Chứng khoán tháng 6: Nhà đầu tư ngoại giữ vai trò quan trọng

(ĐTCK) TTCK Việt Nam trong hơn 1 tháng qua chịu nhiều tác động trước những căng thẳng trên biển Đông và những vụ biểu tình quá khích phản đối Trung Quốc tại Bình Dương, Hà Tĩnh. Vậy những thông tin này có ảnh hưởng thế nào tới thị trường trong tháng 6 và nửa năm còn lại, ĐTCK đã trao đổi với ông Vũ Tú (ảnh trên), Giám đốc phòng Nghiên cứu và phân tích CTCK Bản Việt (VCSC).
Chứng khoán tháng 6: Nhà đầu tư ngoại giữ vai trò quan trọng

Ông có nhận định thế nào về thị trường trong tháng 6, liệu động thái mua ròng kỷ lục hơn 2.500 tỷ đồng của khối ngoại có tái diễn?

Chúng tôi dự đoán thị trường sẽ đi ngang không chỉ trong tháng 6 mà ít nhất là cho đến lúc giàn quan của Trung Quốc rút dần, theo lộ trình tới ngày 15/8/2014 là rút hẳn.

Căng thẳng trên Biển Đông đã tác động tồi tệ lên thị trường, cụ thể là khiến cho chỉ số VN-Index giảm mạnh gần 6% trong ngày 8/5/2014, ngày mà các phương tiện truyền thông đưa tin về việc tàu Trung Quốc chủ động đâm va tàu Việt Nam tại nơi đặt giàn khoan của Trung Quốc trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Sau cú sốc ban đầu, cuối tháng 5 thị trường đã hồi phục lại mốc trước khi xảy ra sự việc. Sự phản ứng kịp thời của Chính phủ trong việc ngăn chặn các cuộc bạo loạn, ngăn ngừa tình hình “căng thẳng” leo thang hơn đã xoa dịu sự lo lắng của các NĐT nước ngoài khi mua ròng khoảng 122 triệu USD chỉ riêng tháng 5, con số này nhiều hơn giá trị mua ròng trong cả 4 tháng đầu năm.

Có thể thấy, NĐT nước ngoài đang đóng một vai trò quan trọng khi thị trường phục hồi trong giai đoạn thử thách này. NĐT nước ngoài sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường không chỉ trong một vài tháng tới mà còn cả trong dài hạn, vì dù sao, Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Vậy xu hướng TTCK 6 tháng cuối năm ra sao và thị trường sẽ chịu tác động bởi những yếu tố nào, thưa ông?

Ngoại trừ lo ngại về việc “leo thang” nghiêm trọng trong vấn đề  Biển Đông (điều này khó xảy ra) thì các yếu tố cơ bản như định giá doanh nghiệp và tình hình vĩ mô của Việt Nam nửa cuối năm 2014 sẽ tác động tới thị trường.

Hiện các công ty niêm yết ở Việt Nam đang giao dịch ở mức P/E trung bình là 13 lần, nghĩa là vẫn rất hấp dẫn nếu so với mức P/E trung bình 19 lần như ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Riêng Philippines, nước cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, đang giao dịch ở mức P/E trung bình 21,4 lần và tại Thái Lan, nơi Chính phủ đã không còn kiểm soát trong nhiều tháng qua thì mức P/E trung bình là 17 lần.

Ngay tại VCSC, NĐT nước ngoài mới từ Mỹ, châu Âu hay Trung Đông đang tăng lên đáng kể từ đầu năm nay.

Vậy những tin tức khiến NĐT “lo ngại” như căng thẳng trên Biển Đông, về vốn ODA Nhật Bản… sẽ tác động “tiêu cực” trong nửa cuối năm?

Chủ trương của Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Chính phủ Việt Nam tiến hành giao thiệp nghiêm túc với Trung Quốc ở nhiều cấp dưới nhiều hình thức, đồng thời gửi những văn bản chính thức đến Liên Hiệp Quốc để phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc, vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo đó, khả năng tranh chấp sẽ căng thẳng hơn là khó xảy ra. Trước những hành động đó, Việt Nam đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, qua đó cũng lấy được sự tin tưởng của NĐT nước ngoài.

Về vốn ODA, một số thông tin chưa chuẩn đã gây ra hiểu lầm rằng Nhật Bản đang ngừng cấp cho Việt Nam. Trên thực tế, năm 2013, Việt Nam giải ngân được hơn 5,1 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi, trong đó vốn ODA từ Nhật Bản là 1,63 tỷ USD.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã đính chính thông tin, vốn ODA Nhật Bản chỉ ngưng giải ngân với những hợp đồng bị phát hiện tiêu cực, các dự án đang được điều tra. Những hợp đồng này có số vốn chỉ khoảng 41 triệu USD, chiếm tỷ lệ nhỏ trong khoảng 2 tỷ USD vốn ODA kỳ vọng sẽ được giải ngân cho Việt Nam trong năm 2014. Ngoài ra, vốn ODA cho các dự án sẽ sớm được tái giải ngân, vì việc điều tra đang được tiến hành nhanh chóng, trong đó có việc bắt tạm giam 6 cán bộ đường sắt, bao gồm một phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và là Giám đốc, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (RPMU).

Tựu chung lại, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản rất tốt, thể hiện qua con số hơn 20 tỷ USD vốn ODA đã được giải ngân trong 20 năm qua. Theo đó, sự việc gần đây chỉ ảnh hưởng rất nhỏ đến mối quan hệ này. 

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục