Chứng khoán phái sinh: Tuần thử thách của trader

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tưởng chừng VN30-Index đã được trao cơ hội để thể hiện sức mạnh trong tuần vừa qua thì một lần nữa, những biến động của thị trường quốc tế lại đem đến một biến số mới.
Chứng khoán phái sinh: Tuần thử thách của trader

Chứng khoán toàn cầu đánh mất xu hướng tăng trưởng dài hạn

Mối đe dọa từ căng thẳng địa chính trị diễn ra tại Đông Âu, cộng hưởng với xu hướng xấu của các chỉ số chứng khoán lớn trên toàn cầu tạo ra một tuần giao dịch đầy căng thẳng dành cho nhà đầu tư Việt Nam.

Một mặt, nếu kiểm chứng trong quá khứ ở những khoảng thời gian xảy ra xung đột chiến sự, thị trường chứng khoán toàn cầu thường có bước nhảy vọt về giá trị vốn hóa.

Chỉ số MOEX Russia Index có thời điểm mất hơn 60% giá trị vốn hóa.

Chỉ số MOEX Russia Index có thời điểm mất hơn 60% giá trị vốn hóa.

Mặt khác, không ai định lượng được sức ảnh hưởng thực sự của chiến tranh lên nền kinh tế toàn cầu, hay giá dầu thô tăng phi mã có ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng lạm phát và liệu các ngân hàng trung ương có đủ các tiềm lực để ổn định nền kinh tế của các quốc gia trong bối cảnh hậu dịch bệnh.

Thế nhưng, dù kết cục là gì thì đại đa số thị trường chứng khoán của các nền kinh tế lớn trên thế giới đã bước vào giai đoạn điều chỉnh trung - dài hạn.

Và Việt Nam cũng như một số chỉ số tăng trưởng nhanh của ASEAN đang đơn thương độc mã cố gắng duy trì được đà tăng trưởng vốn hóa, đồng nghĩa với đó là tâm lý và sự kỳ vọng của nhà đầu tư khó có thể vững vàng để đặt lệnh Mua, tạo tín hiệu cho các chỉ số vượt cản.

Tình trạng đi ngang của chỉ số VN30-Index chưa thể kết thúc trong thời gian ngắn và cuối cùng là ảnh hưởng đến các chiến lược giao dịch theo xu hướng trên thị trường phái sinh.

Tuần giao dịch đầy cạm bẫy

Khi chỉ số VN30 nằm trong trạng thái đi ngang ngắn hạn, duy trì định hướng tăng trưởng trung - dài hạn thì mọi động thái rung lắc điều chỉnh đều sẽ xuất hiện lực cầu bắt đáy đáng kể và từ đó tình huống bẫy gấu (bear-trap) có thể xảy ra.

Thế nhưng, nếu trạng thái hưng phấn xuất hiện mà yếu tố vĩ mô chưa ổn định, thiếu nhóm cổ phiếu dẫn dắt vốn hóa lớn như ngân hàng thì ngược lại, hiện tượng bẫy bò (bull-trap) có khả năng xuất hiện.

Và khi kết hợp cả hai yếu tố trên chỉ trong 1 tuần tạo ra 5 phiên giao dịch đầy cạm bẫy, được thể hiện trên khung đồ thị ngày của VN30-Index với 5 cây nến có bóng dài theo cả hai chiều tăng - giảm xen kẽ.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá.

Diễn biến trên đặc biệt nguy hiểm với những nhà đầu tư có thói quen giao dịch theo tín hiệu khi giá các hợp đồng vượt khỏi kháng cự hay sập gãy xuống dưới hỗ trợ. Biện pháp phòng tránh rủi ro dễ dàng nhất là phân bổ tỷ trọng vừa phải trên các sản phẩm có đòn bẩy cao như hợp đồng tương lai.

Tín hiệu phá vỡ trạng thái cân bằng chỉ có thể xảy ra nếu VN30-Index vượt hẳn qua mốc 1.570 điểm hoặc sập gãy khỏi 1.470 điểm. Cho đến khi thế cân bằng được phá vỡ, canh đặt lệnh Mua ở các vùng hỗ trợ mạnh, Bán ở kháng cự mạnh (hay còn gọi là chiến lược giao dịch trong biên độ).

Khuyến nghị: “Hạn chế Mua - Bán đuổi”

Tuần lễ giao dịch khó chịu đang hình thành cho VN30F1M biên độ giá hẹp dần. Chưa thể gọi đây là tích lũy tích cực, bởi lẽ giá chỉ đang tạo ra hình chữ nhật và nằm lọt thỏm trong mẫu hình lớn của thị trường. Dữ kiện duy nhất để hành động lúc này là dựa vào niềm tin rằng thị trường duy trì được sức mạnh vốn đã kéo dài kể từ giữa năm 2020 và độ lệch chênh âm gần 10 điểm cho mức giá hấp dẫn hơn cho bên Mua.

VN30-Index cân bằng trở lại sau khi biến động mạnh.

VN30-Index cân bằng trở lại sau khi biến động mạnh.

Canh rải lệnh Mua vào trong các nhịp rung lắc điều chỉnh trở về hỗ trợ thực sự mạnh là 1.48x điểm, quản trị rủi ro bằng cách cắt lỗ các vị thế nếu VN30F1M thủng xuống dưới 1.470 điểm, mức giá mục tiêu đưa ra sẽ là kháng cự yếu 1.520-1.530 điểm. Chiến lược được áp dụng là giao dịch trong biên độ, biện pháp tăng xác suất mở lệnh là chờ đợi giá tạo ra dấu hiệu đảo chiều như hai đáy hoặc phân kỳ dương.

Dành cho nhà đầu tư ưa thích nắm giữ vị thế dài hạn, với sản phẩm có mức đòn bẩy cao 7 lần như các hợp đồng tương lai mà các dao động giá bất thường lại có thể lên tới 50 - 70 điểm thì đây không phải là khoảng thời gian phù hợp để tham gia chiến lược giao dịch theo xu hướng trên VN30F1M.

Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua

Với kế hoạch giao dịch là tham gia nếu giá VN30F1M điều chỉnh trở về 1.480 - 1.490 điểm, người viết hoàn toàn đứng ngoài và không mở bất kỳ hợp đồng nào trong tuần qua. Với các rung lắc trong biên độ hẹp diễn ra trong tuần đã chứng minh rằng đây là biện pháp hoàn toàn hợp lý để bảo vệ tài khoản.

Tưởng chừng như VN30-Index đã được trao cơ hội để thể hiện sức mạnh trong tuần vừa qua thì một lần nữa, những biến động của thị trường quốc tế lại đem đến một biến số mới và làm cho các cơ hội giao dịch với xác suất cao tại VN30F1M ngày càng thu hẹp. Một lần nữa, sự kiên nhẫn của các trader lại được đem ra thử thách!

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ