Tháng 8, nhận diện Những yếu tố tác động đến thị trường
Để xác định thị trường chứng khoán trong nước sẽ như thế nào trong tháng 8/2018, cần xét những yếu tố có thể ảnh hưởng lên thị trường.
Về yếu tố trong nước, thứ nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2018, theo công bố của Tổng cục Thống kê, giảm 0,09% so với tháng 6, nhưng tăng 2,13% so với thời điểm cuối năm 2017 và tăng 4,46% so với cùng kỳ năm 2017.
Có thể thấy, mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ được thực hiện tương đối tốt thời gian qua, giúp ổn định mặt bằng lãi suất. Một khi lãi suất thấp và ổn định, các doanh nghiệp sẽ yên tâm sản xuất, kinh doanh. Điều này sẽ tác động tích cực và tạo lực đỡ cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
(Theo biểu đồ tuần, VN-Index đã có 3 tuần tăng liên tiếp (3 nền xanh) từ đáy. Đây là mô hình kỹ thuật cho dự bảo khả năng thị trường vào xu hướng tăng có tỷ lệ chính xác hơn 65%. Ngưỡng kháng cự trên biểu đồ tuần là 980 điểm và hỗ trợ là 900 điểm. Nhìn xa hơn từ biểu đồ tuần, thị trường tháng 8 vẫn tiếp tục cho xu hướng tích cực)
Thứ hai, tỷ giá USD thị trường liên ngân hàng và thị trường tự do liên tục tăng những ngày qua đã gây ra những lo ngại. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hồng - Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước, việc giá USD tăng là phù hợp với diễn biến của các đồng tiền trong khu vực và thế giới, đồng thời vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.
Được biết, so với cuối năm 2017, tỷ giá trung tâm hiện tăng khoảng 1,1% với biên độ cho phép +/-3%, còn tỷ giá liên ngân hàng tăng 2,5%. Trên thị trường tự do, giá USD đang giao dịch ở mức 23.425 VND/USD chiều mua và 23.440 VND/USD chiều bán. Trong phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018. Điều này tạo kỳ vọng tỷ giá sẽ được giữ ở mức hợp lý và có sự can thiệp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước để ổn định trong trường hợp xảy ra đột biến.
Khi tỷ giá tăng, những doanh nghiệp vay nợ USD nhiều sẽ bị ảnh hưởng, ngược lại, những doanh nghiệp có nguồn thu bằng USD như các doanh nghiệp xuất khẩu dầu khí, dệt may, thủy sản... lại được hưởng lợi. Dù vậy, thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán thường phản ứng không tốt mỗi khi tỷ giá tăng.
(Đường giá vẫn nằm trên các đường MA(23), MA(50) và kết tuần là một nến xanh tăng điểm mạnh mẽ. Tuần này, khả năng VIC tiếp tục xu hướng tăng điểm để nâng đỡ thị trường)
Thứ ba, trong quý II/2018, hầu hết các doanh nghiệp trong nhóm VN30 - vốn là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường - đều có kết quả kinh doanh khả quan, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhóm thuộc Tập đoàn Vingroup. Điều này sẽ tạo nền tảng nâng đỡ thị trường trong những tháng cuối năm, cũng như thời gian tới.
Thị trường tháng 8/2018 chờ đợi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sau khi được kiểm toán. Sẽ là tích cực cho nhà đầu tư nếu sở hữu cổ phiếu doanh nghiệp có lợi nhuận tăng sau kiểm toán và ngược lại, sẽ là rủi ro nếu trót "ôm" cổ phiếu có lợi nhuận thụt lùi hay lỗ sau kiểm toán.
Thực tế, thị trường thường phản ứng tức thì đối với những cổ phiếu có kết quả kinh doanh khác biệt trước và sau kiểm toán. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu VN30 tuy có kết quả kinh doanh tích cực, nhưng thị giá không tăng mạnh, trong khi tại nhóm cổ phiếu thị giá thấp, nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ hoặc không hoàn thành kế hoạch lại tăng 20-50%, thậm chí cao hơn nhờ hút mạnh dòng tiền.
(Biểu đồ kỹ thuật của GAS vẫn tiếp diễn xu hướng đi lên từ cuối tháng 7/2018. Kháng cự gần nhất và tương đối mạnh của GAS tại mức giá 102.000 đồng, tương ứng với đường MA100 - đường trung bình 100 ngày)
Một điều cần lưu tâm khác trong định hướng thị trường tháng 8/2018 bởi đây là tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch). Theo quan niệm dân gian, tháng Ngâu thường không đem lại nhiều may mắn và cũng là tháng thấp điểm kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết, nên nhà đầu tư thường hạn chế giao dịch, khiến thị trường chứng khoán trở nên kém sôi động. Mặc dù vậy, trong tháng Ngâu năm ngoái, thị trường đã tăng ấn tượng. Bởi vậy, nhà đầu tư vẫn cần quan sát và theo dõi thị trường chặt chẽ để tránh đánh mất cơ hội.
Sau khi điều chỉnh giảm mạnh trong quý II/2018, nhìn chung tâm lý nhà đầu tư khá là thận trọng, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới đáng đối mặt với những rủi ro như chiến tranh thương mại leo thang, chế độ bảo hộ mậu dịch... Do đó, bất cứ thông tin nào kèm theo tín hiệu xấu từ thị trường cũng có thể gây thua lỗ cho nhà đầu tư. Song, cần chú ý rằng, trên thị trường chứng khoán, phần thưởng không bao giờ dành cho số đông.
Về yếu tố bên ngoài, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn biến khó lường và nhiều thông tin trái chiều liên tục được đưa ra. Tổng thống Donald Trump khởi động cuộc chiến thương mại vào tháng 3/2018 với việc tuyên bố áp mức thuế suất 25% đối với hàng nhập khẩu thép và 10% đối với hàng nhập khẩu nhôm vào Mỹ.
Chiến tranh thương mại leo thang chắc chắn ảnh hưởng lên tỷ giá, cán cân thương mại toàn cầu..., từ đó gây thiệt hại cho kinh tế thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Sự giảm giá của đồng nhân dân tệ về lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam.
Là nước đang nhập siêu từ Trung Quốc, nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm giá thì hàng hóa Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ khi hàng hóa Trung Quốc tràn vào. Trong bối cảnh này, điều nhà đầu tư chờ đợi nhất là Việt Nam cần giữ tỷ giá ổn định, nâng cao năng lực sản xuất để tăng sức cạnh tranh.
Chốt phiên 3/8, VRE vượt ngưỡng kháng cự 41.200 đồng kèm khối lượng giao dịch tăng so với trung bình các phiên trong tuần. Điều này hàm ý rằng,
tuần này, VRE sẽ tiếp tục xu hướng tích cực)
Vào cuối tháng 8/2018, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp để bàn về vấn đề lãi suất. Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm 2018, thì dòng vốn được dự báo sẽ tiếp tục được rút ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam, từ đó gây sức ép lên thị trường chứng khoán. Áp lực tiếp theo là tỷ giá sẽ tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng lên.
Hai kịch bản VN-Index tháng 8
Kết hợp các yếu tố tác động cả trong và ngoài nước, cùng với những báo cáo phân tích về VN-Index và một số mã có tỷ trọng lớn (xem biểu đồ), có 2 kịch bản diễn biến của VN-Index trong tháng 8.
Kịch bản 1 (khả năng xảy ra là 70%): VN-Index tiếp tục tích cực với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu họ Vingroup, dầu khí, hàng không và không khó khăn để chinh phục mốc 980 điểm, tiến tới tiệm cận mốc 1.000 điểm.
Kịch bản 2 (khả năng xảy ra là 30%): VN-Index đi ngang trong biên độ 928-960 điểm với sự giữ nhịp của nhóm Vingroup, ngân hàng và dầu khí. Đây là thời điểm tốt để các cổ phiếu midcaps, penny có câu chuyện riêng, M&A, hay có kết quả kinh doanh nổi sóng.
Dù có theo kịch bản nào thì thị trường chứng khoán vẫn luôn khắc nghiệt và không dành cho những tay mơ. Nhà đầu tư cần liên tục theo dõi các diễn biến trong nước và thế giới để đưa ra những quyết định đầu tư chính xác.