Chứng khoán phái sinh: Kỳ vọng từ dòng tiền không tham gia nhịp bán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản vẫn thấp, nhưng phiên cuối tuần qua được cải thiện cùng với điểm số tăng. Khi dòng tiền không tham gia vào nhịp bán thì có thể kỳ vọng thị trường sẽ có nhịp đi lên.
Chứng khoán phái sinh: Kỳ vọng từ dòng tiền không tham gia nhịp bán

Chờ đợi thông tin lãi suất từ Fed

Những lo lắng về suy thoái kinh tế Mỹ, điều mà ngân hàng trung ương nước này cũng đã nhấn mạnh tại cuộc họp chính sách trong tháng 3/2023 và nỗi lo ngại về thanh khoản của ngành ngân hàng đã tạo cơ sở cho kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2023.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, việc cắt giảm lãi suất đang trở nên xa vời khi lạm phát vẫn ở mức cao gấp đôi so với mục tiêu 2% của Fed. Trong khi đó, các chỉ báo vĩ mô trên thị trường lao động vẫn tốt hơn kỳ vọng và tình trạng căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng giảm dần trong vài tuần gần đây.

Xét nhóm tài sản mang tính rủi ro như chứng khoán, các chỉ số mang tính đại diện vẫn đang giữ vững được phong độ trong tuần qua. Nhưng có thể chính sự thiếu động lực tăng trưởng từ báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023 khi nhiều công ty có lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ, cũng như Fed có thể tăng lãi suất trong tháng 5/2023 khiến thanh khoản sụt giảm. Yếu tố này khiến thị trường “lình xình”, qua đó tạo cảm giác “yên bình”, dù rủi ro gia tăng.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Một lần nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành tâm điểm, nhưng ở góc độ vận động yếu hơn so với các thị trường khác. Điều này về cơ bản đến từ kỳ nghỉ lễ dài cũng như hiệu ứng từ hiện tượng “Bán trong tháng 5” (Sell in May) trong lịch sử đè nặng tâm lý dòng tiền mua lên.

Mặc dù vậy, thị trường cũng có trợ lực khi lãi suất trái phiếu vẫn đang ở mức thấp và cho phép kỳ vọng về câu chuyện vĩ mô dần trở nên tốt hơn.

VN30: Sau nhịp kiểm chứng có thể là pha tăng

Với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cấu thành chỉ số VN30, nhiều doanh nghiệp đã có báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu năm 2023 không thật sự khả quan, khiến vận động tăng trưởng từ chỉ số gặp khó khăn. Nhưng điểm mấu chốt vẫn là thanh khoản, khi dòng tiền không tham gia vào nhịp bán thì có thể kỳ vọng VN30 sau nhịp kiểm chứng vùng hỗ trợ mạnh sẽ phục hồi lên vùng biên giá trên.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Vận động của VN30 đã chạm kịch bản kỳ vọng trong tuần trước, với 1.036 điểm là hỗ trợ mạnh từ Fibonacci. Theo đó, đà rơi được tích lũy từ từng phiên nhỏ đã được chặn đứng. Điều này thể hiện khá rõ qua mẫu hình nến rút chân với thanh khoản bắt đáy gia tăng trở lại trong phiên giao dịch gần nhất. Theo đó, yếu tố tâm lý đang trở nên tốt hơn, khi một số vị thế khẳng định về việc nắm giữ cổ phiếu và chấp nhận không thể chuyển thành tiền mặt cho đến cuối tuần sau.

Xét về các điểm cản mang tính xu hướng, dựa trên đường kháng cự đã bị VN30 biến thành nền hỗ trợ trong tháng 4/2023, có thể thấy kỳ vọng nhịp tăng quay trở lại là có cơ sở. Cụ thể, giá đã có phản ứng tốt khi chạm vào đường hỗ trợ xu hướng, đồng thời chỉ báo RSI góp phần khẳng định cho thế lệnh do bên mua lên làm chủ cuộc chơi. Chi tiết hơn, giá bắt đầu tăng dần khi phục hồi từ vùng quá bán. Có thể nhờ yếu tố này mà VN30 sẽ phục hồi trở lại với mục tiêu trong tháng 5/2023 ở mức cao, vùng 1.086 điểm.

Chứng khoán phái sinh: Vị thế mua có ưu thế

Kỳ vọng giá biến động và tích lũy sát ngưỡng hỗ trợ trong tuần trước đã được hợp đồng phái sinh kỳ hạn 1 tháng (VN30F1M) phản ánh. Nhờ vận động này, nền tảng hỗ trợ giá bắt đầu xuất hiện. Đặt trong câu chuyện chỉ số chính VN30 đang mang lại những tín hiệu tích cực hơn, vận động từ VN30F1M nhiều khả năng sẽ tốt hơn trong thời gian tới.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Tín hiệu phân kỳ từ đường RSI là dấu hiệu rõ nét về kỳ vọng dòng tiền mua lên quay trở lại với hợp đồng VN30F1M. Cụ thể, vùng quá bán xuất hiện từ chỉ báo RSI, nhưng giá phái sinh giảm không đáng kể. Đây là tín hiệu khá tích cực khi áp lực bán không còn dồn dập như trước. Bên cạnh đó, tín hiệu từ chỉ báo MACD cũng thể hiện kỳ vọng xu hướng tăng quay trở lại khi mức phân kỳ dương Histogram dần rõ nét hơn.

Trên đồ thị kỹ thuật, VN30F1M đang vào vùng khó phân định khi dao động trong vùng cản giữa hỗ trợ và xu hướng của hai thời kỳ khác nhau. Điều này góp phần làm tăng rủi ro cho cả hai bên mua (Long) và bán (Short). Nhưng dựa trên mức vênh (Basis) âm gia tăng, bên mua có phần chiếm ưu thế trong thời điểm vận động giá đang “mù mờ”.

Do vậy, nhà đầu tư có thể cân nhắc về thế lệnh mua thấp trong thời điểm hiện tại. Cụ thể, nếu giá kiểm chứng lại ngưỡng 1.038 điểm sau “khoảng trống giá” được tạo ra trong phiên sát kỳ nghỉ lễ, nhà đầu tư có thể mua lên và kỳ vọng giá tiến lên mức 1.054 điểm. Trong trường hợp vùng kháng cự hiện tại được kiểm chứng thành công, có thể lệnh bán sẽ là hợp lý quanh mức 1.045 điểm và kỳ vọng giá tìm về ngưỡng hỗ trợ mới ở 1.020 điểm.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục