Cơ hội thoái vốn
Nếu như những năm trước, các ngân hàng gặp khó trong việc thoái vốn nhằm đáp ứng theo quy định của lộ trình tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN, do diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi, giá cổ phiếu giảm, thì 2 năm trở lại đây, vấn đề này đã được giải quyết. Giá cổ phiếu ngân hàng dần trở lại ngôi “vua”, việc thoái vốn của các ngân hàng cũng thuận lợi hơn so với trước khi thu hút được nhà đầu tư quan tâm.
Vietcombank (VCB) là một điển hình khi vừa hoàn tất thành công việc thoái vốn. Hiện VCB đang nắm 8,19% vốn tại Eximbank và 6,97% vốn tại MB. Ngoài ra, ngân hàng này cũng đang thoái phần vốn còn lại tại OCB. Vào cuối năm 2017, VCB đã thoái hết vốn tại Saigonbank và Công ty Tài chính Xi Măng (CFC).
Liên quan đến việc thoái vốn khỏi hai ngân hàng còn lại là MB và Eximbank, theo quy định tại Thông tư 36, mỗi tổ chức tín dụng (TCTD) không được sở hữu vốn ở quá 2 TCTD khác với tỷ lệ sở hữu vượt quá 5%. Vì vậy, VCB sẽ đưa tỷ lệ sở hữu tại MB, Eximbank về mức 5%, đáp ứng quy định.
Được biết, trước đó phía Vietcombank đã ngỏ ý bán cổ phiếu MB từ khi giá ở vùng 17.000 - 18.000 đồng/CP nhưng chưa thực hiện. Đến nay, mỗi cổ phiếu MB trên sàn chứng khoán đã tăng giá gấp gần 2 lần, hiện quanh mức 30.000 đồng/CP. Cổ phiếu EIB của Eximbank cũng có diễn biến tương tự. Năm ngoái, khi Vietcombank công bố ý định thoái vốn, giá mới chỉ quẩn quanh mức 11.000 - 12.000 đồng, thì nay cũng lên đến 15.000 - 16.000 đồng/CP, tức là tăng thêm khoảng 30 - 40%.
TS. Nguyễn Văn Thuận
Ở chiều hướng ngược lại, Eximbank đã thu hàng trăm tỷ đồng từ việc thoái khoản đầu tư tại Sacombank (STB) cuối năm rồi và đầu năm nay. Việc thoái vốn khỏi Sacombank được ngân hàng này rục rịch triển khai từ lâu do vướng vào sở hữu chéo. Thế nhưng, mãi đến gần đây mới thực hiện được và giá cổ phiếu STB cũng ở vùng đỉnh cao nhất trong hơn 3 năm khi đạt khoảng 15.000 đồng/CP - gấp đôi so với thời điểm nửa sau năm 2016.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, việc thoái vốn khỏi STB đã mang về cho Eximbank khoản lãi tới 648 tỷ đồng - con số rất lớn so với một ngân hàng đang đi lên từ vùng đáy và chỉ vừa thoát lỗ lũy kế.
Ở thời điểm hiện tại, vẫn còn không ít trường hợp phải tiếp tục thoái vốn khỏi ngân hàng mà trong quá khứ chưa thực hiện được do bối cảnh thị trường chưa phù hợp, không có người mua, giá cổ phiếu quá thấp, hoặc một vài lý do khác. Chẳng hạn, VNPT dự định thoái vốn khỏi Maritime Bank, EVN rút vốn tại ABBank, Mobifone rút vốn tại TPBank và SeABank…
Song với xu thế thị trường chứng khoán như hiện tại, cộng với triển vọng 2018 được đánh giá tiếp tục là năm của cổ phiếu ngân hàng, khả năng cao, việc bán vốn của các doanh nghiệp tại ngân hàng sẽ thuận lợi hơn và bài toán thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước có lẽ cũng sớm được giải xong một cách thuận lợi.
Lộ trình thoái vốn theo Thông tư 36 chắc chắn sẽ được đẩy mạnh, buộc các ngân hàng trong diện yêu cầu phải sớm thoái vốn. Theo Ngân hàng Nhà nước, tình hình sở hữu chéo đã được cải thiện cơ bản trong thời gian qua với nhiều trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý.
Tuy nhiên, do sở hữu chéo là vấn đề khá phức tạp, khó phát hiện, kiểm soát với trường hợp cố tình như nhờ người đứng tên hộ, đòi hỏi thanh tra kỹ lưỡng hoặc cơ quan chức năng qua điều tra mới phát hiện được. Ngân hàng Nhà nước đã đẩy nhanh tiến độ xử lý vi phạm sở hữu chéo, yêu cầu các cổ đông vi phạm chuyển nhượng, thoái vốn, mua bán, sáp nhập (M&A).
Trong đó, M&A được xem là con đường ngắn, giải pháp tốt để các ngân hàng thương mại có cùng dáng dấp chủ sở hữu về chung một nhà để xóa được tình trạng sở hữu chéo theo quy định của Thông tư 36 thời gian qua.
Sau MHB-BIDV, đến lượt Mekongbank-MaritimeBank, SouthernBank-Sacombank có cùng chủ sở hữu đã được sáp nhập. Đáng chú ý hơn, với Luật Các TCTD sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 được đánh giá sẽ sớm chặt “vòi bạch tuộc”, xóa tình trạng sở hữu chéo trong ngành. Trong trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ TCTD trở lên, phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.
Hàng loạt kế hoạch tăng vốn lớn
Tại mùa ĐHCĐ năm 2018, hầu hết các nhà băng đều trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay, với mục đích nâng cao năng lực tài chính và quan trọng hơn là tiến tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế theo quy định của Basel II. Vì vậy, một lượng lớn cổ phiếu “vua” sẽ được đưa ra thị trường dự kiến trong nửa sau năm 2018.
Liệu cung cổ phiếu có dội cầu là vấn đề được không ít người quan tâm, nhất là khi cổ phiếu ngân hàng đang “hot”. Nhưng với tình hình khởi sắc của nền kinh tế và hoạt động của ngành tăng trưởng ổn định, sẽ là động lực cho cổ phiếu “vua” và thúc đẩy ngân hàng niêm yết nhằm thu hút nguồn vốn qua TTCK.
Kỷ lục tăng vốn năm nay có thể thuộc về VPBank khi ngân hàng này dự kiến tăng thêm 12.000 tỷ đồng, lên khoảng 27.000 tỷ đồng vốn điều lệ
Thực tế, tốc độ tăng vốn tự có của các TCTD trong năm qua chậm hơn so với tốc độ tăng của tổng tài sản. Cụ thể, tổng tài sản quy đổi hệ số rủi ro tăng 9,3%, trong khi vốn tự có của các TCTD năm qua chỉ ước tăng 4,6%. Vì vậy, áp lực tăng vốn của nhà băng sẽ cao hơn trong năm 2018, nhất là khi thời hạn áp dụng Basel II đang đến gần. Vào những tháng cuối năm 2017, nhiều ngân hàng đã dồn dập tăng vốn.
Chẳng hạn, BacABank tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 5.500 tỷ đồng; Ngân hàng Nhà nước cũng thông qua việc tăng vốn điều lệ từ nguồn trái phiếu chuyển đổi phát hành năm 2010 của Techcombank và sau chuyển đổi, vốn điều lệ của nhà băng này nâng từ hơn 9.578 tỷ đồng lên hơn 11.655 tỷ đồng (tăng 21,68%). HDBank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 8.828 tỷ đồng lên 9.809 tỷ đồng. MB tăng vốn lên 18.155 tỷ đồng; ACB tăng vốn lên 11.259 tỷ đồng từ việc chia cổ tức…
Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống ước đạt 11,1% (năm 2016 là 11,6%). Nhưng hiện toàn hệ thống có 9/118 TCTD âm vốn tự có.
Do đó, để đảm bảo CAR theo Basel II, nhu cầu tăng vốn của các TCTD năm nay rất lớn. Đặc biệt, đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, thì áp lực tăng vốn càng lớn và kéo dài do CAR của các ngân hàng này hiện đã tiệm cận mức 9%, nếu áp dụng Basel II, CAR sẽ giảm xuống dưới 8%.
Vì thế, để đạt chuẩn Basel II, các ngân hàng này cần tăng vốn tự có gấp 1,8 - 2 lần so với mức hiện tại. Vừa qua, VietinBank đã chào bán thành công trái phiếu ra công chúng đợt 1/2017 với số lượng là 200.000 trái phiếu, tổng mệnh giá 2.000 tỷ đồng và thời hạn là 10 năm..
Năm nay, LietvietpostBank (LPB) dự kiến sẽ phát hành 286,87 triệu cổ phiếu tăng vốn từ gần 7.500 tỷ đồng lên 10.368 tỷ đồng thông qua 3 đợt phát hành. OCB tăng vốn thêm 2.500 tỷ đồng trong năm 2018, cùng với đó là kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE chậm nhất vào quý IV/2018.
VIB cũng tăng vốn từ 5.600 tỷ đồng lên 8.100 tỷ đồng. Kỷ lục tăng vốn năm nay có thể thuộc về VPBank khi vốn điều lệ của ngân hàng này hiện ở mức 15.706 tỷ đồng và mục tiêu tăng thêm 12.000 tỷ đồng vào năm 2018, để đạt mức vốn điều lệ trên 27.000 tỷ đồng.
Theo lộ trình đáp ứng các chuẩn Basel II, từ nay đến cuối năm 2020, nhu cầu tăng thêm vốn tự có của các ngân hàng rất lớn. Do đó, các TCTD cần có lộ trình cụ thể và tính toán phù hợp việc bổ sung vốn để đáp ứng được yêu cầu vào năm 2020. Bởi trên thực tế, không phải nhà băng nào cũng có khả năng hoàn thành được kế hoạch tăng vốn, dù đã triển khai trong nhiều năm qua như Saigonbank, VietA Bank, Viet Capital Bank… vốn vẫn thấp.
Với diễn biến thị trường chứng khoán thuận lợi khi giá cổ phiếu ngân hàng tăng, làn sóng lên sàn niêm yết và lợi nhuận của các nhà băng dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2018…, kỳ vọng kế hoạch tăng vốn của nhiều nhà băng sẽ được thị trường, nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế, nếu lượng cung cổ phiếu ngân hàng trong năm nay quá lớn, thì có khả năng dẫn đến giá giảm là khó tránh. Mặt khác, cổ phiếu ngân hàng hiện đã có sự phân hóa mạnh khi chỉ những cổ phiếu nhà băng hoạt động hiệu quả mới thu hút được nhà đầu tư, còn những ngân hàng làm ăn kém hiệu quả, nợ xấu cao vẫn trầy trật khi tăng vốn.