Thị trường 2024: Hiệu ứng “bình thông nhau”
Thị trường chứng khoán phái sinh có diễn biến tích lũy hướng lên với biên độ hẹp dần trong suốt cả năm 2024, đặc biệt là giai đoạn từ quý II trở đi và chỉ số VN30 cũng như hợp đồng tương lai VN30F1M đều kết thúc trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 ở quanh ngưỡng MA200 1.300 điểm.
Về mặt kỹ thuật, điểm số của cả hai chỉ số đều đang kiểm tra lại ngưỡng Fibonacci 61,8% tính từ mức đỉnh trên 1.500 điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023. Đây là vùng kiểm chứng quan trọng để xác nhận xu hướng tiếp theo của các chỉ số.
Ngược lại với sự tương đồng trong diễn biến giá, một sự đối lập được quan sát thấy giữa thanh khoản thị trường phái sinh và thị trường cơ sở, khi thanh khoản thị trường phái sinh duy trì khá tốt, trong lúc thanh khoản thị trường cơ sở sụt giảm, đặc biệt là trong những tháng cuối năm.
Có thể nói, đây là hiệu ứng “bình thông nhau”, khi xác suất đầu tư thành công trên thị trường cơ sở giảm sút thì nhu cầu phòng vệ của nhà đầu tư gia tăng, bên cạnh một bộ phận nhà đầu tư tích cực chuyển hướng tìm kiếm cơ hội trên thị trường phái sinh.
Theo đó, khối lượng hợp đồng mở (OI) thường xuyên ở mức cao; trong đó, phiên giao dịch ngày 18/11/2024 đạt 72.740 hợp đồng, mức cao nhất kể từ đầu năm 2024. Tốc độ tăng của số lượng mở mới tài khoản phái sinh tăng dần kể từ cuối quý IV/2023 và bứt tốc mạnh mẽ từ quý I/2024 với hơn 1,836 triệu tài khoản vào cuối tháng 11/2024.
Năm 2024 cũng là năm mà tác động của hoạt động kiếm lời chênh lệch giá (Arbitrage) và yếu tố công nghệ trong giao dịch chứng khoán phái sinh thể hiện rõ nhất.
Giai đoạn cuối năm, khi mức chênh (basic) giữa giá hợp đồng phái sinh và chỉ số cơ sở VN30 thường xuyên dương, hoạt động mua chứng khoán cơ sở (cổ phiếu thuộc VN30) và bán (Short) chứng khoán phái sinh nhằm hưởng chênh lệch giá diễn ra sôi động, hầu hết các giao dịch này được hỗ trợ bởi các công cụ giao dịch bằng thuật toán được thực hiện bởi các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Ngược lại, khi basic âm, nhà đầu tư kiếm lời bằng cách mua (Long) VN30F1M, VN30F2M và bán các cổ phiếu có trọng số lớn trong rổ VN30. Điều này một phần hỗ trợ cho thanh khoản trên thị trường chứng khoán cơ sở, đồng thời giúp biên độ biến động của VN-Index và VN30 dần thu hẹp.
Bối cảnh 2025: Vĩ mô thuận lợi
Diễn biến thị trường phái sinh cũng như thị trường cơ sở đang và sẽ phản ánh các kỳ vọng liên quan tới bức tranh vĩ mô thế giới và Việt Nam năm 2025; trong đó, đa số các mảng màu đều sáng hơn nhưng với mức độ thay đổi ít hơn so với năm 2024.
|
|
Từ phía bên ngoài, các dự báo cho nhiệm kỳ Tổng thống mới của Mỹ bao gồm cơ hội đến từ chu kỳ công nghệ mới, tăng trưởng GDP cao, tiêu dùng chính phủ lớn, bên cạnh đó là nguy cơ đồng USD mạnh lên, lạm phát và lãi suất giảm chậm hơn, biện pháp bảo hộ thương mại như thuế quan gia tăng.
Hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới đều hướng tới chính sách nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất nhằm thúc đẩy kinh tế hồi phục nhanh hơn, giúp cho nhiều nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ rơi vào suy thoái, thậm chí quay ngược trở lại giai đoạn mở rộng của chu kỳ kinh tế.
Từ phía bên trong, HSC dự báo thận trọng rằng, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 đạt 6,7%, nhờ hoạt động đầu tư công mạnh mẽ hơn, trong khi xu hướng thương mại và tiêu dùng tích cực được giữ vững.
Tăng trưởng GDP năm 2024 là 7,09%, vượt mục tiêu 6,5% của Quốc hội. Đây cũng là cơ sở cho kế hoạch năm 2025 tăng trưởng 8%, nhờ việc cải cách thể chế mạnh mẽ, đầu tư công cải thiện, cùng các biện pháp hỗ trợ cho nhu cầu tiêu dùng; đồng thời, sản xuất kỳ vọng sẽ được thúc đẩy nhờ hoạt động xuất nhập khẩu duy trì ổn định, trong khi lĩnh vực xây dựng hưởng lợi từ đầu tư công và thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi.
Dự báo xu hướng thị trường phái sinh 2025
Bối cảnh vĩ mô thuận lợi giúp dự báo EPS năm 2025 của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 15%, mang lại tiềm năng tăng giá khoảng 15 - 20% cho thị trường chứng khoán. Đây là tiền để đầu tiên cho mục tiêu hướng đến của các chỉ số chứng khoán trong năm nay.
Mặc dù giai đoạn đầu năm, thị trường còn bị cạnh tranh bởi nhiều loại tài sản mang tính đầu cơ cao, khiến khả năng bứt phá bị hạn chế và thị trường tiếp tục xu hướng đi ngang trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc vàng, tiền số, bất động sản một số khu vực đều đang ở vùng giá cao, kênh đầu tư cổ phiếu sẽ tạo được các cơ hội hấp dẫn dòng tiền.
Bên cạnh đó, hàng loạt cải cách mới liên quan tới Non-prefunding cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, việc triển khai hệ thống KRX đang rục rịch trở lại, sự ra đời của sản phẩm chứng chỉ lưu ký quốc tế cổ phiếu FPT… đang dần đưa hy vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam được hiện thực hóa, dự báo là trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 bởi tổ chức FTSE.
|
Diễn biến hợp đồng tương lai VN30F1M đến ngày 10/1/2025 |
|
Diễn biến chỉ số VN30 đến ngày 10/1/2025 |
Sự kiện này sẽ là cú huých mạnh mẽ để nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời kích hoạt dòng vốn của các nhà đầu tư nội địa. Dòng vốn nước ngoài phần lớn là các quỹ ETF mô phỏng chỉ số VN30 nên càng có tác động tích cực với chỉ số phái sinh VN30F1M.
Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam là đối tượng đã tự tin đối ứng 90.000 tỷ đồng mà nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trong năm 2024 và sẽ được hỗ trợ tài chính vững chắc dựa vào khả năng cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán được mở rộng nhờ nhiều kế hoạch tăng vốn thành công trong năm 2024 và dự kiến tiếp tục triển khai trong năm 2025.
Nằm trong lộ trình cải tiến thị trường tài chính hướng tới nâng hạng lên thị trường mới nổi, sự phát triển của thị trường phái sinh cũng là tất yếu với mục tiêu hoàn thiện cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam.
Do vậy, ngay từ quý I/2025, sản phẩm hợp đồng tương lai cho chỉ số VN100 dự kiến sẽ chính thức được triển khai, đáp ứng bổ sung cho nhu cầu phòng vệ của các nhà đầu tư.
Việc triển khai sản phẩm này và các quy định mới giới hạn sức ảnh hưởng của một ngành không quá 40% VN30 cũng là các biện pháp hữu hiệu giảm sự phụ thuộc vào chỉ số này và giảm bớt sức ảnh hưởng của một vài nhóm ngành, cổ phiếu cụ thể có trọng số lớn ảnh hưởng tới biến động chung của thị trường.
Đây cũng là những bước đi tiếp nối để dẫn tới sự ra đời của các sản phẩm đa dạng, hấp dẫn trong tương lai, phù hợp với nhu cầu đầu tư và quản trị rủi ro của các nhà đầu tư ngày một hiện đại và chuyên nghiệp hơn, ví dụ như các sản phẩm hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ và hợp đồng quyền chọn.