Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, thị trường chứng khoán cuối năm 2024 sẽ tăng trưởng mạnh – khác với sự trầm lắng nhất định trong giai đoạn nửa đầu năm.
Về kinh tế vĩ mô, PHS hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống khoảng 6%, giảm so với dự báo trước đó là 6,2%. Việc điều chỉnh này dựa trên các dấu hiệu kém khả quan liên quan đến tiêu dùng trong nước và sản xuất công nghiệp chưa có nhiều tín hiệu đột phá trong giai đoạn nửa đầu năm 2024.
Thực tế, trong nửa đầu năm qua đã xuất hiện khá nhiều rủi ro đối với nền kinh tế, điển hình là tỷ giá; bất ổn địa chính trị, qua đó không chỉ khiến cho các doanh nghiệp thận trọng hơn trong mở rộng kinh doanh mà còn khiến cho người dân thắt chặt chi tiêu.
Yếu tố tỷ giá có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm, một trong các cơ sở để kỳ vọng đến từ dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, giá trị đồng USD sẽ giảm, từ đó kéo tỷ giá xuống.
Mặc dù hiện tại, theo PHS, các thách thức và cơ hội đan xen nhưng khả năng FED, ECB sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối 2024. Thị trường tài chính toàn cầu sẽ hưởng lợi, trong khi đó nền kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tăng trưởng trở lại sẽ là những nhân tố vững chắc thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hệ thống giao dịch KRX, được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán Việt Nam như tăng thanh khoản, nâng cao hiệu quả hoạt động và thu hút nhà đầu tư nước. Tuy nhiên, KRX tiếp tục lỡ hẹn với nhà đầu tư vào tháng 5/2024. Đến nay việc vận hành hệ thống KRX vẫn là một dấu chấm hỏi dai dẳng và vẫn chưa có thêm thông tin gì mới về việc vận hành hệ thống này.
Bà Bùi Thị Quỳnh Nga, Chuyên viên Phân tích cao cấp vĩ mô và chiến lược CTCK Phú Hưng (PHS) cho rằng, nửa cuối năm 2024 là thời điểm vàng cho các doanh nghiệp trong nước thể hiện sự bứt phá khi mà các điều kiện kinh tế được cải thiện, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ bắt đầu quay trở lại chu kỳ tiền rẻ. Trong bối cảnh đó, cùng với việc 4 luật mới sẽ đi vào áp dụng thì nhóm các doanh nghiệp bất động sản sẽ chứng kiến sự thanh lọc và bứt phá mạnh hơn trong nửa cuối năm 2024. Qua đó, góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán sôi nổi hơn trong 2024.
"Chúng tôi vẫn kỳ vọng thị trường chứng khoán là kênh đầu tư đáng quan tâm. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường sẽ tăng 18% trong năm 2024, tương ứng với P/E forward là 12,2. Đây là mức khá hấp dẫn và dự đoán trong kịch bản tích cực Vn-Index có thể chạm 1.452 điểm", bà Nga nói.
Chính phủ cũng thể hiện sự chỉ đạo sát sao với quyết tâm nâng hạng thị trường. Đây là cơ sở cho sự phát triển trong dài hạn của TTCK bên cạnh sự phát triển của nền kinh tế.