Tại Đại hội, lãnh đạo TPS cho biết, nửa đầu năm, công ty ước lãi 50 tỷ đồng, hoàn thành hơn phân nửa kế hoạch cả năm 2020.
Theo kế hoạch, trong nửa cuối năm 2020, TPS sẽ chào bán riêng lẻ 56 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Đối tác chiến lược TPBank sẽ tham gia đợt phát hành này với số lượng mua hơn 5 triệu cổ phần, tương ứng 11,49% tổng số phát hành với mục đích để duy trì tỷ lệ sở hữu tại TPS không đổi sau phát hành. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Nguồn vốn huy động được bổ sung vốn lưu động phục vụ cho các nhu cầu phát triển kinh doanh của công ty, đủ điều kiện đăng ký cung cấp các dịch vụ mà công ty chưa thực hiện như chứng quyền và phái sinh.
Ông Đỗ Anh Tú, Chủ tịch HDQT TPS cho biết, nhiều đối tác đặt vấn đề với đợt phát hành riêng lẻ và công ty tự tin sẽ phát hành thành công.
Bên cạnh đó, TPS cũng có kế hoạch huy động vốn qua kênh trái phiếu không chuyển đổi tối đa 1.000 tỷ đồng, không có tài sản đảm bảo với kỳ hạn 1-3 năm, nhằm mục đích tăng quy mô vốn để phát triển nghiệp vụ cho vay giao dịch chứng khoán, thực hiện các hợp đồng bảo lãnh phát hành, tự doanh... Thời gian thực hiện trong 2 năm 2020-2021.
Lãnh đạo công ty cho biết, sau khi mua lại CTCP Chứng khoán Phương Đông (ORS) và tái cấu trúc, TPS được xem là tân binh trên thị trường nên lợi thế cạnh tranh không nhiều. Động lực tăng trưởng thời gian tới phần lớn đến từ việc tham gia hệ sinh thái của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) để tận dụng tệp khách hàng, hệ thống hạ tầng công nghệ, nguồn lực tài chính và nhân sự.
Tuy nhiên, năm 2019 dù đảm bảo được vốn pháp định nhưng vẫn chưa được cấp phép hoạt động tự doanh, giao dịch ký quỹ nên gần như không có nguồn thu từ hai mảng này. Còn mảng môi giới, vì hoạt động trở lại từ giữa tháng 9 vừa xây dựng đội ngũ môi giới, hệ thống giao dịch nên đóng góp không đáng kể về doanh thu và chưa có lợi nhuận.
TPS kỳ vọng, sau khi tăng vốn, TPS sẽ tham gia thực hiện được tất cả các nghiệp vụ chứng khoán, tăng năng lực cạnh tranh, và chú trọng đầu tư một hệ thống giao dịch mới tiên tiến, hiện đại hơn để làm cơ sở phát triển nghiệp vụ môi giới trong thời gian tới.
Theo đó, bên cạnh mảng cốt lõi là môi giới, ký quỹ, tự doanh, TPS cũng đẩy mạnh mảng ngân hàng đầu tư và tư vấn tài chính. Theo TPS, danh mục khách hàng công ty có quy mô trung và lớn, chủ yếu ở mảng hạ tầng, xây dựng…Mảng này năm ngoái mang về 155 tỷ đồng, chiếm 90% tổng doanh thu.
Năm 2020, TPS đặt kế hoạch doanh thu 322 tỷ đồng, tăng mạnh 78%, lợi nhuận trước thuế 80 tỷ đồng, tăng mạnh 56% so với thực hiện 2019.
Chia sẻ của ban lãnh đạo TPS, kế hoạch ban đầu là lợi nhuận phải trên 150 tỷ đồng để xóa khoản lỗ lũy kế 128 tỷ đồng. Nhưng do diễn biến bất ngờ của dịch bệnh và các nghiệp vụ mới đi vào hoạt động nên điều chỉnh lại kế hoạch như hiện nay.
Nửa đầu năm, TPS ước đạt lãi trước thuế 50 tỷ đồng. Nếu diễn biến theo đà hiện tại, TPS kỳ vọng có thể vượt kế hoạch và xóa được lỗ lũy kế trong năm nay.
Lãnh đạo TPS chia sẻ tham vọng có thể đưa TPS lọt vào top 10 CTCK có lợi nhuận lớn nhất thị trường trong năm 2022. Tuy nhiên, TPS cũng cho rằng, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp thì có khi mục tiêu này lại bị dời sang 2023 mới thực hiện được.
Ông Trần Sơn Hải, Tổng giám đốc TPS cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều deal đang bị hoãn lại khi mà nhà đầu tư chưa thể trực tiếp sang gặp gỡ từng doanh nghiệp, trao đổi và thực hiện DD cũng như tiếp xúc lãnh đạo doanh nghiệp.
Năm 2019, TPS đạt 181 tỷ đồng doanh thu, giảm 54%, do trong năm 2018, công ty có hạch toán khoản thu nhập bất thường 375 tỷ từ việc xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi.