Chứng khoán Tiên Phong (ORS) dự kiến giao dịch chính thức trên HOSE ngày 25/10

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá tham chiếu tại ngày giao dịch đầu tiên trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) được xác định là giá trung bình 20 phiên giao dịch liên tục gần nhất trên UPCOM.
Chứng khoán Tiên Phong (ORS) dự kiến giao dịch chính thức trên HOSE ngày 25/10

Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa có quyết đinh chấp thuận niêm yết trên HOSE của cổ phiếu CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS -mã chứng khoán ORS).

Giá tham chiếu tại ngày giao dịch đầu tiên là giá bình quân tham chiếu hai mươi phiên giao dịch liên tục gần nhất trên UPCOM. Biên độ giao động giá tại ngày giao dịch đầu tiên là +/-20%. 200 triệu cổ phiếu ORS dự kiến sẽ chính thức giao dịch trên HOSE từ ngày 25/10/2021.

Ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu ORS trên UPCOM dự kiến là ngày 18/10/2021.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 9 (30/9/2021), giá cổ phiếu ORS tăng 0,76% lên 26.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa khoảng 5.300 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán, cùng xu hướng của nhóm cổ phiếu chứng khoán, cổ phiếu ORS cũng ghi nhận mức tăng tốt hơn 126% so với đầu năm.

Được biết, tiền thân của Chứng khoán Tiên Phong là CTCP Chứng khoán Phương Đông, do kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp 2016-2018, nên vào quý 1/2019, ORS bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX và chuyển qua giao dịch trên sàn UPCOM.

Từ tháng 4/2019, TPS chính thức gia nhập hệ sinh thái của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và đổi tên thành CTCP Chứng khoán Tiên Phong. Kể từ thời điểm bắt đầu tái cơ cấu, TPS đã đạt được những kết quả kinh doanh vượt bậc, thể hiện qua sự tăng trưởng của các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, quy mô vốn/tài sản, tỷ suất sinh lời...Đặc biệt, TPS cũng là CTCK có thị phần số 2 về môi giới trái phiếu trên HOSE trong quý 2/2021 với con số thị phần tăng trưởng đáng kể.

Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, TPS liên tục tăng vốn mạnh mẽ, chỉ vừa hoàn tất chào bán riêng lẻ 56 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ 440 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng trong Quý 4/2020. Đến quý 3/2021, TPS tăng vốn gấp đôi lên 2.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán 100 triệu cổ phiếu ra công chúng. Số cổ phiếu này cũng đã đăng ký giao dịch bổ sung ngày 27/8/2021. Nguồn vốn huy động được dự kiến bổ sung vốn cho hoạt động cho vay margin, tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán hoặc hoạt động tự doanh. Trong đó, bổ sung 500 tỷ đồng cho vay margin, còn lại hơn 400 tỷ đồng cho các mảng tự doanh cổ phiếu, trái phiếu và hoạt động khác.

Cùng với diễn biến tăng quy mô vốn, kết quả kinh doanh của TPS khởi sắc, tăng trưởng mạnh qua các quý. Kết thúc quý I 2021, TPS ghi nhận lãi sau thuế tăng trưởng mạnh 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt 97 tỷ đồng. Quý II 2021, nối tiếp tăng trưởng, doanh thu hoạt động TPS đạt 285,7 tỷ đồng, tăng 4,43 lần, trong khi lợi nhuận ròng đạt 53,74 tỷ đồng, tăng 4,92 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Kết quả tăng trưởng ấn tượng đến từ các mảng Ngân hàng đầu tư (IB), Môi giới và cho vay margin, đặc biệt từ hoạt động tư vấn trái phiếu doanh nghiệp - là mảng kinh doanh chiến lược mà TPS đặt mục tiêu xuyên suốt từ thời điểm tái cấu trúc đến nay. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) 4 quý gần nhất đạt 22,27%.

Năm 2021, TPS đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 64% so với năm 2020, lên 146 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, TPS ghi nhận 150,7 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm.

Hiện TPS đã chính thức xóa được toàn bộ số lỗ lũy kế tồn đọng từ năm 2018. Đến cuối quý II 2021, TPS đã ghi nhận lợi nhuận chưa phân phối được hơn 111 tỷ đồng.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục