Tuy nhiên, trong tuần vừa qua, hàng loạt sự kiện mới diễn ra khiến thị trường bắt đầu có sự rung lắc, nhất là việc Trung Quốc thông qua các quy định an ninh mới tại Hồng Kông, đồng thời gỡ bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP trước tác động từ đại dịch…
Trong khi đó, Mỹ cũng có động thái “chọc giận” chính quyền Bắc Kinh khi công bố việc bán lượng lớn ngư lôi trị giá 180 tỷ USD cho Ðài Loan.
Theo giới chuyên gia, việc Trung Quốc hạ thấp tỷ giá CNY/USD xuống mức thấp gần nhất tại thời điểm mùa thu năm 2019 - khi chiến tranh thương mại nổ ra - được xem là tín hiệu cảnh báo sớm các thị trường tài chính sẽ nhanh chóng đón nhận những tác động.
“Việc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra khiến bầu không khí căng thẳng được duy trì”, Marc Chandler, chiến lược gia trưởng tại Bannockburn Global Forex nói và cho biết, hạ giá nhân dân tệ là động thái thể hiện Trung Quốc không hài lòng với hành động của chính quyền Tổng thống Trump.
Ðồng quan điểm, Daniel Clifton, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách tại Strategas Research chia sẻ: “Trung Quốc đã đi trước Mỹ khoảng 2 tháng do sớm kiểm soát đại dịch. Trong khi đó, những rối ren của thời kỳ bầu cử Tổng thống sẽ tạo cơ hội để Trung Quốc tranh thủ thực hiện các động thái mạnh mẽ hơn tại Ðài Loan và Hồng Kông”.
Căng thẳng leo thang khiến giới đầu tư không khỏi lo sợ việc 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục sử dụng biện pháp áp đặt các hàng rào thuế quan lên hàng hóa của nhau. Peter Boockvar, giám đốc chiến lược đầu tư tại Bleakley Advisory Group nhận định, việc áp đặt thuế từng diễn ra nhưng tại thời điểm đó, sức kháng cự của nền kinh tế tốt hơn.
Hiện tại, sau những tổn thương vì đại dịch, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung không đủ sức hấp thụ những tác động tiêu cực từ hàng rào thuế mới.
Ðáng chú ý, báo cáo mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã gây tổn thất không nhỏ cho các doanh nghiệp cả 2 bên, ngay từ trước khi đại dịch diễn ra.
Cụ thể, trong 2 năm kể từ khi chiến tranh thương mại bùng nổ, giá trị thị trường của các doanh nghiệp Mỹ trên sàn chứng khoán đã bốc hơi 1,7 nghìn tỷ USD.
Xung đột thương mại khiến tăng trưởng đầu tư tại Mỹ giảm 0,3% tính từ đầu năm 2018 tới cuối năm 2019 và sẽ giảm thên 1,6% tính tới cuối năm nay.
Ðầu tư suy yếu dẫn tới kỳ vọng lợi nhuận trong trung và dài hạn giảm sút. Chưa kể, doanh nghiệp chính là đối tượng hấp thụ hết các chi phí do hàng rào thuế quan mới tạo ra. Nếu tiếp tục có thêm trận chiến thuế quan mới, nhất là tại thời điểm đại dịch vẫn đang hoành hành, các doanh nghiệp sẽ khó lòng “chống trọi”.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán đang ở thời điểm “tăng trong nghi ngờ”, khi các bảng điện tử hiện thị sắc xanh, mà tâm lý bi quan vẫn bao trùm.
Theo giới chuyên gia, diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố: Nỗ lực mở cửa/hồi phục hoạt động kinh tế sau thời gian đứt gãy vì dịch bệnh và mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cuộc khảo sát các nhà quản lý quỹ đầu tư trong tháng 5 của Bank of America cho thấy, chỉ có 10% nhà đầu tư tham gia khảo sát kỳ vọng thị trường hồi phục theo hình chữ V, trong khi 68% dự đoán giá cổ phiếu sẽ sớm xuống dốc.
Hiện tại, thị trường đang cho rằng mình đủ sức “gánh vác” những khó khăn của thế giới hậu đại dịch, nhưng tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể là giọt nước tràn ly, đảo ngược đà leo dốc gần đây.