Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) gọi tên 3 nhóm ngành có triển vọng tích cực nhất cho nửa cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VDSC cho rằng, kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp niêm yết nói riêng sẽ có tăng trưởng tốt về cuối năm, đồng thời chỉ ra 3 nhóm ngành tích cực, 6 nhóm ngành tốt để đầu tư.
VDSC nhận định tích cực đối với nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, đại diện là KBC VDSC nhận định tích cực đối với nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, đại diện là KBC

Hồi phục trong xu thế giằng co

Trong Báo cáo triển vọng ngành 6 tháng cuối năm 2022 có tên "Sẵn sàng cho tương lai nhiều biến động", Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố một số nhận định tích cực đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, Rồng Việt cho rằng, lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh trong quý II/2022, chỉ số VN-Index giảm 20% từ đầu năm đã phản ánh đầy đủ những tiêu cực của thị trường. Mặc dù không thể kỳ vọng một chính sách tiền tệ mở rộng trong bối cảnh hiện tại, nhưng việc lạm phát toàn cầu và chỉ số USD Index hạ nhiệt sẽ giúp nhà điều hành có thêm không gian chính sách để điều tiết thị trường tiền tệ, vừa giữ được lãi suất điều hành và ổn định tỷ giá trong biên độ mục tiêu, vừa cấp đủ hạn mức tăng trưởng tín dụng cho phục hồi kinh tế.

Trong bối cảnh đó, lạm phát Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát, đà tăng giá xăng dầu đã có phần chững lại, VDSC dự báo kinh tế Việt Nam nói chung, doanh nghiệp niêm yết nói riêng sẽ đạt được tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm so với cùng kỳ năm ngoái.

"Không bi quan song chưa thể chủ quan với triển vọng phục hồi kinh tế, nhất là trong giai đoạn cuối năm 2022 đến đầu năm 2023", báo cáo nhấn mạnh thêm. Bởi vì, lạm phát toàn cầu và căng thẳng địa chính trị vẫn còn, kinh tế Trung Quốc chật vật tăng trưởng bởi chính sách “Zero-Covid”, triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới đang trở nên kém sắc... là những lý do khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chịu ảnh hưởng nhất định.

Mặt khác, trong khi tín dụng ngân hàng bị hạn chế, sự ách tắc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể ảnh hưởng trầm trọng hơn đến sức khỏe tài chính của các ngành/ doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính. Rủi ro vỡ nợ trái phiếu là hoàn toàn có thể xảy ra và gián tiếp tác động tiêu cực lên thị trường cổ phiếu

Dự báo thị trường chứng khoán nửa cuối năm, Rồng Việt cho rằng, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.225 - 1.398 điểm, giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HSX có thể tăng 20% lên mức 17.000 - 19.000 tỷ đồng/phiên trong các tháng cuối năm.

"Dù vậy, với định hướng chính sách tiền tệ thắt chặt hiện tại, chúng tôi cho rằng, quá trình hồi phục của thị trường sẽ diễn ra trong xu thế giằng co. Chiến lược giải ngân do vậy cũng được khuyến nghị thận trọng, không mua đuổi trong những nhịp tăng bất ngờ và luôn để dành sức mua cho những nhịp sụt giảm mạnh của thị trường. Đối với nhà đầu tư dài hạn và có tính phòng thủ cao, tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt có thể duy trì ở mức 70/30", Báo cáo nêu.

3 nhóm ngành tích cực, 6 nhóm ngành tốt

Với kịch bản chung như vậy, Công ty chứng khoán này đã đưa ra 3 chủ đề đầu tư cuối năm.

Chủ đề thứ nhất là lạm phát đã tạo đỉnh trong quý II/2022, VDSC kỳ vọng giá hàng hóa, cũng là chi phí đầu vào của các nhà sản xuất, sẽ hạ nhiệt trong những tháng tới và hỗ trợ cho tỷ suất lợi nhuận của các công ty này. Những công ty có khả năng chuyển giá từ trung bình đến cao thậm chí có thể mở rộng tỷ suất lợi nhuận bằng cách làm chậm mức độ giảm của giá bán so với mức điều chỉnh của giá nguyên vật liệu đầu vào.

Lựa chọn ưu tiên của Rồng Việt cho chủ đề này là Vinamilk (VNM), Cao su Đà Nẵng (DRC), Nhựa Bình Minh (BMP).

Chủ đề đầu tư thứ hai là tăng trưởng lợi nhuận cao của doanh nghiệp niêm yết. Theo đó, khi những hạn chế về room tăng trưởng tín dụng được dỡ bỏ, các ngân hàng tư nhân như Techcombank (TCB), Ngân hàng Quân đội (MBB) sẽ có nhiều dư địa để điều động và mang lại mức tăng trưởng lợi nhuận cao; các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank (VCB), Vietinbank (CTG) sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ hơn nhờ chi phí trích lập dự phòng thấp hơn thông qua khả năng quản lý chi phí rủi ro tốt hơn.

Chủ đề thứ ba là việc giãn cách xã hội trên toàn quốc trong quý III/2021 đã tạo ra mức thấp rất thấp của lợi nhuận của nhiều công ty niêm yết. VDSC kỳ vọng sẽ có những bất ngờ về mức độ tăng trưởng của một số công ty như Đô thị Kinh Bắc (KBC), Long Hậu (LHG), Cao su Phước Hòa (PHR), Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Cảng hàng không Việt Nam (ACV)...

Ngoài ra, VDSC vẫn duy trì chủ đề đầu tư đối với nhóm cổ phiếu phòng thủ, đại diện là Nhiệt điện Hải Phòng (HND) và Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2). Đây là hai công ty nhiệt điện đã và sắp hoàn thành các nghĩa vụ nợ, sẽ tận dụng dòng tiền tự do dồi dào để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, với tỷ suất cổ tức dự phóng hấp dẫn 6-11% trong vài năm tới.

Mặt khác, VDSC đã "gọi tên" 3 nhóm ngành có triển vọng tích cực nhất cho nửa cuối năm nay bao gồm bất động sản khu công nghiệp (mã khuyến nghị: LHG, PHR, KBC, DPR), hàng không (ACV, AST) và công nghệ thông tin (FPT).

Đồng thời, công ty chứng khoán này đưa ra 6 ngành có triển vọng tốt bao gồm ngân hàng (TCB, MBB, VPB, ACB, HDB, VCB, CTG), dược phẩm (DBD, IMP), săm lốp (DRC) , thủy sản (FMC, ANV VHC), phân phối ô tô (HAX), thực phẩm và đồ uống (VNM MSN, QNS).

Ở chiều ngược lại, VDSC chấm điểm tiêu cực cho ngành vật liệu xây dựng (HPG, NKG, BMP, HSG, SMC), phân bón (DPM, BFC) và ngành bảo hiểm nói chung.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục