Chứng khoán quý II khó "qua mặt" quý I

(ĐTCK) Bất chấp kinh tế vĩ mô có thêm những tín hiệu tích cực, một số dự báo cho thấy TTCK trong quý II này sẽ khó duy trì được sự hứng khởi, cũng như thanh khoản tốt như trong quý I/2014, nhất là khi các yếu tố rủi ro đang lộ diện rõ hơn.
Rất có thể quý I/2014 chính là quý đạt kỷ lục về thanh khoản trong năm nay Rất có thể quý I/2014 chính là quý đạt kỷ lục về thanh khoản trong năm nay

Sức cầu... hụt hơi

Giá dầu giảm từ 1/4/2014, trước đó Tổng cục Thống kê công bố GDP quý I/2014 ước tăng 4,96% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng cùng kỳ của 3 năm trở lại đây; CPI tháng 3/2014 giảm 0,44% so với tháng trước; quý I/2014, cổ phần hóa thành công 13 tổng công ty... Những con số này cho thấy, kinh tế vĩ mô tiếp tục vận động theo hướng tích cực. Tuy nhiên, theo một số ý kiến, các yếu tố này đã phản ánh vào giá cổ phiếu, nên bước vào quý II này, thị trường đối mặt với nhiều rủi ro.

“Trái ngược với 2 tháng đầu năm nay mua ròng mạnh, gần như cả tháng 3 vừa qua, khối ngoại đã bán ròng khá lớn. Diễn biến này chưa có dấu hiệu dừng lại, nên đây đang là một trong những rủi ro lớn nhất của thị trường trong quý II/2014…”, ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, đồng thời phân tích thêm, sự suy yếu của dòng vốn ngoại sẽ tác động không tích cực lên dòng vốn trong nước. Mặt khác, nhiều DN vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2013, cho thấy có sự sụt giảm lợi nhuận đáng kể so với thông tin DN đã công bố. Điều này cũng đang tác động không tốt đến tâm lý thị trường.

Không chỉ dòng vốn ngoại đang đuối dần, dòng vốn nội, theo ông Phạm Duy Hưng, Phó Giám đốc Khối dịch vụ Chứng khoán, CTCK APEC (APS), cũng đang hụt hơi, do nhiều CTCK đã hết hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ (margin). Để có thêm dòng tiền mới quay trở lại thị trường cần có thêm thời gian. Dự báo kết quả kinh doanh quý I/2014 của các DN sẽ không tạo ra sự khác biệt đáng kể so với quý IV/2013, nên cũng thiếu động lực hút dòng tiền tham gia thị trường...

Khó “qua mặt” quý I

Với những yếu tố rủi ro trên, nhiều ý kiến cho rằng, sự sôi động, cũng như tính thanh khoản của thị trường trong quý II này sẽ khó “qua mặt” quý I vừa qua.

Theo ông Long, lý do là bởi quy luật thị trường từ năm 2012 đến nay cho thấy, thường NĐT nước ngoài tăng giải ngân trong quý I, đồng thời dần chốt lời trong quý II. Trong 3 năm gần đây, giá trị giải ngân của khối ngoại trong quý II thường thấp hơn so với quý I. Xu hướng này đang có dấu hiệu lặp lại ngay khi bước vào quý II/2014.

“Hy vọng với sự vận động tốt hơn của tình hình vĩ mô, mức độ rút vốn của khối ngoại trong quý II năm nay sẽ ít hơn so với cùng kỳ nhiều năm gần đây…”, ông Long dự báo và cho biết thêm, một lý do khác khiến dòng vốn ngoại sẽ hụt hơi trong quý II này là ngay trong những tháng đầu năm nay, khối ngoại đã đặt kỳ vọng nhiều vào quyết định nới room. Tuy nhiên, điều này đã không diễn ra, nên thị trường sẽ khó tạo ra điểm hấp dẫn đáng kể để hút thêm dòng vốn ngoại.

Dưới góc độ kỹ thuật, BSC cho rằng, khi VN-Index sụt giảm dưới 590 điểm, có thể kích hoạt động bán ra và đẩy chỉ số về mức giảm điểm sâu hơn 570 (ngắn hạn) và 555 (trung hạn). Nếu việc này diễn ra thì NĐT nên bán ra để giảm tỷ trọng nắm giữ. Trường hợp VN-Index vẫn duy trì những phiên tăng điểm nhẹ với biên độ hẹp, khối lượng giao dịch tăng dần, thì nhà đầu tư có thể nắm giữ. Nếu thị trường dao động đi ngang trong vùng giá từ 590 - 600 điểm trong tuần này, nên tích cực cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm tỷ trọng các cổ phiếu  nóng, mua vào các cổ phiếu có thông tin tích hỗ trợ từ ĐHCĐ về kế hoạch kinh doanh 2014, cũng như kết quả kinh doanh quý I/2014 và tỷ lệ cổ tức hấp dẫn.

Nếu không có thêm những tín hiệu vĩ mô tích cực, cũng như các giải pháp mang tính kỹ thuật hỗ trợ TTCK, theo ông Hưng, rất có thể quý I/2014 chính là quý đạt kỷ lục về thanh khoản, với nhiều phiên có giá trị giao dịch đạt 4.000 - 5.000 tỷ đồng. Kỷ lục đó sẽ khó lặp lại trong năm nay. Với xu hướng vận động của thị trường như vậy, với những NĐT đang sử dụng nhiều margin nên tính thời điểm thích hợp để chốt lời, thậm chí cắt lỗ, để tránh đối mặt với rủi ro thị trường có thể điều chỉnh với biên độ khá lớn trong quý II này. Với những NĐT còn tiền, thì các phiên điều chỉnh này là cơ hội tốt để sở hữu thêm cổ phiếu và đợi những diễn biến kinh tế vĩ mô, cũng như hiệu quả kinh doanh của DN rõ nét hơn trong quý II/2014.

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục