn vàng dự trữ trong năm 2013.
Với việc FED sẽ không ngừng gói kích thích kinh tế, giới đầu tư sẽ không phải lo lắng dòng tiền sẽ bị rút khỏi thị trường. Do đó, họ đã mạnh dạn giải ngân vào các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng để tìm kiếm lợi nhuận, giúp các thị trường này tăng vọt.
Trong phiên giao dịch 11/2, giá vàng đã tăng vọt từ mức 1.275 USD/ounce lên 1.285 USD/ounce và duy trì mức này cho đến khi bước vào phiên giao dịch trên thị trường Mỹ. Giới đầu tư có đôi chút ngập ngừng để nghe phát biểu của Chủ tịch FED, sau khi đã biết rõ thông điệp của người đứng đầu FED, giá vàng tăng vọt lên sát ngưỡng 1.295 USD/ounce trước khi hạ nhiệt nhẹ vào cuối phiên do lực bán chốt lời.
Kết thúc phiên 11/2, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 15,9 USD (+1,25%), lên 1.290,90 USD/ounce, mức cao nhất 3 tháng. Giá vàng giao tháng 4 tăng 15,1 USD (+1,18%), lên 1.289,8 USD/ounce.
Đà tăng của giá dầu đã chững lại trong phiên 11/2 khi chạm ngưỡng 100 USD/thùng. Kết thúc phiên, giá dầu thô Mỹ giảm 0,12 USD (-0,12%), xuống 99,94 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu thô Brent tăng nhẹ trở lại với mức tăng 0,05 USD (+0,05%), lên 108,68 USD/thùng.